Điện ảnh Việt cuối năm: Những dấu ấn mới lạ

Cuối năm 2017 là thời điểm 'bung lụa' của những bộ phim có đề tài độc lạ, thu hút sự chú ý của khán giả. Điều đó cho thấy các nhà làm phim đang có sự đầu tư một cách chỉn chu cho môn nghệ thuật thứ 7.

Ngay từ khi chưa ra mắt, phim “Cô Ba Sài Gòn” do Ngô Thanh Vân sản xuất đã khiến khán giả không ngừng tò mò về đề tài của phim. Trước khi công chiếu không lâu, tấm poster giới thiệu của phim còn gây tranh cãi và được khán giả dự đoán sẽ là một bộ phim 100% về Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Sài Gòn trở nên đẹp lộng lẫy nhưng cũng hết sức dịu dàng thông qua các cảnh phim đã được tái hiện lại từ những tà áo dài bay rợp phố, những cô gái búi tóc sang trọng,... Có thể nói, kịch bản là một trong những điểm mạnh của phim, cùng với đó là diễn xuất tròn trịa của các diễn viên như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, NSND Hồng Vân, Diễm My, Thủy Hương, Ngô Thanh Vân,...

Đặc biệt, sự hóa thân của NSND Hồng Vân trong vai Như Ý của năm 2017 còn được khán giả đánh giá là xuất sắc mặc dù xuất hiện không nhiều trong phim. Nhờ kịch bản hay, dàn diễn viên tốt, phim “Cô Ba Sài Gòn” trở thành bộ phim chất lượng về cả tính nghệ thuật và giải trí.

Phim “Lôi báo” với đề tài mới lạ, hấp dẫn. ẢNH: Đoàn làm phim

Ngoài “Cô Ba Sài Gòn” sắp tới, khán giả còn được thưởng thức phim điện ảnh ra rạp đầu tháng 12 tới là “Mẹ chồng” của đạo diễn Lý Minh Thắng. Đề tài mẹ chồng nàng dâu không hề mới trong cả xã hội xưa và nay nhưng khi xem trailer phim, câu chuyện lại khiến người xem không thể không tò mò.

Phim lấy bối cảnh giả định năm 1945-1950 khi mà người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi từ những phong tục phong kiến xưa cũ bên cạnh những tư tưởng phương Tây.

Phim kể về cuộc đời chìm nổi của Ba Trân (siêu mẫu Thanh Hằng đóng) trong gia đình Hội đồng Lịnh. Vì chịu nhiều bất hạnh với những quy củ hà khắc từ nhà chồng, sau khi cậu con trai cả lấy vợ, cô đã trở thành một bà mẹ chồng cay nghiệt, nỗi ám ảnh của hai cô con dâu Tư Thì (Lan Khuê đóng) và Tuyết Mai (Midu đóng).

Và tất nhiên, trong số những bộ phim được khán giả trông chờ không thể không nhắc đến “Lôi báo” với chủ đề mới lạ khai thác cuộc phẫu thuật ghép đầu người. Phim do đạo diễn Victor Vũ thực hiện. Đây là thể loại phim siêu nhiên, ly kỳ qua hình tượng “người bất tử”.

Phim nói về Hùng, một người sống qua 3 thế kỷ với những thăng trầm và bí ẩn thú vị. Đạo diễn Victor Vũ hứa hẹn phim này sẽ rất đẹp vì bối cảnh trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, TP HCM, Tiền Giang, Đồng Nai. Trong đó, bối cảnh Quảng Bình chiếm gần 70% phim.

Ngoài ra, điện ảnh Việt còn có một số phim khác cũng khai thác yếu tố mới lạ như phim “Hoán đổi” của đạo diễn Võ Thanh Hòa nói về việc đổi linh hồn. Phim "Bí mật đảo Linh Xà" thuộc thể loại giả tưởng, hành động...

Nếu như đầu và giữa năm 2017, khán giả được xem nhiều bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài thì cuối năm, phòng vé Việt có dịp sôi động với các phim có đề tài độc lạ.

Hầu hết các phim Việt này đều lấy chất liệu truyền thống, truyền thuyết, dân gian nhưng sáng tạo theo cách độc, lạ, kịch bản có nhiều yếu tố bất ngờ, thú vị. Nếu như trước đây, phim cạnh tranh nhau chủ yếu bằng dàn diễn viên, cảnh quay hoành tráng, nhạc phim hay, đề tài hài hước pha lẫn tình cảm thì ngày nay, nhiều nhà làm phim nhận định phim cạnh tranh nhau không còn quanh vấn đề cảnh quay đẹp, nhạc hay... mà ở yếu tố sáng tạo trong kịch bản.

Khán giả hiện giờ có nhiều sự lựa chọn, tâm lý của họ cũng “cả thèm chóng chán” nên nếu vẫn cho họ xem những phim na ná nhau thì rất khó giúp phim thành công. Khi khán giả chán, tất nhiên họ sẽ quay lưng, đồng nghĩa phim thất thu. Vậy nên, sự sáng tạo, đặc biệt trong kịch bản là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đó là “xương sống” của một bộ phim quyết định đến phim hay hay dở.

Tuy nhiên, muốn thành công, phim có đề tài độc lạ ra sao cũng phải chọn đúng thời điểm để công chiếu bởi nếu chúng trái gu khán giả thì phim cũng sẽ nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Minh chứng là nhiều bộ phim trước đây được làm công phu với đề tài mới lạ như “Fan cuồng, Cô hầu gái,...” không được khán giả chào đón. Và đây, chính là thời điểm phù hợp cho các phim có đề tài độc lạ bung tỏa.

Có điều, làm phim chiều theo khán giả chưa chắc đã là hướng đi tốt trong điện ảnh bởi điều đó chỉ khiến cho những người làm phim chạy theo trào lưu thay vì có sự tâm huyết, chỉn chu, sáng tạo thật sự. Hơn nữa, nghệ thuật thật sự là phải định hướng thay vì chạy theo khán giả. Chính vì vậy, rất cần các nhà làm phim tiên phong dám khai thác những vùng đất mới để mang đến cho khán giả những bộ phim có dấu ấn riêng, thật sự hấp dẫn.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dien-anh-viet-cuoi-nam-nhung-dau-an-moi-la-107785.html