Điểm tựa tình thương trên biên giới Hà Tiên

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang còn gắn bó máu thịt, góp phần chăm lo cuộc sống cho người dân trong địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên thăm hỏi, động viên cháu Lê Nguyễn Phương Hoa và gia đình. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên thăm hỏi, động viên cháu Lê Nguyễn Phương Hoa và gia đình. Ảnh: Đăng Bảy

“Con nuôi” ở đồn Biên phòng

Tuy đã được giới thiệu từ trước, nhưng khi gặp lại, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên vì sự “lột xác” của Nguyễn Văn Lập. Đứa bé đen nhẻm, gầy còm ngày nào nay đã phổng phao, đang học lớp 11. Cách đây 7 năm, Nguyễn Văn Lập (SN 2000) và em trai ruột là Nguyễn Văn Nghiệp được Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đón về nuôi dưỡng, chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình của Lập và Nghiệp lúc đó hết sức éo le. Cha đi biển, bị tai nạn mất sớm, mẹ cũng bỏ đi. Không nơi nương tựa, hai anh em sống vất vưởng, vạ vật quanh khu vực chợ nơi biên giới. Và rồi, các em được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đưa về đồn nuôi dưỡng chăm sóc. Không chỉ lo cái ăn, chỗ ngủ, các chú bộ đội còn dạy dỗ Lập và Nghiệp như con, em trong nhà và cho đi học.

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên cho biết: Đơn vị dự định nuôi các cháu ăn học đến hết lớp 12, rồi tiếp tục cho đi học nghề. Nhưng vừa rồi, bà nội bị tai biến, không có người chăm sóc nên Lập và Nghiệp xin được về nhà để tiện chăm sóc bà. Lập vẫn đi học, còn Nghiệp đã thôi học và xin đi làm. Các cháu vẫn thường xuyên đi lại thăm các chú, các anh ở đồn.

Không chỉ nuôi Lập và Nghiệp, từ năm 2012 đến nay, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên còn nhận đỡ đầu, chăm sóc 5 cháu nhỏ mồ côi và 2 người già neo đơn. Mỗi trường hợp được nhận từ 300.000 đến 500.000 đồng cùng 10kg gạo/tháng, được đơn vị hỗ trợ về y tế và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các cháu nhỏ còn được các chú Biên phòng hỗ trợ quần áo, xe đạp, sách vở đến trường. Trong đó, có hai chị em ruột là Lê Nguyễn Diệu Hoa (SN 2007) và Lê Nguyễn Phương Hoa (SN 2012), ở khu phố 4, phường Bình San, TP Hà Tiên. Bố của hai em trước kia cũng công tác trong BĐBP Kiên Giang, chẳng may qua đời khi bé Phương Hoa chưa đầy 1 tuổi. Đã 6 năm nay, tháng nào các chú bộ đội cũng trích lương, hỗ trợ mỗi cháu 400.000 đồng...

Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ tháng 1-2016 đến nay, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đã hỗ trợ 8 em học sinh với tổng số tiền 156 triệu đồng (trong đó có 2 em người Campuchia và 2 em người dân tộc Khmer).

Đường điện Biên phòng

Đó là cách gọi của bà con tổ 10, khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên khi nói đến mô hình “Thắp sáng đường biên” của Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên. Ông Hồng Văn Chai, 75 tuổi, có nhà ở tuyến đường điện Biên phòng đi qua, cho biết: Dọc hai bên trục đường này có 22 hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, vào buổi tối, bà con ít đi lại vì đường quanh co, nhiều chỗ bị sạt lở, dễ xảy ra tai nạn. Chia sẻ với sự vất vả của bà con, tháng 8-2018, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đã chủ trì kéo điện chiếu sáng trên tuyến đường này...

Trung tá Danh Tâm cho biết: Con đường vùng biên được thắp sáng có chiều dài 1,1km. Khoảng cách mỗi trụ đèn là 50m, cả tuyến đường có 22 trụ đèn được lắp đặt, tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng. Thời gian thắp sáng liên tục từ 18 giờ 30 phút đến 6 giờ hôm sau. Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và Ban Quản lý công trình đô thị thành phố Hà Tiên nên mọi công đoạn như khảo sát, xác định vị trí bố trí trụ đèn; dựng trụ, lắp đặt bóng đèn và mắc điện; tổ chức nghiệm thu... đều được triển khai một cách chặt chẽ, khoa học. Ở đây, đa phần là đồng bào Khmer, kinh tế khó khăn nên Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên chủ động trích quỹ của đồn để mua sắm trụ, bóng đèn... Ngoài ra, đơn vị cũng hỗ trợ, trả tiền điện thắp sáng hằng tháng cho bà con.

Vợ chồng anh Chau Văn Luyện và chị Yêu Thị Kim, bán tạp hóa, phấn khởi nói: Từ ngày có điện Biên phòng thắp sáng, đêm nào quán tui cũng mở cửa phục vụ người dân. Vừa bán được nhiều hàng, lại không còn sợ mất an ninh nữa.

Khu phố “Mái ấm biên cương”

Đó là cách mà bà con hay dùng để chỉ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức - nơi có trên 100 gia đình nghèo người Khmer được BĐBP tặng nhà “Đại đoàn kết” và “Mái ấm biên cương”.

Trung tá Danh Tâm luôn được bà con tin yêu, coi như người thân trong gia đình. Ảnh: Đăng Bảy

Với bà con người Khmer nghèo ở đây, được tặng nhà là một sự kiện lớn, trọng đại... Tình cờ ghé thăm nhà ông Trần Mía, ở khu phố Mỹ Lộ, chúng tôi được nghe ông bộc bạch, trước kia gia đình ông vất vả lắm, cả nhà chỉ trông chờ vào 5 công (5.000m2) trồng lúa, vậy nên, cái nghèo, cái đói cứ rình rập năm này qua năm khác. Ông kể, cái nhà lá nhỏ xíu làm chỗ trú ngụ cho cả gia đình, mỗi khi mưa gió là dột nát.

Năm 2009, ông được BĐBP xét tặng cho căn nhà “Đại đoàn kết”. Đến năm 2014, ông lại được Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để ông mua 1 con trâu giống... Có nhà, có trâu, lại thường xuyên được các chú BĐBP hỗ trợ, giúp đỡ, đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã có nhiều khởi sắc. Tuy chưa có nhiều của để dành, nhưng gia đình ông đã không còn lo cảnh mất mùa, đứt bữa nữa... Không chỉ ông Mía mà rất nhiều người dân địa phương như ông Nguyễn Phước Hồng (73 tuổi), ông Chau Chổ (71 tuổi)... cũng được BĐBP tặng nhà “Đại đoàn kết”.

Ông Si Phon, Trưởng khu phố Mỹ Lộ nói với chúng tôi, khu phố Mỹ Lộ có gần 400 hộ, trong đó có tới 80% là người Khmer, nhưng chỉ có 3 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Được như vậy, ngoài sự nỗ lực của bà con, còn có sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của BĐBP. Không chỉ tặng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm biên cương”, tặng bò giống cho người nghèo, làm đường điện cho dân, nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo đến trường, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên còn gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Chính vì vậy, bà con ở đây luôn tin yêu, quý mến và coi Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên là điểm tựa tình thương.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/diem-tua-tinh-thuong-tren-bien-gioi-ha-tien/