Điểm tựa giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/8/2023 và bắt đầu có hiệu lực từ 10/10/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tích cực triển khai chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Điều này được kỳ vọng sẽ trở thành 'điểm tựa' vững chắc giúp những người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.

Chị Đinh Thị Ngân ở khu Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn - vợ anh Hoàng Văn Toán (người vừa chấp hành xong án tù ba năm) vui mừng khi được giải ngân theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại huyện miền núi Tân Sơn, ngay trong những ngày đầu Quyết định số 22 bắt đầu có hiệu lực, chị Đinh Thị Ngân ở khu Nhàng - vợ anh Hoàng Văn Toán (người vừa chấp hành xong án tù ba năm) là một trong những người đầu tiên có mặt tại Điểm giao dịch xã Kim Thượng để thực hiện các thủ tục giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi này. Chị vui mừng chia sẻ: "Chồng tôi đã trải qua khoảng thời gian lầm lỡ của cuộc đời. Khi chấp hành án trở về lại chưa có điều kiện để phát triển kinh tế và tìm kiếm việc làm ổn định. Nhờ chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi bò sinh sản. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để gia đình tôi bước vào một hành trình mới với niềm tin vào một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước".

Cán bộ Ngân hành Chính sách xã hội huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục vay vốn phát triển sản xuất.

Sau hơn một tháng triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Tân Sơn hiện đã có tám trường hợp đủ điều kiện được giải ngân với tổng dư nợ đạt 550 triệu đồng. Đồng chí Tăng Tiến Sỹ - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn cho biết: "Qua rà soát trên địa bàn huyện hiện còn hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù đang có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, ngoài nguồn vốn của Trung ương, của ngành, chúng tôi mong muốn Huyện ủy, UBND huyện Tân Sơn quan tâm, ưu tiên bổ xung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện tốt chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và công tác an sinh xã hội trên địa bàn."

Từ nguồn vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình anh Đinh Hồng Cường ở khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã có thêm điều kiện để mở rộng quy mô xưởng sản xuất đồ gỗ tại địa phương.

Để Quyết định số 22 nhanh chóng đi vào cuộc sống, cùng với Tân Sơn, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Phú Thọ đã tích cực phối hợp với UBND, công an các phường, xã trên địa bàn tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn để bắt đầu một cuộc sống mới. Trong đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Ngân hành CSXH thị xã Phú Thọ thực hiện giải ngân tổng số tiền gần 400 triệu đồng cho các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Ngân hành CSXH thị xã Phú Thọ cho biết: "Sau hơn một tháng triển khai, đơn vị đã thực hiện giải ngân cho bốn trường hợp với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Đến nay, họ đều xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế phù hợp tại địa phương và bước đầu phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay. Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Qua đó, giúp họ xóa bỏ mặc cảm và có việc làm ổn định để vươn lên trong cuộc sống".

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 32 trường hợp chấp hành xong án phạt tù được giải ngân với số tiền 2,79 tỉ đồng. Theo kế hoạch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục giải ngân trên 1,2 tỉ đồng nằm trong diện được thụ hưởng. Giờ đây, hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm đã có thêm “điểm tựa” là sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ.

Có thể nhận thấy, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các các cấp, ngành, toàn xã hội và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tái phạm tội để giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/diem-tua-giup-nguoi-lam-lo-tai-hoa-nhap-cong-dong/202914.htm