Điểm thi Hà Giang và nhức nhối miền đất hứa cho...sai trái

Hành xử của một, hoặc một nhóm người lớn vụ lợi và gian dối đã gây nên cú sốc lớn cho tuổi 18...

Sự thật về kỳ tích điểm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang đã được bóc trần, gây không ít chua xót, bẽ bàng. Và câu hỏi làm sao để có một kỳ thi thực chất, chất lượng càng thêm nhức nhối…

Đã nhiều người hi vọng, điểm thi cao bất thường của Hà Giang là một sự… bình thường. Khi đề thi bám sát chương trình, cố gắng của học sinh ở một tỉnh nghèo, ít điều kiện ôn luyện vẫn có thể gặt hái nhiều trái ngọt.

Và đó sẽ là tấm gương cho các tỉnh thành khác, thậm chí cho cả Hà Nội và TP.HCM, nơi những lò luyện thi luôn kín chỗ trong cuộc chạy nước rút chạm giấc mơ đại học.

Thực tế quá bẽ bàng. Có lẽ đến tận lúc này dư luận vẫn còn choáng váng trước việc 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với chấm thẩm định.

Điểm thi ở Hà Giang.

Thậm chí có thí sinh được tăng lên tới 29,95 điểm. Sẽ có nhiều thí sinh đang rớt nước mắt vì sự bất công mà các em đã phải chịu đựng. Và với những thí sinh có điểm phúc khảo thấp hơn nhiều so với điểm thi công bố, có thể các em cũng chỉ là nạn nhân.

Hành xử của một, hoặc một nhóm người lớn vụ lợi và gian dối đã gây nên cú sốc lớn cho tuổi 18, lẽ ra đang ôm ấp đầy ước mơ, hoài bão bước vào đời. Nhiều nỗi đau không nói nên lời…

Không nên và không thể quy kết trường hợp Hà Giang chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cũng sẽ là bất công khi phủ nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng và của cả xã hội nói chung trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi.

Thế nhưng, vẫn phải nhìn thẳng vào nỗi đau giáo dục ở Hà Giang để soi xét lỗ hổng khiến con khủng long suýt chui lọt lỗ kim, từ đó ngăn chặn kịch bản tương tự.

Câu hỏi đầu tiên là, với quy trình và cách thức tổ chức thi và chấm thi được đánh giá là chặt chẽ như hiện nay, vì sao vẫn tồn tại kẽ hở để một sai phạm có thể nói là tày đình kia xuất hiện? Tại sao một vị cán bộ trong Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh có gan và có điều kiện để thực hiện việc làm sai trái trên?

Xét về động cơ, rất vô lý nếu hành động của vị Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục đơn thuần vì thành tích giáo dục của tỉnh Hà Giang.

Quá trình thanh tra đã xác định, có những số điện thoại nhắn tin số báo danh của thí sinh vào điện thoại của vị cán bộ này. Việc xem xét lại điểm số của kỳ thi trước cũng đã được nêu ra. Có thể tạm hiểu, không thể là lỗi do… vô vị lợi hay chỉ vì thành tích chung của cả tỉnh nhà.

Phải chăng vị cán bộ kia không sợ phải trả giá, thân bại danh liệt; thậm chí, có thể còn phải đối diện với pháp luật khi thực hiện hành vi trên? Hay phải chăng, có phần thưởng cho hành vi sai trái hấp dẫn hơn gấp bội hình phạt của pháp luật?.

Dù chúng ta đều tin rằng, sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh, thì dấu hỏi về trách nhiệm và đạo đức của một người có chức vụ trong bộ máy quản lý giáo dục tỉnh vẫn thật khó trả lời.

Khó có cơ hội tồn tại khuất tất, tiêu cực, nếu mỗi quy định dù nhỏ nhặt nhất đều được tuân thủ. Nhưng là rất khó hiểu khi cán bộ làm công tác chấm thi lại có thể dùng máy tính kết nối mạng để làm việc riêng.

Và khó hiểu không kém việc cán bộ này đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính từ khu vực bảo mật đến phòng Khảo thí thuộc Sở trong vòng 2 tiếng đã được thực hiện ‘trơn tru’, ‘trót lọt’. Đương nhiên, máy tính hay quy trình bảo mật chỉ là công cụ của con người, nó cho ra kết quả theo “lệnh” của người sử dụng nó.

Vậy thì, con người ở đây là những ai? Đương nhiên vị cán bộ kia là nhân vật chính, đã lộ sáng. Nhưng ai đã không đánh giá đúng mức mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm kỷ luật thi như vậy?.

Có hay không sự xuê xoa, bao che, cho đến khi mọi sự buộc phải phơi bày? Ai đã lựa chọn vị này vào vị trí nhạy cảm như vậy mà đã không lường được việc anh ta không thắng nổi cám dỗ?

Họp báo điểm thi ở Hà Giang.

Câu hỏi lớn hơn là nếu sai phạm nằm ở con người, làm thế nào để cán bộ, công chức không thể và không dám vi phạm? Tưởng như chúng ta đã có cả cây gậy và củ cà rốt nhưng hiệu lực của chúng chưa được thể hiện rõ ràng.

Khi công chức luôn hoàn thành nhiệm vụ, khi đạo đức công vụ được đưa ra như một tấm bình phong trang trí thì những nhức nhối này vẫn còn tồn tại. Buộc phải chấp nhận giả thiết, câu chuyện điểm số của Hà Giang có thể không là cá biệt mà là điển hình.

Tất nhiên, quan trọng hơn cả, phải tìm ra quan điểm và cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia đạt được mục tiêu đề ra với chất lượng tốt nhất có thể.

Sự thật là, bất chấp những lùm xùm về chuyện đề khó và cả thực tế phổ điểm trung bình năm nay thấp hơn rất nhiều, tỷ lệ tốt nghiệp 2018 vẫn đạt thành tích cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt mức 97,57%.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/diem-thi-ha-giang-va-nhuc-nhoi-mien-dat-hua-chosai-trai-3362118/