Điểm trừ của các phim làm lại

Xu hướng mua kịch bản phim của nước ngoài để Việt hóa trở nên phổ biến trong những năm gần đây và phim truyền hình cũng không ngoại lệ. Dường như nhà sản xuất tin rằng Việt hóa một kịch bản tốt là chắc chắn thành công, nhưng lại không tính đến chuyện bản Việt có thể có những hạt 'sạn' không nhỏ ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng của phim. Chiếc áo quá rộng

Dàn diễn viên của Hậu duệ mặt trời bản Việt bị chê vì diễn xuất không đạt.

Phim làm lại như nấm sau mưa

Có nhiều phim làm lại đã được thực hiện ở Việt Nam trước đây, nhưng phải tới khi Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, 2015) lấy kịch bản gốc từ Miss granny (Hàn Quốc, 2014) “đốt cháy” các phòng vé, thì trào lưu này mới thật sự trở thành con sóng lớn.

Không chỉ phim màn ảnh rộng, làn sóng này còn ảnh hưởng tới cả phim truyền hình. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như Sắc đẹp ngàn cân (James Ngô, làm lại từ 200 pounds of beauty, Hàn Quốc); Ngày mai Mai cưới (Nguyễn Tấn Phước, làm lại từ Get married, Indonesia); Gạo nếp gạo tẻ (Võ Thạch Thảo, làm lại từ Gia tộc họ Wang, Hàn Quốc), Cả một đời ân oán (NSƯT Trọng Trinh, làm lại từ Cô dâu bạc triệu, Đài Loan)... và mới đây nhất là Hậu duệ mặt trời (Trần Bửu Lộc, làm lại từ phim cùng tên, Hàn Quốc).

Trong khi Em là bà nội của anh, Cả một đời ân oán được khán giả khen ngợi, thì Ngày mai Mai cướiHậu duệ mặt trời, dù cũng lấy nguồn từ kịch bản xuất sắc, lại không thể lôi cuốn. Hậu duệ mặt trời vừa đi tới tập thứ 7, thứ 8, đã khiến người xem chán nản vì hàng loạt lỗi không hợp lý đi kèm diễn xuất non nớt của diễn viên chính.

Có ý kiến cho rằng chất lượng kịch bản của chúng ta thấp, nên mới phải mua lại kịch bản nước ngoài. Điều đó không sai. Nhưng đứng trên góc độ chuyên môn, thì làm lại một kịch bản không hẳn chứng tỏ năng lực kém. Bởi làm lại tốt và hay là điều rất khó. Vượt qua một cái bóng bao giờ cũng khó hơn tạo ra cái bóng đó. Nhất là khi bản gốc đã quá nổi tiếng ở nước sở tại, thậm chí trong khu vực, khán giả Việt đã cập nhật trước. Yếu tố bất ngờ, kịch tính hầu như đã tiết lộ. Nên nếu biên kịch non tay, phim sẽ thất bại thảm hại.

Phải thừa nhận rằng, không phải phim làm lại nào cũng tệ. Dù mượn ý tưởng nhưng nhiều đạo diễn đã khéo léo lồng vào đó chất liệu của mình. Miss Granny bản gốc không quá nổi bật, nên khi Em là bà nội của anh xuất hiện, nó liền chiếm thế thượng phong. Ở phim này, đạo diễn Phan Xine “Việt hóa” bằng nhạc Trịnh, khiến khán giả ngay lập tức có cảm giác mình thuộc về không gian trên màn ảnh. Loạt phim truyền hình Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ lôi cuốn khán giả mỗi tối cũng vì lồng ghép được hiện thực đời sống của người Việt, rất chân thực, hợp lý.

Trong khi đó, Ngày ấy mình đã yêu (Nguyễn Khải Anh, làm lại từ Discovery of love) lại gần gũi nhờ tạo hình nhân vật có cá tính hơn hẳn, một số chi tiết làm hợp lý hơn như phân đoạn Hạ nhắn tin nhầm cho Tùng. Diễn xuất của dàn diễn viên chính, phụ đều được khen ngợi có tiến bộ, trong đó Lương Thế Thành (vai Nam) cho thấy tình cảm dạt dào, sâu sắc hơn Sung Joon (Nam Ha-Jin) ở bản gốc.

Ngược lại, khi làm lại Sắc đẹp ngàn cân, dù có sự đảm bảo từ dàn diễn viên khá ổn thì phim vẫn thất bại. Sắc đẹp ngàn cân hoàn toàn dựa hơi bản gốc, giống một bản sao không hoàn hảo. Âm nhạc của phim lại còn gây thất vọng lớn. Giọng của Minh Hằng khi nói chuyện và khi hát để lộ rõ độ chênh, nhạc cũng chưa đủ “gây sốt”. Còn Hậu duệ mặt trời, những cảnh đắt giá nhất của phim đều bị bản Việt làm cho... mất giá trị.

Đơn cử như cảnh đại úy Yoo được đón bằng trực thăng, thì ở bản Việt là ca-nô khiến mất đi độ hoành tráng vốn đóng đinh trong lòng khán giả. Phân cảnh rơi chiếc khăn khi bác sĩ Kang gặp lại đại úy Yoo, Song Hye Kyo dưới chiếc khăn xinh đẹp và cảm xúc bao nhiêu, thì ở bản Việt, Khả Ngân (bác sĩ Hoài Phương) lại diễn xuất cứng đơ bấy nhiêu. Thực lực diễn viên quá yếu, nếu không có thoại, khán giả sẽ không hiểu rốt cuộc nhân vật cảm thấy thế nào, vì cơ mặt lẫn cơ mắt đều trơ như đá.

Có lẽ vì ít kinh phí, nên độ dài của mỗi tập phim Hậu duệ mặt trời bản Việt chỉ bằng 1/2-1/3 bản gốc. Chính vì thế mà mạch phim nhanh, khiến những phân đoạn cần sâu lắng cũng... nhanh nốt. Những cảnh cần nhấn mạnh cận và đặc tả để tăng cảm xúc như phân đoạn chiến đấu của đại úy Duy Kiên, Duy Kiên hất điện thoại của Hoài Phương... không có. Trong cùng một không gian rất nắng và chói, ở cảnh cận, Song Hye Kyo không phải nheo mắt ti hí như Khả Ngân. Tính cách của hệ thống nhân vật từ chính tới phụ trong bản Việt cũng vô cùng nhạt nhòa.

Ngoài ra, còn có nhiều điểm trừ như tạo hình thượng sĩ Bảo Huy trông chỉ đáng làm... cháu của cô người yêu Minh Ngọc. Người xem vừa thấy thích thú ở đoạn Duy Kiên chờ Hoài Phương bằng xe máy - rất Việt Nam - thì ngay sau đó, cảnh xé váy cho thấy sự cố gắng làm khác bản gốc không thành công. Thay vì xé váy, anh chàng đáng ra nên cho cô gái mượn một chiếc áo buộc ngang hông che đi phần váy rách, sẽ hợp lý và đỡ ngượng hơn. Đoạn Duy Kiên trao đổi với thượng úy Mark bằng tiếng Anh, rồi chuyển về tiếng Việt, cũng lộ rõ là... lồng tiếng.

Mạc Phạm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280083/diem-tru-cua-cac-phim-lam-lai.html