Điểm thi THPT Quốc gia 2018: Môn tiếng Anh, lịch sử thấp kỷ lục

Điểm tất cả môn thi THPT quốc gia 2018 đều thấp hơn so với năm trước, một số môn thấp bất ngờ như lịch sử, hay 'thấp mãi không cao' được dù đã đầu tư rất nhiều như tiếng Anh.

Ảnh: Ngọc Dương

Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3,91

Dù đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc dạy và học môn ngoại ngữ trong suốt nhiều năm qua nhưng môn ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng vẫn có điểm thi thấp nhất trong các môn thi.

[VIDEO] Không học đại học thì làm gì?

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, cả nước có tới 78,22% thí sinh (TS) điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, với 637.335/814.779 TS dự thi. Điểm có nhiều TS đạt nhất ở môn này là 3 với 57.320 TS. Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3,91, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017 là 4,6 và chỉ cao hơn năm 2016 là 3,22 điểm. Có 76 TS điểm 10 môn tiếng Anh và 732 TS đạt điểm 0. Có 2.189 TS có điểm liệt (<=1), cao khoảng gấp đôi so với năm ngoái.

Tại một số tỉnh khó khăn đã phản ánh rõ nhất về mức điểm yếu kém của môn tiếng Anh. Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết có tới 93% bài thi tiếng Anh đạt dưới trung bình. Đây cũng là môn có số điểm liệt cao nhất ở tỉnh này với khoảng hơn 30 điểm liệt. Tuy nhiên, một số TP lớn như TP.HCM, Hà Nội thì điểm môn tiếng Anh cũng phản ánh khá sát mức độ đầu tư cho môn học này của không chỉ nhà trường mà cả gia đình học sinh. Ví dụ, cả nước có 76 điểm 10 thì Hà Nội đã có tới 28 điểm 10 trong môn này, ngoài ra còn có 579 điểm 9. Đây cũng là môn Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất trong các môn thi. TP.HCM cũng có khoảng 20 TS điểm 10. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về điểm ngoại ngữ cũng thể hiện ở ngay trong một địa phương. Dù dẫn đầu cả nước về số điểm tuyệt đối nhưng môn tiếng Anh cũng là môn mà Hà Nội có số điểm liệt nhiều nhất trong tất cả các môn, với 112 TS...

Thí sinh tại TP.HCM xem điểm thi THPT quốc gia - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bà An Thùy Linh, giáo viên môn tiếng Anh của Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng điểm thi thấp hơn năm trước vì đề thi năm nay khó nếu so sánh với đề năm trước. Nhưng là một giáo viên, bà Thùy Linh cảm thấy mừng về cách thay đổi đề thi theo hướng này vì vài năm nay đề ra dễ quá học sinh học môn này rất chểnh mảng, chủ quan.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng đúng là nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ đối với những TP, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Đó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh chân thực. Để khắc phục điều này, tới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai một cách hiệu quả đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia.

Phổ điểm môn sử (bảng trên) và tiếng Anh (bảng dưới) trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: Nguồn: Bộ GD-ĐT

83,24% thí sinh dưới trung bình môn sử

Ngoài điểm môn tiếng Anh thì điểm môn lịch sử cũng thấp kỷ lục. Điểm trung bình môn này 3,79, tổng số dưới trung bình là 468.628/563.013 TS dự thi, chiếm tới 83,24%; điểm có nhiều TS đạt nhất là 3,25 điểm. Được biết, có tới hơn 66% TS dự thi môn lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Ông Trinh cho rằng mục đích dự thi của TS đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn này. Với một kỳ thi với 2 mục đích, tính mục đích của các TS trong kỳ thi rất rõ. Thực tế là những TS dự thi môn lịch sử với mục đích xét tuyển ĐH, CĐ có điểm số tốt hơn hẳn so với những TS chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.

Trong khi đó giáo dục công dân là môn có điểm thi cao nhất. Điểm trung bình của môn này là 7,13. Đây cũng là môn có bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất với 309 bài trên cả nước.

Không còn “mưa” điểm 10

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, toàn quốc có 447 điểm 10 ở 7 môn thi, trong khi con số này năm 2017 là gần 4.200. Với môn toán, cả nước chỉ có 2 điểm 10, trong khi năm 2017 có tới 281 điểm 10. Không chỉ điểm tuyệt đối, điểm trung bình của môn này thấp hơn hai năm 2016 và 2017. Điểm trung bình môn toán cả nước là 4,86, thấp hơn năm 2017 (là 5,19 điểm) và năm 2016 (là 5,02 điểm). Các môn khoa học tự nhiên khác như lý, sinh học cũng đều chỉ có 2 TS đạt điểm 10.

Môn ngữ văn năm nay không có TS nào đạt điểm 10, có 7 TS đạt 9,75 điểm, trong khi năm 2017 có 1 TS đạt, 12 TS đạt mức điểm 9,75. Số TS đạt điểm dưới trung bình môn ngữ văn là 291.063, chiếm 32,3%, cao hơn năm ngoái với mức 29,74%. Điểm số có nhiều TS đạt nhất là 6 với 70.313 TS, tương đương với phổ điểm năm 2017. Có 103 TS bị điểm 0 môn ngữ văn. Số TS đạt điểm liệt là 783.

Theo Bộ GD-ĐT, số lượng TS có điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng 50 - 70% (ngoại trừ môn lịch sử và tiếng Anh). Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các TS.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho biết trên cơ sở phân tích sâu hơn về phổ điểm sẽ làm cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phục vụ kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo.

Trả lời Thanh Niên về thực trạng điểm môn thi năm nay thấp hơn, ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GD-ĐT không bất ngờ bởi chúng ta không thể ngày một ngày hai là có sản phẩm của giáo dục khi đang chuyển nền giáo dục từ chú trọng cung cấp nội dung sang nền giáo dục hình thành phẩm chất và năng lực, điều đó đòi hỏi một quá trình.

Khu vực miền núi có nhiều thí sinh điểm cao nhất toàn quốc

Trong 11 TS điểm thi cao nhất cả nước đều có TS ở hầu hết các vùng miền, từ địa bàn thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, thì những nơi khó khăn của các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Hà Giang… đều có TS nằm trong tốp những TS đạt điểm cao nhất. Đáng chú ý, trong số này, tỉnh miền núi khó khăn như Hà Giang có tới 3 TS vào danh sách. TS duy nhất đạt 2 điểm 10 môn tiếng Anh và lịch sử là Trần Ngọc Diệp ở Sơn La.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/diem-thi-thpt-quoc-gia-2018-mon-tieng-anh-lich-su-thap-ky-luc-982097.html