Điện ảnh Việt: Chỗ dựa nào trước cơn sóng lớn?

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 thực sự là thời điểm quá khó khăn với điện ảnh Việt. Ảnh hưởng khó lường của dịch bệnh, việc thay đổi thói quen đến rạp của khán giả và cả cách phổ biến phim 'trông mặt bắt hình dong' đã khiến nhiều bộ phim dù có chất lượng không tồi nhưng vẫn 'chết chìm'… Thời điểm này, các nhà làm phim cảm thấy rất cần một chỗ dựa.

Phim “Gái già lắm chiêu V” chủ động hoãn chiếu dịp Tết 2021.

Mất trắng một mùa phim

Với thành công vượt trội về doanh thu ở các phần phim trước, “Gái già lắm chiêu V” rất tự tin bước vào mùa phim Tết. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay vào những ngày sát Tết đã khiến nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược phát hành. Đây là bộ phim đầu tiên chủ động công bố hoãn chiếu dù kế hoạch truyền thông đã sẵn sàng. Và ngay sau đó, việc các rạp phim đồng loạt đóng cửa do dịch đã khiến các nhà làm phim Việt khác rơi vào tình cảnh mất trắng một mùa phim Tết.

Lý Hải, đạo diễn phim “Lật mặt: 48h” chia sẻ rằng anh cảm thấy bàng hoàng như từ trên mây rơi xuống. Riêng khoản chi phí in ấn, truyền thông mà anh đã chi cho hai kỳ dời lịch chiếu đã lên tới hơn chục tỷ đồng mà không thể tái sử dụng. Tâm trạng của đạo diễn Lý Hải cũng là nỗi niềm chung của tất cả những nhà làm phim phải chịu thiệt hại to lớn do liên tục "né dịch" trong năm 2020 và đầu năm 2021 này.

Việc mất trắng một mùa phim quan trọng trong năm với hàng loạt dự án có chi phí đầu tư hàng chục tỷ đồng đang đẩy các nhà làm phim vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Trên trang facebook cá nhân, Bảo Nhân, đạo diễn phim “Gái già lắm chiêu V” chia sẻ: “Đây có thể gọi là một cú xô ngã chí mạng để khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng lớn của ngành công nghiệp điện ảnh. Điều tôi lo lắng không chỉ là số phận của riêng “Gái già lắm chiêu V” ngày quay lại mà là hiệu ứng domino sẽ liên tục xô ngã sức chịu đựng của hệ thống rạp vốn đã gánh gồng suốt 1 năm qua chỉ chờ dựa vào mùa phim Tết này để ổn định. Vậy mà...”.

Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020, giới làm phim cũng chứng kiến một số câu chuyện buồn khác. Đó là sự khó khăn của các nhà làm phim trẻ khi tìm đường ra rạp mà “Võ sinh đại chiến” là một ví dụ điển hình. Phim có vốn đầu tư lên tới 25 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ 1,3 tỷ đồng mà nguyên nhân theo đoàn làm phim là “nằm ngoài bộ phim”. Cụ thể, theo đạo diễn Bá Cường, nhược điểm của phim đến từ đạo diễn trẻ và dàn diễn viên mới chưa được biết đến nhiều. Cũng vì trẻ, mới nên họ đã sai lầm trong chiến lược marketing, dẫn đến những hệ quả sau đó như không thương lượng được suất chiếu phù hợp khi ra rạp. Rồi phim “Cậu Vàng” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao cũng đành “ôm lỗ” tới 20 tỷ đồng...

Cần lắm những chỗ dựa

Từ khi phim nhà nước vắng bóng trên thị trường, câu chuyện sống còn của phim dường như là vấn đề riêng của nhà sản xuất. Vì vậy, không ít nhà sản xuất, đặc biệt là những người trẻ, cảm thấy đầy áp lực, khó khăn. Họ rất cần chỗ dựa cho những bộ phim đầu tay, những bộ phim không đơn thuần chỉ là giải trí, sự ủng hộ của rạp chiếu hay sự hỗ trợ trước những sóng gió bất ngờ ập đến như dịch Covid-19... Đạo diễn Bá Cường (phim “Võ sinh đại chiến”) nói rằng anh mong mỏi có thêm nhiều cơ hội, sự ủng hộ để các nhà làm phim trẻ theo đuổi giấc mơ điện ảnh.

Vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách phát triển điện ảnh tính đến từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khả thi. Chẳng hạn như ý tưởng về Quỹ phát triển điện ảnh được xây dựng từ năm 2006 với kỳ vọng sẽ khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim Việt, đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đánh giá: “Đây là việc khó, được đưa vào Luật Điện ảnh 2006 nhưng mười mấy năm chưa thực hiện được, vướng nhất là nguồn thu. Nếu tiếp tục đưa vào như trong dự thảo mà không có đột phá, nghĩa là có cơ chế về nguồn thu từ phần trăm doanh thu bán vé, hiện đang không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí... thì vẫn sẽ bế tắc như cũ”.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt đã có những bước phát triển mạnh mẽ với mức độ tăng trưởng rất cao. Nếu thống kê theo nguồn phim thì năm 2019 phim Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, đến nửa đầu năm 2020 đã tăng lên tới 47%. Điện ảnh được xác định là ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa. Nhưng rõ ràng, cùng với sự tăng trưởng nóng, điện ảnh Việt cũng cho thấy nó rất cần chỗ dựa vững chắc để có thể phát triển bền vững hơn, giảm thiểu khó khăn, đặc biệt là trước những sóng gió bất ngờ như dịch Covid-19.

An Định

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/992060/dien-anh-viet-cho-dua-nao-truoc-con-song-lon