Điện ảnh có một năm xuất ngoại rộn ràng

Một bất ngờ không thể không nhắc đến khi nhìn lại đời sống văn hóa năm 2018, đó là nhiều phim Việt được tôn vinh tại các liên hoan phim quốc tế.

Nổi bật nhất là bộ phim “Người vợ ba” của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh liên tục nhận được Giải thưởng "TVE - Cái nhìn khác" của Liên hoan phim San Sebastian - Tây Ban Nha, Giải thưởng "Phim hay nhất tại phần thi quốc tế" của Liên hoan phim Kolkata- Ấn Độ, Giải thưởng Phim Châu Á xuất sắc nhất của Liên hoan phim Toronto – Canada và Giải thưởng "Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất" của Liên hoan phim Cairo - Ai Cập.

Cảnh trong phim 'Người vợ ba' (Ảnh đoàn phim cung cấp)

Bộ phim “Người vợ ba” vì sao có kỳ tích như vậy? Bộ phim "Người vợ ba" là sản phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ 19 để kể về cuộc đời của cô bé Mây phải bước vào cuộc hôn nhân sắp đặt khi mới 14 tuổi. Bộ phim phản ánh những giằng xé, khát vọng, trăn trở của cô gái sống trong giai đoạn xã hội mà vai trò của người đàn ông vẫn luôn được đề cao hơn phụ nữ. Nội dung “Người vợ ba” thì cũng không có gì quá ghê gớm, nhưng điểm sáng là có sự tham gia của vợ chồng Trần Hùng Anh và Trần Nữ Yên Khê từng được điện ảnh quốc tế biết đến qua bộ phim “Mùi đu đủ xanh”. Đạo diễn Trần Hùng Anh đã đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật, còn diễn viên Trần Nữ Yên Khê thể hiện một nhân vật trong “Người vợ ba”.

Ngoài bộ phim “Người vợ ba” thì vài bộ phim khác của Việt Nam cũng nhận được giải thưởng quốc tế như "Cô Ba Sài Gòn", "Song Lang", "Ở đây có nắng", "Đảo của dân ngụ cư", "Cha cõng con"... Có phim được giải thưởng về diễn xuất như “Song Lang”, có phim được giải thưởng về “Câu chuyện sáng tạo nhất" như “Đảo của dân ngụ cư”, mà cũng có phim được giải thưởng “Trang phục đẹp nhất” như “Cô Ba Sài Gòn”. Những tín hiệu đáng mừng này chưa thể khẳng định phim Việt đã đạt được giá trị nghệ thuật mà thiên hạ phải thán phục, nhưng ít nhiều cho thấy khát vọng tiếp cận công nghệ làm phim thế giới của những nghệ sĩ điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là những phim Việt được vinh danh quốc tế thì hầu hết đều không đạt được doanh thu khi trình chiếu trong nước. Trình độ khán giả Việt chưa thể tiếp cận dòng phim nghệ thuật mà chỉ ưa chuộng dòng phim thị trường chăng? Chưa chắc, khán giả vẫn nườm nượp mua vé vào rạp để xem những siêu phẩm của Hollywood hoặc những bộ phim công phu của Trung Quốc và Hàn Quốc đấy thôi.

Nếu tìm ra một nhược điểm để những bộ phim Việt đoạt giải quốc tế bị hờ hững trên sân nhà, chính là chiến lược truyền thông còn hạn chế. Dòng phim nghệ thuật không những không có tên tuổi ngôi sao để khua chiêng gõ trống kêu gọi giới hâm mộ, mà còn khiêm tốn về ý tưởng cũng như phương pháp tiếp cận những người xem thực sự thích thú với những tìm tòi của phim Việt. Dòng phim nghệ thuật cũng chen chân quảng cáo như dòng phim thị trường thì thất bại về doanh thu là điều dễ hiểu!

PV

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dien-anh-co-mot-nam-xuat-ngoai-ron-rang-post236071.html