Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134km. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của biển trong phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh nên những năm qua, tỉnh Bình Định luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân biển (DQB) vững mạnh, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Đến xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định), chúng tôi gặp anh Hồ Huỳnh Xuân Phú, Trung đội trưởng Trung đội DQB của xã. Anh Phú vừa hoàn thành chuyến đi biển dài ngày trở về và đang chuẩn bị cho chuyến tiếp theo trên ngư trường Trường Sa. Mỗi chuyến đi biển của anh không chỉ có hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản mà còn có nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến bất thường trên biển để báo cáo vào bờ; bảo đảm thông tin tại chỗ, tạo mối liên kết, xử lý các tình huống, bảo vệ nhau trên biển. Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng với kiến thức, kinh nghiệm hơn 10 năm làm trung đội trưởng DQB, anh Phú luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Dân quân biển tỉnh Bình Định huấn luyện bắn súng.

Dân quân biển tỉnh Bình Định huấn luyện bắn súng.

Ông Nguyễn Văn Thông, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Quân sự xã Cát Khánh cho biết: “Xã có một trung đội DQB với 3 tiểu đội ở 3 thôn giáp biển là An Quang Đông, An Quang Tây và Chánh Lợi. DQB đều là ngư dân và là lực lượng nòng cốt trong các tổ đoàn kết trên biển của xã Cát Khánh. Lực lượng DQB không chỉ giúp Đảng ủy, UBND và các cơ quan chức năng của xã nắm chắc tình hình trên biển mà còn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; giúp ngư dân ứng phó kịp thời với thiên tai, gặp nạn trên biển…”.

Xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) là một trong những địa phương có đội tàu, thuyền hùng hậu nhất tỉnh Bình Định với hơn 720 tàu, thuyền, lực lượng lao động trên biển gần 7.000 người, trong đó chủ yếu là đánh bắt xa bờ trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh phát triển kinh tế biển, xã Tam Quan Bắc luôn coi trọng công tác quốc phòng, an ninh trên biển. Ban CHQS xã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định) vận động thành lập 73 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, tổ chức tuyên truyền và tuần tra, bảo đảm an ninh, an toàn trên vùng biển của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có hàng chục trung đội, tiểu đội DQB, đảng viên chiếm khoảng 2,27%, đoàn viên chiếm 65,06% và hàng nghìn tổ đoàn kết trên biển. Trong đó, DQB là lực lượng nòng cốt, thường xuyên phối hợp với các lực lượng tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tìm hiểu về DQB ở tỉnh Bình Định, chúng tôi ghi nhận vai trò to lớn của lực lượng này trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, nhưng cũng cho thấy nhiều khó khăn, như: Việc tuyển chọn thanh niên có chất lượng tốt vào lực lượng DQB để họ phát huy được hiệu quả thực sự; tỷ lệ đảng viên còn thấp, cơ cấu độ tuổi chưa đúng; sự kết nối trên biển và trên biển với đất liền chưa được thường xuyên… Lý giải về điều này, lãnh đạo các địa phương đều nêu nguyên nhân do thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân dài; chế độ, chính sách đãi ngộ, vật chất, trang bị chưa tốt; quân số lại phân tán, đặc thù lao động biển thời gian ở nhà ít…

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Đảng ủy Quân sự tỉnh Bình Định lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền, nhân dân và LLVT về xây dựng DQB. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong lực lượng DQB. Hằng năm, tổ chức huấn luyện nghiêm túc, chặt chẽ, nhất là trong việc lựa chọn nội dung, cán bộ khung, thời gian, phương pháp tổ chức huấn luyện phù hợp với DQB. Thượng tá Đỗ Minh Chiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: “Hiện nay, các xã, phường ven biển đều có tiểu đội DQB. Ngoài nội dung huấn luyện theo quy định chung, chúng tôi còn tập trung vào những vấn đề thiết thực, phù hợp với hoạt động của DQB, như: Tình hình quốc phòng, an ninh trên biển; Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; phương pháp quan sát, nhận dạng các loại máy bay, tàu thuyền, giàn khoan, tên lửa hành trình và đấu tranh khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; phương pháp thông tin liên lạc, báo cáo tình hình…”.

Đại tá Phạm Hữu Lộc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định khẳng định: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DQB, một mặt phải đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; giải quyết tốt các chế độ, chính sách theo luật định. Mặt khác, phải sắp xếp các tổ đoàn kết hợp lý để mỗi tàu, thuyền là một trận địa trên biển; đầu tư trang bị những phương tiện tối thiểu bảo đảm cho lực lượng DQB luôn giữ được liên lạc, phản ánh, báo cáo kịp thời tình hình về đất liền”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-tua-cho-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-570098