Điểm tựa của đồng bào trên biên giới Mường Lạn

Trung úy Vàng Lao Lừ, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La, là một trong những tấm gương tiêu biểu về thực hiện công tác vận động quần chúng, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Với sự cố gắng không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, anh đã lặn lội đến các bản làng biên giới, vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế và tổ chức mở lớp xóa mù chữ thành công cho 36 học viên và hiện nay đang duy trì 1 lớp với 56 học viên là đồng bào dân tộc Mông ở bản Nong Phụ, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Với những thành tích tiêu biểu đó, anh được chọn là 1 trong 10 'Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng' năm 2018.

Trung úy Vàng Lao Lừ và lớp học xóa mù chữ ở bản Co Muông. Ảnh: Viết Hà

Trung úy Vàng Lao Lừ và lớp học xóa mù chữ ở bản Co Muông. Ảnh: Viết Hà

Trung úy Vàng Lao Lừ tâm sự: “Việc bám dân, bám bản tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ vận động quần chúng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do trên địa bàn đơn vị quản lý còn tồn tại thực trạng mù chữ, tái mù chữ của đồng bào các dân tộc. Việc bà con không biết chữ là trở ngại lớn trong tiếp cận các chính sách, pháp luật và các vấn đề xã hội, lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động làm việc phạm pháp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự thôn bản. Từ suy nghĩ đó, mình đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị mở các lớp học xóa mù chữ để giải quyết dứt điểm tình trạng mù chữ và tái mù chữ cho bà con”.

Khi chủ trương được chỉ huy đơn vị thông qua, Trung úy Lừ phải bắt tay giải quyết một "núi" khó khăn. Trước mắt là việc anh chưa được đào tạo qua trường lớp về nghiệp vụ sư phạm. Thêm vào đó, người học lại là những phụ nữ luôn bận rộn với công việc nương rẫy, nội trợ trong gia đình và là sự tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp của bà con dân tộc.

"Để giải quyết được khó khăn, tôi đã tự học để bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, xây dựng chương trình giảng dạy, biên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm từng nhóm học viên. Tôi dựa vào những người có uy tín và các gia đình gương mẫu để vận động chị em tham gia lớp học, đồng thời, vận động chồng con trong gia đình họ xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho chị em học tập. – Trung úy Vàng Lao Lừ bộc bạch.

Ngày bám bản, làm tốt công tác nắm tình hình, tối bám lớp, khoảng thời gian duy nhất để Lừ soạn giáo án là vào lúc đêm khuya. Vất vả là vậy, nhưng anh vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Trong quá trình giảng dạy phải gần gũi, chia sẻ, động viên học viên, mỗi khi bà con ngại học hoặc kêu khó, anh rất bình tĩnh, ân cần, chỉ bảo cho từng người. Với sự nỗ lực không ngừng, chỉ trong một thời gian ngắn, được sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, sự giúp đỡ của đồng đội và chính quyền địa phương, anh đã cho "ra lò" đầu tiên 36 học viên, 100% đều đọc thông, viết thạo.

Trung úy Vàng Lao Lừ chia sẻ: "Nhận thức của bà con ở đây còn hạn chế, cái bụng còn đang lo cho nồi cơm, đàn lợn nên việc tập trung cho học hành rất khó. Mình phải giảng dạy làm sao cho bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu, để con chữ không rơi rớt trên đường lên nương, xuống suối là điều khó nhất. Vì vậy, người làm công tác xóa mù chữ phải thật sự tâm huyết, đam mê với công việc, biết nói tiếng của đồng bào, am hiểu phong tục tập quán của họ và đặc biệt phải chịu khó bám dân, bám học viên và có sự chia sẻ, đồng cảm. Trong các buổi lên lớp, tôi đã kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ”.

Là cán bộ vận động quần chúng cắm bản, sau những giờ lên lớp, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, là phát triển các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp bà con dân tộc nâng cao nhận thức cuộc sống. Từ sự tâm huyết, quan tâm học viên, năm 2018, anh đã giải cứu thành công học viên của mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị Vàng Thị Sênh (18 tuổi, bản Co Muông, xã Mường Lạn) bị các đối tượng mua bán người lừa bịp, dụ dỗ lừa bán qua biên giới, nhưng may mắn đã được Trung úy Lừ giải cứu thành công.

“Hôm đó, tôi đang dạy xóa mù chữ tại bản Cò Muông. Thấy Sênh không đến lớp, tôi đã hỏi em gái Sênh thì được biết, Sênh có khách nên không đi học được. Tuy nhiên, ngày hôm sau thì người nhà Sênh hỏi tôi về em. Khi ấy, tôi biết là có chuyện chẳng lành và cùng gia đình đi tìm Sênh ở nhà người thân nhưng không thấy. Tôi gọi điện cho Sênh nhiều lần mà Sênh không nghe máy. Khi anh trai Sênh gọi, có một người lạ nghe máy và nói rằng “lấy Sênh về làm vợ”. Khi ấy, tôi đã gọi điện về đơn vị để báo cáo chỉ huy và thông báo cho các cơ quan chức năng, tổ chức ngăn chặn đối tượng đưa Sênh qua biên giới” - Trung úy Vàng Lao Lừ kể.

Thầy giáo Vàng Lao Lừ mang "cái chữ" đến với các em bé dân tộc thiểu số. Ảnh: Viết Hà

Đồng thời, Trung úy Lừ tìm hiểu thông tin từ những học viên trong lớp học thì được biết 2 đối tượng lạ mặt dẫn chị Sênh đi là người ở tỉnh Yên Bái. Anh đã liên hệ được với chị dâu của 1 trong 2 đối tượng này và được biết đối tượng đã bỏ nhà đi lang thang từ rất lâu rồi. Từ đó, anh đã đưa ra những phán đoán chính xác để các cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm. Anh kể: “Nếu lấy về làm vợ thì đối tượng phải dẫn Sênh về nhà ra mắt gia đình, nhưng họ đã dẫn Sênh đi đâu không ai biết. Đồng thời, tôi cũng dự đoán các đối tượng sẽ không đi qua khu vực Yên Bái vì sợ bị phát hiện. Vì vậy, tôi đã đề nghị truy tìm ở các tuyến đường, bến xe và các đơn vị chức năng giải cứu thành công Sênh khi chị đang bị các đối tượng đưa đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để lên Lào Cai bán qua biên giới”.

Trung tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho hay, đối với Trung úy Lừ, việc dạy chữ cho đồng bào các dân tộc và giúp bà con nghèo phát triển kinh tế không chỉ là nhiệm vụ mà đó còn là tình cảm, phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ coi đồng bào các dân tộc như ruột thịt. Việc làm của đồng chí không chỉ đem ánh sáng tri thức cho đồng bào, mà còn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên biên giới Mường Lạn...

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/diem-tua-cua-dong-bao-tren-bien-gioi-muong-lan/