Điểm yếu chí mạng của bóng đá trẻ Việt Nam là gì?

Ngoài yếu tố chuyên môn, tâm lý thi đấu chính là điểm yếu 'chí tử' của các lứa trẻ của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Nếu không có biện pháp để giải quyết vấn đề trên, chúng ta khó lòng thành công được ở những giải đấu lớn sau này.

Trong những năm qua, tâm lý thi đấu vẫn là điểm yếu chí mạng của các cấp độ ĐTQG Việt Nam. Phải đến khi HLV Park Hang-seo đến với chúng ta, lứa cầu thủ từng thảm bại ở SEA Games 29 bỗng dưng lột xác thành những con người hoàn toàn khác.

Tại SEA Games 29, dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng lứa Công Phượng, Xuân Trường vẫn thi đấu bết bát, không hiệu quả. Không phải do trình độ họ kém mà nguyên nhân chính dẫn đến nhưng thất bại đó chính là tâm lý thi đấu của các cầu thủ không ổn định, thường căng cứng ở các trận đấu lớn.

Thế nhưng, cũng chính lứa cầu thủ này, dưới bàn tay của HLV Park Hang-seo, khi tâm lý được khai thông, các cầu thủ của chúng ta liên tục gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, điểm yếu về mặt tâm lý đã được cởi bỏ ở lứa U22 và ĐTQG thì nó lại xuất hiện ở những cấp độ trẻ của bóng đá Việt Nam trong mấy năm trở lại đây.

Minh chứng là ở 5 giải đấu gần nhất của cấp độ U15 và U18 ở khu vực, bóng đá Việt Nam chỉ một lần vượt qua vòng bảng. Chưa dừng lại ở đó, tại VCK U18 Đông Nam Á vừa qua, với tư cách là đội bóng chủ nhà nhưng U18 Việt Nam lại thi đấu mờ nhạt, thiếu thuyết phục để rồi phải dừng bước ở vòng bảng sau trận thua muối mặt trước đối thủ trước đây các cấp độ ĐTQG Việt Nam chưa từng thua là Campuchia.

Tâm lý thi đấu yếu kém vẫn là điểm yếu "chí mạng" của các cấp độ trẻ bóng đá Việt Nam.

Tâm lý thi đấu yếu kém vẫn là điểm yếu "chí mạng" của các cấp độ trẻ bóng đá Việt Nam.

Trong 3 giải U18 Đông Nam Á gần nhất, những đội U18 Việt Nam đều phải nói lời tạm biệt với cuộc chơi ngay sau vòng bảng. Có thể thấy, trình độ của cầu thủ Việt Nam không hề kém khi chúng ta vẫn sở hữu những cầu thủ có kỹ thuật tốt nhưng tâm lý thi đấu căng cứng chính là rào cản khiến các cầu thủ trẻ của chúng ta không thực hiện được những chỉ đạo của Ban huấn luyện.

Điển hình, ở VCK U18 Đông Nam Á vừa qua, đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu khá tốt trước và giành được chiến thắng trước Malaysia khi chúng ta liên tục có những tình huống tấn công sắc nét có độ nguy hiểm cao. Nhưng ở những trận đấu kế tiếp gặp Australia, Thái Lan chúng ta không có được tâm lý thi đấu tốt nhất dẫn đến lối chơi không thể triển khai được theo ý muốn để rồi không có được kết quả như mong muốn.

Ở trận đấu quyết định với Campuchia, tâm lý thi đấu không tốt khiến các cầu thủ U18 Việt Nam thường xuyên tỏ ra nóng vội trong các tình huống có thể xử lý đơn giản. Tinh thần thiếu ổn định này khiến các pha xử lý cơ bản như đỡ một chạm, chuyền bóng và sau cùng là dứt điểm không thể chính xác.

Nếu như giữ được sự bình tĩnh cũng như sự chính xác trong từng tình huống dứt điểm, có lẽ kết quả của trận đấu đã khác. Hiện nay, bóng đá trẻ Việt Nam đang thiếu đi một HLV biết cách truyền lửa cho các học trò như những gì mà HLV Park Hang-seo hay cựu HLV ĐTQG Calisto đã làm với các cầu thủ.

Các cầu thủ trẻ Việt Nam không hề yếu kém về trình độ kỹ thuật hay tư duy về mặt chiến thuật. Điều họ yếu và cần bổ sung chính là tâm lý. Nếu tâm lý thi đấu vững vàng cùng một cái đầu lạnh chúng ta sẽ có được những lứa cầu thủ giỏi trong tương lai.

Điều cần thiết lúc này chính là những người làm bóng đá ngoài vấn đề chuyên môn cũng cần xây dựng cho các cầu thủ trẻ sự tự tin giúp họ có được một tâm lý thi đấu. Có sự tự tin, biết cách chịu đựng và vượt qua áp lực như lứa Quang Hải, Công Phượng hay Văn Hậu đã từng vượt qua, họ sẽ thành công ở những giải đấu tới.

Uông Đàm Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/diem-yeu-chi-mang-cua-bong-da-tre-viet-nam-la-gi-a445802.html