'Điểm tựa' giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống

Bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân, thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Ninh đã tích cực đổi mới, phát triển và đang dần trở thành 'điểm tựa' tin cậy của người dân, động lực trực tiếp cho phát triển sản xuất ở địa phương.

Xác định công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu có ý nghĩa lớn trong phát triển sản xuất hiện nay, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện có hiệu quả nội dung này. Cụ thể, nằm trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020”, Sở đã xác định 10 sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn là: cà rốt Gia Bình (Gia Bình); tỏi An Thịnh (Lương Tài); gạo nếp nhung Tam Sơn (Thị xã Từ Sơn); gỗ Bình Cầu, đậu Trà Lâm, nem Bùi, tương Đình Tổ (Thuận Thành); bánh tẻ Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (Yên Phong).

Sau khi khảo sát, lấy ý kiến chính quyền và người dân về chủ sở hữu của nhãn hiệu, bản đồ vùng chứng nhận, logo sản phẩm…, các đơn vị đang tích cực hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống công cụ quản lý và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời, ngành KH&CN cũng phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua việc đầu tư sản xuất kinh doanh một cách bài bản, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của người tiêu dùng. Những “đặc sản” tiêu biểu được trợ lực phát triển thương hiệu đã góp phần tạo dựng thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho nhiều địa phương.

Thu hoạch cà rốt ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: QM)

Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2018, đơn vị đã tích cực thực hiện nhiệm vụ theo hướng lựa chọn trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, nổi bật là 3 dấu ấn: Đổi mới phương thức tuyển chọn các đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN; triển khai quyết liệt việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm; phủ sóng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, với mục đích đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì triển khai thực hiện 20 đề tài, dự án và tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả 22 đề tài, dự án đã hoàn thành.

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, các cơ sở nghiên cứu, Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức thẩm định, mời các chuyên gia khoa học có uy tín tham gia để tăng tính phản biện và tuyển chọn được những đề tài có tính ứng dụng cao. Điển hình như mô hình giống lúa hàng hóa mới ngắn ngày GL15; lúa nếp cái Hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; giống măng tây xanh; giống cà chua đen chất lượng cao, giống dưa lưới Hà Lan, dưa lê Hàn Quốc; sản xuất nhân tạo giống cá chép Séc; phục tráng, chọn lọc, nhân giống nhằm bảo tồn nguồn gen phát triển sản xuất giống gà Hồ thuần chủng. Các đề tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ, y tế, môi trường góp phần đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, song song với việc duy trì các đơn vị đang áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, từ đầu năm 2018 Sở KH&CN hướng dẫn thực hiện xây dựng mới Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 đối với 65 cơ quan nhà nước của tỉnh, nâng tổng số các đơn vị đang áp dụng hệ thống này là 167 (đạt 100%). Việc đưa ISO vào các cơ quan quản lý nhà nước giúp hồ sơ công việc của các đơn vị được tổ chức thu thập, sắp xếp và lưu trữ khoa học. Hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao rõ rệt, từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân khi tới làm việc tại các đơn vị hành chính.

Được biết, thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương để đề xuất, trình UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đưa nhanh các thành tựu KH&CN phục vụ các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, triển khai thực hiện tốt Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020”. Triển khai các giải pháp nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN, nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống; tăng cường mạng lưới đổi mới sáng tạo, phát triển các cơ sở nghiên cứu triển khai và các doanh nghiệp KH&CN. Mục tiêu cao nhất là từng bước khẳng định vai trò và vị thế của KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói chung./.

Quang Minh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/-diem-tua-giup-nguoi-dan-phat-trien-san-xuat-nang-cao-doi-song-521220.html