Điểm yếu của U23 Việt Nam

Hàng phòng ngự 3 người từng là điểm mạnh nhất của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park đang dần trở thành lực cản tại SEA Games 31.

Dấu ấn chiến thuật lớn nhất HLV Park Hang-seo tạo ra với bóng đá Việt Nam là việc gò các lứa đội hình thi đấu với sơ đồ 3 trung vệ. Với tấm lá chắn trước khung thành, U23 Việt Nam từng khiến cả châu Á sốc với chiến tích lọt vào chung kết U23 châu Á năm 2018. Các chiến công ở cấp độ ĐTQG có lẽ không cần nhắc thêm.

Tuy nhiên, sau 4 năm, cách bố trí này bắt đầu cho thấy hạn chế. Mà những kết quả nhợt nhạt tại SEA Games 31 là minh chứng.

Khi điểm mạnh thành điểm yếu

Việc bóng đá Việt Nam đột ngột vươn mình dưới thời HLV Park khiến nhiều đối thủ trong khu vực sốc. Cho đến trước khi bị Thái Lan đánh bại ở bán kết AFF Cup 2021, các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park đều bất bại trước các đối thủ trong khu vực. Quãng thời gian này kéo dài 4 năm.

Đó cũng là thời gian những đối thủ Đông Nam Á nghiên cứu nát chiến thuật của HLV Park, và đưa ra những lựa chọn phù hợp. U23 Philippines đã thành công khi tử thủ để cầm hòa U23 Việt Nam. U23 Myanmar cũng cố gắng làm điều này và suýt thành công.

 U23 Việt Nam luôn duy trì hàng trung vệ 3 người và thi đấu ít đột biến, dù không hẳn Myanmar đã pressing tốt.

U23 Việt Nam luôn duy trì hàng trung vệ 3 người và thi đấu ít đột biến, dù không hẳn Myanmar đã pressing tốt.

Thay vì chuyền bóng cho Hoàng Đức, trung vệ lệch trái Tiến Long hoàn toàn có thể tận dụng khoảng trống ở khu vực hành lang trong bằng cách lao lên phối hợp với hậu vệ biên Tuấn Tài.

Điều nà khiến các bài tấn công ở biên của U23 Việt Nam trở nên khá vô hại khi có quá ít người, như tình huống này.

Cả hai đều tìm cách tận dụng cách vận hành sơ đồ 3 trung vệ của U23 Việt Nam. Trong cách bố trí đặt nặng yếu tố an toàn của HLV Park, cả 3 trung vệ gần như chỉ đứng bên phần sân nhà, ngay cả khi toàn đội đang có bóng và dàn xếp tấn công.

Sự có mặt mang tính mặc nhiên của cả 3 trung vệ bên phần sân nhà khiến U23 Việt Nam không đủ người để khoan phá hàng phòng ngự hai lớp với 8 người vây quanh vùng cấm đối phương.

Các pha xuống biên của U23 Việt Nam đều khá một bài, và không còn tạo ra dấu ấn do quá ít người tràn sang phần sân đối thủ. Điều này khiến U23 Philippines hay U23 Myanmar dễ dàng phòng ngự khi chỉ cần bịt kín khoảng trống ở khu vực hành lang trong và hành lang cánh ở cả hai biên là U23 Việt Nam hết bài.

Trong bóng đá hiện đại, sơ đồ 3 trung vệ không thiếu đột biến như trên lý thuyết. Hai trung vệ lệch trái, phải thường xuyên được những HLV hàng đầu chỉ đạo dâng cao để tạo ra sự áp đảo về quân số, nhờ đó tấn công được vào khu vực hành lang trong.

Sơ đồ 3-5-2 khi không bóng có thể dễ dàng chuyển thành 4-4-2 khi có bóng và từ đó tấn công vào các khoảng trống ở hai biên. Tuy nhiên, U23 Việt Nam không vận hành như vậy. Các trung vệ lệch của chúng ta chỉ đóng vai trò chuyền bóng ngắn cho hậu vệ biên hoặc tiền vệ trung tâm trước khi lùi lại và giữ nguyên vị trí.

Ngay cả khi bước sang hiệp 2 và hậu vệ biên Hồ Tuấn Tài được đẩy xuống đá trung vệ lệch trái, cách vận hành thiếu đột biến này vẫn không thay đổi.

U23 Việt Nam có 6 người tràn sang phần sân đối thủ, đồng nghĩa với 4 cầu thủ bao gồm 3 trung vệ và 1 tiền vệ phòng ngự vẫn đang ở rất xa khung thành, và chỉ nhằm phòng ngự trước 1 cầu thủ đối phương.

Ở trong trận đấu với U23 Myanmar, HLV Park đã đẩy Văn Xuân sang cánh trái vào hiệp 2, đẩy hậu vệ trái trong hiệp 1 Tuấn Tài xuống vị trí trung vệ lệch trái, nhưng cách vận hành vẫn không thay đổi.

Sự an toàn thái quá của HLV Park trong cách vận hành chiến thuật khiến chúng ta mất đi cơ hội xuyên phá hàng phòng ngự lùi sâu chủ động của các đối thủ, và thừa một nhân sự ở hàng phòng ngự vốn thường xuyên chỉ phải đối mặt với những pha phản công manh mún.

Điểm mạnh trong thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park, hàng phòng ngự 3 người, vì thế lúc này đang là điểm yếu.

U23 Việt Nam cần bạo dạn hơn

Trên thực tế, sự bĩ cực trong cách tấn công của U23 Việt Nam một phần đến từ sự yếm thế tuyệt đối của những đối thủ. U23 Indonesia, đội nghĩ rằng có thể chơi đôi công với U23 Việt Nam đã bị đè bẹp 3-0 ngay trận ra quân. Philippines và Myanmar có thể đã nhìn gương Indonesia để chọn cách chơi không thua trước khi thắng, và kéo thầy trò HLV Park vào thế cò cưa.

Không dễ để yêu cầu và kỳ vọng U23 Việt Nam lột xác từ đội chỉ đá phòng ngự phản công sang hình ảnh tấn công chủ động áp đảo vùi dập đối thủ. Tuy nhiên, tạo ra đột biến không phải việc bất khả thi.

Lê Văn Đô chạy chéo từ phần sân nhà để kiến tạo mở tỷ số cho U23 Việt Nam. Đây cũng là pha bóng đột biến nhất trong cả trận.

Pha kiến tạo của Văn Đô cho Hùng Dũng lập công là điều như thế. Nếu theo dõi kỹ lưỡng, Văn Đô thực tế đã di chuyển chéo sân từ vị trí thấp nhất hàng phòng ngự để tận sát đường biên trước khi kiến tạo cho Hùng Dũng lập công.

Vì sao Văn Đô ở dưới cùng của hàng phòng ngự dù vị trí thực tế là hậu vệ biên? Đây là hệ quả của pha bóng trước đó, khi U23 Việt Nam có phạt góc, và hậu vệ biên sẽ luôn là người lót cuối cùng của hàng phòng ngự do 3 trung vệ tham gia tấn công.

Pha bóng mang tính ứng biến của Văn Đô nằm ngoài sự chuẩn bị của các cầu thủ Myanmar, và đã đánh sập được hàng phòng ngự được chuẩn bị rất kỹ lưỡng của HLV Valeri Popov trước HLV Park.

U23 Việt Nam cần những pha bóng mang tính phiêu lưu, thậm chí liều lĩnh như thế. Việc lúc nào cũng ghim 4 cầu thủ phòng ngự (3 trung vệ, 1 tiền vệ trụ) ở xa khung thành đối thủ không có lợi trong các thế trận cần tìm bàn thắng.

Có lẽ đã đến lúc HLV Park cần thay đổi cách vận hành trong hàng phòng ngự. Cách bố trí cũ đã tạo ra thành công, nhưng chỉ là câu chuyện của quá khứ. Huy chương vàng SEA Games 31 thì là chuyện của tương lai.

U23 Việt Nam nhiều khả năng sẽ vào bán kết nhưng lối đá đang chưa thực sự thuyết phục. Đồ họa: Minh Phúc.

HLV Park khắc phục lỗi xử lý bóng cho các hậu vệ U23 Việt Nam Trong buổi tập nhẹ sáng 14/5, HLV Park Hang-seo đã dành thời gian cải thiện cách chơi bóng cho các hậu vệ cánh của U23 Việt Nam như Lê Văn Đô, Lê Văn Xuân hay Phan Tuấn Tài.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-yeu-cua-u23-viet-nam-post1317141.html