Điểm tranh cãi mới trong cuộc chiến taxi công nghệ

Ngày 13.7, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó, những quan điểm trái chiều quanh các quy định dự kiến sẽ dùng để quản lý taxi công nghệ như gắn mào taxi điện tử dường như vẫn chưa có lời kết.

Đề xuất xe Grab gắn mào “taxi điện tử”. Ảnh: PV

Lần thứ 4 ra dự thảo, chưa ngã ngũ các quan điểm

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, ranh giới giữa taxi truyền thống và vận tải hợp đồng, taxi công nghệ rất mong manh và qua thời gian vận hành, các loại hình vận tải ngày càng phát triển phức tạp.

Do đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng Nghị định 86 sửa đổi để đảm bảo chất lượng, quản lý được tất cả các loại hình vận tải, kể cả ứng dụng xe công nghệ hay truyền thống, xe hợp đồng theo hướng điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật, có các chế tài, giải pháp quản lý được xe dù bến cóc, xe trá hình, đồng thời giải quyết hài hòa mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quan điểm quanh vấn đề này còn trái chiều. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, thực tế có hàng nghìn xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm kết nối nhưng không có nhận diện thương hiệu so với taxi truyền thống, gây ra sự bất bình của DN taxi và kiến nghị, xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm kết nối đều quy định là xe taxi và chịu chung quy định quản lý. Ngoài ra, Cty công nghệ kinh doanh vận tải phải đặt máy chủ tại Việt Nam, dữ liệu có sự kết nối và chịu sự giám sát, taxi công nghệ phải gắn mào...

Trong khi đó, đại diện Grab Việt Nam nhận định mình bản chất là Cty công nghệ với vai trò cung cấp ứng dụng, kết nối giữa khách hàng và lái xe và hi vọng, cơ quan quản lý có cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý nền tảng công nghệ số mới để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Liên quan tới quy định đeo mào “taxi điện tử”, đại diện Grab cho rằng, không cần thiết và làm phát sinh chi phí cho DN.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Thương mại Điện tử Việt Nam - đánh giá cao ứng dụng thí điểm và sự phát triển công nghệ, đồng thời cho rằng, cơ quan nhà nước không nên “gò ép” mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế. Ông Hưng nhận định, cơ quan chức năng cần có cái nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình cũ.

Ở 1 góc độ khác, đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc dự thảo hiện nay coi DN công nghệ giống như taxi truyền thống là cần phải xem xét lại vì sẽ triệt tiêu sáng tạo. Nên chăng, Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến họ “chùn bước” và không tham gia vào kinh doanh vận tải.

Bộ GTVT: Sẽ chốt trong tháng 7 để trình Chính phủ

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 7 này, bộ sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến ban hành Nghị định 86. Khi ban hành Nghị định 86 sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

Bên cạnh việc sửa đổi nghị định 86, Bộ GTVT cũng sẽ đề nghị sửa Luật Giao thông Đường bộ bởi Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải, gồm: Xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch, nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Trong đó, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn.

Liên quan tới cuộc chiến giữa taxi công nghệ và truyền thống, Bộ GTVT cho rằng, bản chất của 2 loại hình này là như nhau nên các điều kiện phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng và taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không, cái cũ kỹ sẽ bị đào thải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, 1 văn bản khi ban hành không thể thỏa mãn 100% các đối tượng, vì trong hoạt động kinh doanh có sự cạnh tranh và lợi ích giữa các bên là khác nhau và trong lần sửa đổi nghị định này, một số nội dung chưa được như ý, nếu như ý thì lại trái luật. Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT giao đơn vị soạn thảo tiếp thu ý kiến, trước hết là nội dung Tờ trình Nghị định trình Chính phủ, khắc phục ngay việc lý luận một đằng nhưng lại đề chọn phương án một nẻo và quan điểm là phải giảm bớt thủ tục các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, bỏ những nội dung không cần thiết, nội dung nào đưa vào phải phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác kiểm tra giám sát.

KHÁNH HÒA

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/diem-tranh-cai-moi-trong-cuoc-chien-taxi-cong-nghe-618837.ldo