Điện ảnh giao thông- một thời ngang dọc

Đáng tiếc nhất là số phim tư liệu quý giá về cuộc chiến bảo đảm giao thông chống Mỹ cứu nước vẫn đang nằm trong kho tư liệu.

Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 552 (Hà Tĩnh) dũng cảm đảm bảo giao thông thông suốt liên tục trên tuyến đường trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Văn Sắc- TTXVN

Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 552 (Hà Tĩnh) dũng cảm đảm bảo giao thông thông suốt liên tục trên tuyến đường trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Văn Sắc- TTXVN

Vào cái năm mà cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bắt đầu nhắm thẳng vào giao thông vận tải ở miền Bắc, chủ yếu là nhằm vào các tuyến đường dẫn tới chiến trường miền Nam, ngành giao thông bắt đầu căng mình ra để bảo đảm giao thông, để không bị đứt đường, cả đường bộ, đường sắt, đường sông và đường biển.

Tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Giao thông, với sự tiên đoán sắc sảo về âm mưu của giặc Mỹ, ông quyết 2 việc lớn, coi như nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành: sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để chuẩn bị tất cả các phương án vượt sông cho xe ô tô vận tải và cả cho xe lửa,khi hệ thống cầu trên các tuyến chính bị đánh phá.

Hai là phát triển đường giao thông nông thôn, chú ý đường liên huyện, liên xã và nối các tuyến đường này với hệ thống quốc lộ,như vậy, tuy chỉ là để giải phóng đôi vai, nhưng thực chất là đường nông thôn phải có thể dùng cho xe vận tải, làm tuyến tránh khi tuyến chính bị đứt do bom đạn chưa khôi phục kịp.

Tất cả chủ trương đó, cũng như chi tiết các bước triển khai, lại phải hoàn toàn bí mật, nhất là về các phương tiện thiết bị vượt sông, cũng như việc giải tỏa bom từ trường, thủy lôi trên các tuyến vận tải sông và ven biển. Vì thế, các lực lượng điện ảnh và báo chí quốc gia không được phép quay phim chụp ảnh tất cả các công trình thử nghiệm, hay cách ngụy trang các công trình.Nhưng cần phải lưu giữ những tư liệu này.

Tướng Phan Trọng Tuệ, với sự gợi ý của người em họ của ông, ông Phan Trọng Quan, Cục Phó Cục Điện ảnh, là: Bộ Giao thông tổ chức lấy một Đội điện ảnh để ghi lại tất cả tư liệu về các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật đảm bảo giao thông Chống Mỹ cứu nước.Đội hay Đoàn điện ảnh này được quyền (bằng một giấy phép đặc biệt) đến tất cả các phòng nghiên cứu, trạm thử nghiệm, thực địa xây dựng… để quay phim, chụp ảnh làm tư liệu.

Đoàn điện ảnh Giao thông được thành lập với tên gọi ĐOÀN SƯU TẦM TƯ LIỆU GIAO THÔNG VẬN TẢI BẰNG PHIM ẢNH, nằm trong biên chế Vụ Kỹ Thuật của Bộ. Tổ chức và biên chế của Đoàn gồm (lúc đầu do Bộ quy định) một trưởng đoàn, một quản trị, một thủ quỹ kiêm thủ kho, một kế toán và một bộ phân chuyên môn: Đạo diễn phim tài liệu, biên tập, quay phim, dựng phim (cắt dán) chiếu phim, thợ máy.

Trang thiết bị cho Đoàn gồm: máy quay phim loại 35mm và 16mm, máy chiếu phim, bàn dựng phim, máy nổ, máy nạp accu, (không được cấp xe ô tô con, dùng chung của Văn phòng Bộ). Kinh phí hoạt động của Đoàn được Bộ cấp, Đoàn được lập một tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng, để chi dùng cho số cán bộ công nhân viên của Đoàn. Phim để quay và kinh phí in tráng là của Cục Điện ảnh cấp.

Cầu Cấm (Ngbhi Lộc, Nghệ An) trong kháng chiến chống Mỹ

Sau khi mọi thủ tục hành chính được hoàn thiện, Bộ quyết định về nhân sự như sau: Trưởng Đoàn là ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Thư ký tòa soạn Báo Giao thông được Bộ điều động sang.

Các nhân viên ban đầu là ông Duy Nhất, quản trị của Đoàn, bà Nguyễn Thị Thi (vợ của thứ trưởng Vũ Quang) làm kế toán, cô Nguyễn Thị Lại là thủ kho kiêm thủ quỹ, anh Đỗ Tê là thợ máy, anh Nguyễn Tích máy chiếu. Tất cả những nhân sự này được điều động từ các cơ quan trong Bộ.

Riêng bộ phận chuyên môn, được tập hợp dần dần, lúc đầu ông Phi Hùng mượn của Đoàn Điện ảnh Quân đội hai quay phim, là anh Phạm Chơn và anh Nguyễn Đại.Sau anh Hùng xin thêm 2 nhiếp ảnh từ Báo Giao thông và Báo Đường sắt về để đào tạo quay phim là anh Nguyễn Mạc và anh Nguyễn Văn Khoa.

Khi Khóa 3 của trường Điện Ảnh tốt nghiệp, vào năm 1966, anh Phi Hùng lại xin thêm được 3 cán bộ, 2 đạo diễn phim tài liệu Đăng Thế Vịnh và Nguyễn Hoài Giao, một quay phim là anh Lê Đình Phương. Như vậy là đã có tất cả 5 quay phim, 2 đạo diễn, có thể thành lập 3 tổ đi quay ở tất cả các điểm thử nghiệm công trình vượt sông mà các cơ quan nghiên cứu của Bộ đang tiến hành: Cầu dây cáp, Cầu Phao dìm dấu, Ferryboat cho xe lửa, Thiên tuyến…

Vào giữa năm 1967, anh Phi Hùng nhận thấy trong Đoàn cần có một kỹ sư cầu đường để làm công tác biên tập cho các đề tài cần sưu tầm, anh hỏi ý kiến Bộ trưởng cho phép điều động kỹ sư Vũ Phạm Chánh, đang là phóng viên bên Báo Giao thông. Được đích thân ông Tuệ xem qua sơ yếu lý lịch, và đồng ý, anh Phi Hùng sang Báo Giao thông xin đích danh tôi (Vũ Phạm Chánh).

Tôi đề nghị anh Hùng liên hệ bên Trường Điện ảnh Quân đội,cho tôi được theo học với lớp phóng viên chiến trường của Điện ảnh quân đội mới mở, sau đó có nghề rồi tôi sẽ về Điện ảnh Giao thông phục vụ. Cùng thời gian này, Đoàn thu nạp thêm ba quay phim mới ra trường ở lớp quay phim sơ cấp của Trường Điện ảnh, là anh Đỗ Ngọc Anh, Nguyễn Xuân Trúc và anh Nguyễn Như Ý.

Trong thời gian tôi đang đi học ở Trường Điện ảnh quân đội, thì ở nhà, anh Hùng chỉ đạo tất cả các đội tỏa đi tất cả các mặt trận giao thông, thấy gì quay nấy, cốt không bỏ sót các tư liệu kỹ thuật cũng như các sự kiện quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông. Những tư liệu này, mãi mãi chỉ là những tư liệu, vì không theo một kịch bản nào, nên không thể dựng được.

Công việc quan trọng nhất là sau khi tráng négative xong , xin in ra một bản nháp positive, để về tách ra thành từng cụm vấn đề, công trình, hay nội dung dự án thiết kế đảm bảo giao thông, cũng như hoạt động của những đoàn tầu, đoàn xe vận tải, đoàn thuyền gỗ, thuyền nan, đoàn tàu biển, đoàn Thanh niên xung phong và công binh đảm bảo giao thông trên những cung đường chiến lược.

Khi tôi học xong về Đoàn, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, cần phải xây dựng thành những bộ phim tư liệu hoàn chỉnh về khoa học kỹ thuật ứng dụng, những sự kiện mang tính lịch sử chiến tranh nhân dân của ngành giao thông, hay những sáng tạo trong vận động toàn dân tham gia đảm bảo giao thông chống Mỹ cứu nước. Đề tài thật là lớn.

Chúng tôi, anh Hùng và hai đạo diễn, cùng nhau bàn bạc để đưa ra 4 cụm đề tài: Sáng tạo các phương tiện vượt sôngnhư các loại cầu phao, cầu cáp, cầu treo, cầu dìm dấu; các loại phà, sà lan, Ferryboat; Các loại Xe vận tải có lắp thêm thiết bị để đi trên cầu cáp, chạy trên đường sắt như xe goòng.

Đề tài thứ hai là các phương án bảo đảm giao thôngnhư tuyến ngầm, tuyến tránh, ngụy trang chống máy bay trinh sát phát hiện, các loại cầu tạm cất dấu để vượt hố bom khi cần.

Đề tài thứ ba là các nghiên cứu khoa học trong chống phá thủy lôi MK6, MK8; chế tạo tầu thủy nhiều ngăn, nhiều đáy cho các con tầu không số chở vũ khí vào miền Tây Nam bộ.

Đề tài thứ tư là các sáng tạo mang tính dân gian để đảm bảo giao thông và vận tải, như Cầu tre sống, Cầu vòm gạch, vòm đất cốt tre, Cầu phao nứa luồng (cho ô tô), Thuyền nan trát xi măng, Thuyền xi măng lưới thép và cả Ca nô xi măng lưới thép.

Với 4 cụm đề tài đó, hàng loạt kịch bản & đề cương kịch bảnra đời, và mỗi nhóm, tùy theo sức nặng của đề tài mà đi ngắn hoặc chốt lâu ở thực địa. Cái khó nhất cho anh chị em là phần lớn những sự kiện đều diễn ra vào ban đêm, mà trong điều kiện chiến tranh không cho phép bật đèn chiếu sáng, nên ghi hình (bằng phim nhựa, độ nhậy thấp) rất khó đạt về độ rõ của hình ảnh.

Tự vệ Đường sắt và thanh niên xung phong sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ, đảm bảo giao thông thông suốt

Tuy vậy với sự tận tụy với công việc được giao, không ngại khó khăn về đời sống cũng như sự thiếu thốn về phương tiện, chúng tôi vẫn vượt qua để đến khi chiến thắng hoàn toàn, chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài hơn 35.000 mét phim 35 tư liệu đen trắng và mầu, khoảng trên 5.000 mét phim 16mm tư liệu, chúng tôi còn hoàn thành 5, 6 bộ phim tài liệu và tài liệu khoa học như Trên Đường sắt phía Nam rực lửa, Hải phòng không thể thành hòn đảo, Cầu tre sống, Thuyền Xi măng lưới thép, Đường vượt Mã Pì Lèng, Đường 20 Quyết thắng, Giải tỏa vùng biển Hạ Long… Và đóng góp (quay và dựng) với một số bộ phim của Xưởng Phim Tài liệu trung ương, như Đầu sóng ngọn gió của cố đạo diễn và quay phim Kiều Thẩm, Cửa Nhật Lệ của cố Đạo diễn và quay phim Đỗ Đức Kim…

Một vinh dự nữa của Đoàn là trong thời kỳ còn non trẻ của Vô tuyến truyền hình Việt nam, vào năm 1972, Đài đã phát bộ phim tài liệu Trên Đường Sắt Phía Nam Rực Lửa, của Đạo diễn Nguyễn Hoài Giao, nhạc phim của nhạc sĩ và chỉ huy Nguyễn Chính, không chỉ một lần mà là 3 lần liên tiếp. Cũng không hẳn là do chất lượng nghệ thuật của phim, mà vì tính kịp thời của phim trong điều kiện chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhất.

Trong quá trình xây dựng Đoàn điện ảnh GTVT, anh em chúng tôi cũng trưởng thành về nghề, nên đã được các Hãng, Xưởng… chuyên nghiệp sau này thu nạp: Anh Đại trở về bên Quân Đội, Anh Lê Đình Phương đi theo đoàn cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ vào “B” dài, sau đó về Viện Tư liệu Phim Quốc Gia, anh Nguyễn Hoài Giao và anh Đỗ Ngọc Anh về Đài Vô tuyến truyền hình trung ương, Anh Phạm Chơn về Đài Truyền hình Bình Thuận,

Sau ngày chiến thắng hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đoàn điện ảnh Bộ GTVT cũng không còn nhu cầu tồn tại nữa. Anh Nguyễn Phi Hùng và số anh chị em còn lại, làm công tác chỉ tồn, rồi bàn giao toàn bộ số phim tư liệu cho Viện Lưu trữ Phim Quốc gia, xong, mỗi người mỗi ngả, người chuyển công tác, phần lớn về nghỉ hưu theo chế độ.

Chỉ đáng tiếc nhất là số phim tư liệu quý giá có một không hai về cuộc chiến bảo đảm giao thông chống Mỹ cứu nước trong suốt từ 1965 – 1975, công sức của gần hai chục anh chị em trong Đoàn Điện ảnh Giao thông, từ đó đến nay vẫn nằm im trong kho tư liệu phim quốc gia hơn 40 năm nay,chỉ vì không có kinh phí để dựng, khai thác nó. Một lý do xem ra không thuyết phục. Nhưng biết nói gì trước tình trạng chung?

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/8/2020

Vũ Phạm Chánh (nguyên Chánh VP Bộ GTVT)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dien-anh-giao-thong-mot-thoi-ngang-doc-d477844.html