Điểm tựa giữa sóng gió Trường Sa

Giữa trùng khơi sóng biển, Bệnh xá Đảo Nam Yết-hòn đảo phía Đông Bắc của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa như một điểm tựa vững chắc, chăm lo sức khỏe cho quân dân nơi đây, cũng như ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Đến Trường Sa những ngày biển lặng tháng Tư, rảo bước dưới bóng dừa Nam Yết, thành viên đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vui mừng đến thăm các y, bác sĩ Bệnh xá Đảo Nam Yết. Nhìn phòng mổ được trang bị các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, Đại tá Lê Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần ân cần cất tiếng “Chào các em!”. Cả người đến thăm và người được thăm đã từng là thầy-trò ở Học viện Quân y.

Thiếu tá, bác sĩ Lê Bá Hạnh giới thiệu các thiết bị hiện đại mà bệnh xá được trang bị.

Bệnh xá Đảo Nam Yết do các y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đảm nhiệm. Từ câu chuyện cơ sở vật chất bệnh xá được nâng cấp hiện đại đến việc phát huy tối đa tư duy người thầy thuốc, thầy giáo để dự trù các phương án khai thác, luyện tập mỗi khi không có bệnh nhân, chuyến thăm hỏi nhanh chóng trở thành cuộc chia sẻ chuyên môn. Thiếu tá, bác sĩ Lê Bá Hạnh, Bệnh xá trưởng phấn khởi khoe hệ thống hội chẩn từ xa Telemedicine được kết nối internet với các bác sĩ ở đất liền, cùng hệ thống điều hòa, điện phòng mổ được đảm bảo riêng để ca mổ không bị gián đoạn trong mọi trường hợp; máy chụp XQ, phòng hậu phẫu, phòng hồi sức cấp cứu…

Gặp lại những gương mặt đã từng là học trò của mình ở Học viện Quân y, Đại tá Lê Văn Đông chia sẻ: “Thật vui và tự hào khi gặp những gương mặt thân quen ở Trường Sa khỏe mạnh và rắn rỏi. Nhìn những con số biết nói về các ca bệnh được xử lý ngoài đảo, cho thấy lực lượng y tế năng lực tốt là điểm tựa vững chắc để ngư dân ra khơi nhiều hơn, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo”.

Đoàn công tác gặp gỡ và chia sẻ cùng các bác sĩ ở bệnh xá.

Chỉ với 7 cán bộ y, bác sĩ nhưng bệnh xá có quy mô tương đương cấp huyện, khang trang, hiện đại. Với điều kiện trang bị hiện tại, bệnh xá có thể đảm bảo các ca bệnh cấp cứu, giữ được tính mạng bệnh nhân, hoặc xử lý ca phức tạp, đảm bảo sự sống bệnh nhân rồi mới chuyển vào đất liền. Hệ thống hội chẩn từ xa chỉ là phương tiện hỗ trợ, quan trọng nhất với ê-kíp chiến sĩ quân y tại đảo là sức mạnh tập thể trong hội chẩn tại chỗ. Những kiến thức, kỹ năng thành thục đã giúp họ độc lập tự chủ ra quyết định kịp thời.

Là sinh viên Học viện Quân y rồi trở thành bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 từ năm 2017, Thiếu tá, bác sĩ Lê Bá Hạnh còn từng là tổ trưởng Tổ chống dịch Covid-19 ở Bình Dương, nên những chuyến đi xa thế này không có gì khó khăn với anh. Bác sĩ Hạnh khẳng định, chỗ nào có dân, có bộ đội là ở đó có mặt những bác sĩ quân y. Bác sĩ Hạnh kể: “Trước khi ra đảo nhận nhiệm vụ, tôi được học hết về các loại máy được trang bị ở đảo. Với thiết bị hiện có ở đảo, chúng tôi hoàn toàn có thể tiến hành thủ thuật với những ca bệnh như viêm ruột thừa, thủng tạng hoặc xử lý đảm bảo sự sống bệnh nhân trong những ca phức tạp rồi mới chuyển vào đất liền”.

Hệ thống trang thiết bị y tế trên đảo được thay mới, bổ sung nhiều thiết bị hiện đại.

Mới đây, một bệnh nhân quê Đà Nẵng ở đảo Đá Lớn có triệu chứng đau bụng và được chuyển đến Bệnh xá đảo Nam Yết để chữa trị lúc 23 giờ. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ngày thứ 5. Thiếu tá, bác sĩ Lê Bá Hạnh, Bệnh xá trưởng đã quyết định mổ cho bệnh nhân. Sau hơn một giờ tiến hành phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện sau mấy hôm. Những trường hợp cấp cứu nặng đều có hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Quân y 175. “Có đêm, tiếp nhận bệnh nhân bị tổn thương phức tạp ở tầng sinh môn sâu, tôi gọi thầy PGS, TS Nguyễn Trọng Hòe, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa để xin ý kiến và hội chẩn chuyên môn”, bác sĩ Hạnh cho biết.

Tuy có trong tay những thiết bị hiện đại nhưng bác sĩ Hạnh cũng không khỏi băn khoăn vấn đề bảo dưỡng định kỳ cho máy móc bởi “máy sau khi mua thường được các hãng tiến hành kiểm tra, hiệu chỉnh định kỳ. Với điều kiện đi lại và thời tiết Trường Sa hiện nay, để kéo dài tuổi thọ của thiết bị, chúng tôi chỉ cố gắng bảo quản máy tốt hơn”.

Máy chụp X-Quang kỹ thuật số.

Với kinh nghiệm làm việc ở Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 103, Thượng úy, bác sĩ Hà Văn Trí nhận nhiệm vụ ra đảo Nam Yết từ tháng 1-2024. Bác sĩ Hà Văn Trí chia sẻ: “Chỉ trong vòng 3 tháng, bệnh xá đã khám gần 200 lượt cho bộ đội, 10 ngư dân được xử lý vết thương và 14 trường hợp được phẫu thuật. Ra với Trường Sa là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. Chúng tôi đều cảm thấy vinh dự và trách nhiệm được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.

Động viên các bác sĩ, cán bộ đang công tác tại Bệnh xá Đảo Nam Yết, Đại tá Nguyễn Đình Ngân, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103 khẳng định: “Đảm nhận nhiệm vụ gian khó, bằng tinh thần trách nhiệm, đoàn kết các bác sĩ Quân y tại đây luôn vận dụng sáng tạo những kiến thức và kinh nghiệm có được để kịp thời nhận định về tình trạng bệnh lý người bệnh, tự chủ xử lý tình huống”.

Bày tỏ sự yên tâm, tin tưởng về những "bác sĩ áo xanh" trên đảo, Thượng tá Nguyễn Văn Trọng, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết: “Kíp bác sĩ quân y phụ trách đều tận tâm, tận lực, tạo niềm tin về sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Hiện nay, hệ thống trang bị bệnh xá được nâng cấp hiện đại gần giống với đất liền. Đây cũng là một địa điểm để các đảo lân cận chuyển thương, cấp cứu kịp thời sang đảo để chẩn đoán và cấp cứu".

Trường Sa là ngôi nhà lớn với chiến sĩ, bà con, ngư dân trên biển. Những bệnh xá như ở Đảo Nam Yết không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thường xuyên, kịp thời, mà còn tạo thêm niềm tin, động lực để cán bộ, chiến sĩ, và nhân dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực vào giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/diem-tua-giua-song-gio-truong-sa-774924