Điểm ưu tiên tuyển sinh ĐH sẽ giảm, người hưởng lợi trực tiếp là các học sinh

Với việc giữ nguyên phương án thi giống năm 2017 của Bộ GD-ĐT được kỳ vọng sẽ tạo nên thành công mới cho kỳ thi THPT 2018, tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn về việc cộng điểm vùng ưu tiên hiện vẫn đang gặp nhiều sự phản đối.

Trước hàng loạt câu chuyện cộng điểm ưu tiên khiến nhiều thí sinh "trượt oan" những trường tốp đầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định việc cộng điểm ưu tiên lâu nay vẫn làm là một chủ trương tốt, nhân văn ở hầu hết các nước chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Chính sách ưu tiên này đã được áp dụng từ nhiều năm nay và cần được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Tuy nhiên, do cấu trúc đề thi THPT quốc gia khác với cấu trúc đề thi tuyển sinh nên mức độ chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng và khu vực khác nhau cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Trước đây, toàn bộ đề thi bao gồm những câu hỏi phân hóa để phục vụ tuyển sinh, nay đề thi chỉ có 40% số câu hỏi phân hóa, nên để đảm bảo công bằng cho các đối tượng thí sinh khác nhau, mức chênh lệch điểm ưu tiên cũng phải được điều chỉnh giảm cho phù hợp" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Nhắc đến hiện tượng 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, do nhiều thí sinh điểm cao cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành "hot" như Y Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí giảm tới 50%, nên điểm chuẩn bị đẩy lên. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ GD-ĐT sẽ ra đề thi phân hóa tốt hơn cho những năm sau, đặc biệt trong năm 2018 sẽ sử dụng cả các kiến thức lớp 11 và các năm tiếp theo sẽ sử dụng kiến thức của những năm THPT. Đây cũng là giải pháp cho câu chuyện "mưa điểm 10" trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. "Phương thức thi như năm nay sẽ được giữ ổn định nhưng chúng ta vẫn phải cải tiến về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng tốt hơn", Bộ trưởng chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng kỳ thi và công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng chủ trương tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD-ĐT cũng đưa ra yêu cầu rà soát, quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Có thể nói, rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia 2017, kỳ thi THPT 2018 kỳ vọng sẽ đổi mới và công bằng hơn với các thí sinh, phân định rõ trình độ học tập của các thí sinh khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ hay trường nghề. Ủng hộ những quyết sách mới của Bộ GD-ĐT, GS. Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhận xét: Phương án thi THPT Quốc gia năm 2018 đảm bảo được quyền lợi của học sinh và các trường và chính các em học sinh là đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ chủ trương này.

"Việc Bộ GD-ĐT công bố phương án thi vào thời điểm này là hợp lý, giúp các trường và các em học sinh chủ động trong kế hoạch dạy - học. Các em học sinh không còn quá hoang mang lo lắng sẽ thay đổi phương thức thi khi kỳ thi đã cận kề như các kỳ thi trước đó nữa mà có kế hoạch chủ động hơn để hoàn thành tốt kiến thức của mình" - GS Đào Trọng Thi nói.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/diem-uu-tien-tuyen-sinh-dh-se-giam-nguoi-huong-loi-truc-tiep-la-cac-hoc-sinh-72394.html