Điểm sáng trong Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

Sau bốn năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, với 1.871 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao đến 5 sao còn hiệu lực, trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.

Sản phẩm của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt hạng ba sao. (Ảnh: KIM THOA)

Sản phẩm của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt hạng ba sao. (Ảnh: KIM THOA)

Chương trình OCOP của thành phố đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn.

Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đến nay, thành phố có 83 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc; đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Hiện thành phố có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.162 sản phẩm 4 sao và 692 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm OCOP của Hà Nội được đánh giá có chất lượng tốt, với một số mặt hàng đạt tiêu chuẩn 5 sao, như: bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất...

Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 3% số sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia...

Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 đã tiến hành đánh giá, chấm điểm các sản phẩm, bộ gốm men suối ngọc của HTX Sản xuất và kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (Hà Nội) đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của thành phố, bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay cả nước có 9.167 sản phẩm OCOP của 4.704 chủ thể (trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao).

Cùng với đó, nhiều sản phẩm đặc trưng khác, như: bưởi đỏ của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao; nón lá Phương Trung; gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm, trứng vịt Liên Châu; sản phẩm bột sắn dây xứ Đoài của huyện Hoài Đức...; được người dân ưa chuộng, tiêu thụ nhiều. Đặc biệt, nhãn chín muộn của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU.

Mới đây, thành phố tổ chức Đoàn công tác dự Hội chợ về thực phẩm hữu cơ tại Đức nhằm quảng bá hình ảnh nông sản, thực phẩm hữu cơ và OCOP của Hà Nội, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; tổng số lượt khách tham quan, kết nối thông tin trao đổi ở khu gian hàng của Việt Nam là gần 1.200 khách, với giá trị hợp đồng ký trực tiếp tại Hội chợ và năm 2023 là gần 2 triệu USD, trong đó khu gian hàng Hà Nội đạt gần 600 khách, giá trị hợp đồng ký trực tiếp đạt gần 1 triệu USD.

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Chu Quyến cho biết, thành lập năm 2017 và tham gia Chương trình OCOP từ năm 2020, hiện Hợp tác xã có một số loại rau củ đạt chứng nhận 3 sao, gồm: mướp, mướp đắng, bầu, mồng tơi, đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Nhờ vậy, các sản phẩm của Hợp tác xã có cơ hội quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng, minh chứng cho thấy những hiệu ứng tích cực từ OCOP.

Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP từ các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, có được chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 3% số sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; có ít nhất 50% số làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-sang-trong-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-post749107.html