Điện ảnh Việt đang thức giấc?

Những tài năng điện ảnh Việt Nam được công nhận ở những liên hoan phim, giải thưởng hàng đầu thế giới và thị trường trong nước có một vài phim phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé - đó là những dấu hiệu cho thấy điện ảnh Việt đang thức giấc sau một giai đoạn 'quá độ' kéo dài…

Nhận định trên có thể hơi chủ quan, nhưng quả thực, hơn 20 năm theo dõi điện ảnh Việt Nam và lội ngược dòng để nghiên cứu điện ảnh Việt trong quá khứ qua hai cuốn sách đã xuất bản, chưa bao giờ tôi thấy điện ảnh Việt Nam đang gặp “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” như hiện nay để bật lên và tìm kiếm chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh thế giới và chinh phục khán giả nội địa.

Những tài năng được công nhận trên các diễn đàn điện ảnh quốc tế

Nói như vậy không có nghĩa trong quá khứ chúng ta không có những tài năng điện ảnh tên tuổi được thế giới công nhận. Giải Phim hay nhất (Golden Prize) cho Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến tại Liên hoan phim Moscow 1981 đến giờ vẫn là giải thưởng cao nhất mà một bộ phim Việt Nam giành được tại các liên hoan phim quốc tế hàng đầu. Tên tuổi đạo diễn Đặng Nhật Minh được nhiều liên hoan phim và các kênh truyền thông lớn trên thế giới công nhận, nổi bật là hãng CNN của Mỹ bình chọn Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất thế kỷ XX.

Bộ phim này cùng với Thương nhớ đồng quê Mùa ổi của ông còn chiến thắng ở nhiều liên hoan phim quốc tế khác. Đời cát của Nguyễn Thanh Vân, Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên, Bi đừng sợ của Phan Đăng Di, Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp… từng chiến thắng một vài giải lớn nhỏ tại một số liên hoan phim quốc tế tên tuổi.

Sau chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023 với tác phẩm The Pot Au Feu, Trần Anh Hùng sẽ cùng bộ phim này đại diện Pháp tranh giải Oscar 2024. Ảnh: AFP

Nếu tính cả đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim, thành tích này nổi bật hơn với Trần Anh Hùng thắng giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1993 với Mùi đu đủ xanh và Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1995 với Xích lô. Ba mùa của Tony Bùi thắng giải Phim hay nhất (cả ban giám khảo lẫn khán giả bình chọn) tại Liên hoan phim Sundance ở Mỹ năm 1999. Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Song Lang của Leon Le cũng thắng một vài giải ở một số liên hoan phim quốc tế tại Mỹ hay châu Âu.

Thế nhưng, đó vẫn là những hiện tượng đơn lẻ bởi những bộ phim không đủ tạo thành một làn sóng, những cái tên không đủ tạo thành một thế hệ, điện ảnh Việt vẫn loay hoay tìm vị thế và vẫn chỉ là một cái chấm mờ trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, tôi đã thấy sự thay đổi đáng kể của một vài tên tuổi ở các diễn đàn điện ảnh lớn thế giới. Suốt hai năm qua, bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm liên tục chu du qua nhiều liên hoan phim tài liệu thế giới, được các tờ báo quốc tế lớn đánh giá cao và cuối cùng có tên trong “shortlist”, lọt vào top 15 phim tài liệu xuất sắc nhất của giải Oscar 2023.

Cuối năm ngoái, Tro tàn rực rỡ trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Tokyo, sau đó thắng giải Phim hay nhất (Khinh khí cầu vàng) tại Liên hoan phim Ba châu lục (Nantes, Pháp), và mới đây được chọn đại diện Việt Nam tranh giải Oscar phim quốc tế hay nhất.

Cảnh trong Tro tàn rực rỡ - bộ phim được chọn đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2024. Ảnh: CTV

Đặc biệt, tại Liên hoan phim Cannes 2023, hai cái tên Việt Nam được xướng lên ở hai hạng mục giải thưởng quan trọng hàng đầu. Đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The Pot au Feu, nhưng đây là một bộ phim Pháp 100% khai thác mối quan hệ tinh tế giữa tình yêu và ẩm thực, giữa đàn ông và đàn bà (được chọn đại diện cho điện ảnh Pháp tranh giải Oscar phim quốc tế 2024). Còn đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân chiến thắng giải Máy quay vàng (Camera D’or) với bộ phim Bên trong vỏ kén vàng, một bộ phim dài tới 3 tiếng và được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.

Hai giải thưởng điện ảnh ở liên hoan phim quốc tế danh giá khiến niềm tự hào của điện ảnh Việt dâng cao. Và hơn cả thế, nó còn cho thấy một sự kế thừa và tiếp nối mang tính thế hệ. Sau đúng 30 năm, Phạm Thiên Ân đã tiếp nối Trần Anh Hùng chiến thắng giải thưởng gần như là tấm “namecard” được bảo chứng để bước ra thế giới.

Tôi chưa xem The Pot au Feu (nhan đề tiếng Anh là The Taste of Things) của Trần Anh Hùng để thấy được vị thế của đạo diễn gốc Việt này lên cao như thế nào, nhưng giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất mà Cannes trao quả thực đã đưa tên tuổi của ông lên một tầm cao mới. Trong lịch sử Liên hoan phim Cannes, chỉ có 7 đạo diễn người (hoặc gốc) châu Á chiến thắng giải thưởng này.

Còn với Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân, tôi hoàn toàn chìm đắm vào thứ khí quyển điện ảnh vừa quá quen thuộc, quá thật nhưng cũng rất lạ lẫm, mơ hồ như không chạm tới được. Một bộ phim về hành trình đi tìm lại linh hồn đã mất của một “người phàm” mà tôi tin chắc ai cũng thấy một phần của mình trong đó, nếu thực sự đắm chìm vào nó. Để rồi bàng hoàng như được đánh thức từ bên trong “vỏ kén vàng”, rằng ta đã đánh mất nó từ bao giờ, và liệu ta có tìm lại được nó?

Điện ảnh của Phạm Thiên Ân không dễ tiếp cận với số đông. Và để chọn con đường này, chắc chắn anh sẽ phải dũng cảm đối diện với sự cô đơn (hoặc cô độc) để theo đuổi một thứ điện ảnh giàu suy nghiệm, một thứ “điện ảnh thơ” (poetic cinema) chối từ kể chuyện và kịch tính mà tìm cách len lỏi vào tâm hồn con người để đánh thức họ từ những điều sâu thẳm bên trong.

Một cảnh ấn tượng trong phim Bên trong vỏ kén vàng.

Sự xuất hiện của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân (và ít nhiều trước đó là Phan Đăng Di, Lê Bảo, Hà Lệ Diễm…) với tôi là một tín hiệu thật đẹp cho thấy dòng phim độc lập và nghệ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể bước ra thế giới với những tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt mà không cần phải vay mượn (cho dù có ảnh hưởng) bên ngoài.

Và sẽ còn một số “tài năng trong bóng tối” khác đang âm thầm thực hiện những bộ phim của họ để đĩnh đạc bước ra thế giới, đó là điều mà tôi có thể cảm nhận được, qua quan sát cá nhân của mình.

Phòng vé bùng nổ và những cuộc “bút chiến” nảy lửa

Ở một mặt khác, cũng có một vài tín hiệu tốt cho thấy thị trường điện ảnh nội địa Việt Nam đang càng ngày được nới rộng. Cho dù vẫn còn rất nhiều bộ phim thất bại thê thảm tại phòng vé nhưng một số lại lập nên những kỷ lục ngoạn mục hoặc tạo nên những cuộc tranh luận lớn trên truyền thông, mạng xã hội. Điều đó cho thấy điện ảnh Việt vẫn nhận được sự quan tâm lớn của khán giả nội địa nếu bộ phim đó chạm vào được họ, ở một vài khía cạnh nào đó.

Nhà bà Nữ của Trấn Thành phá kỷ lục Bố già trước đó của chính anh để trở thành bộ phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Cả hai phim đều vượt mốc doanh thu hơn 400 tỷ đồng và tạo nên những cuộc “đại chiến” trên mạng xã hội với cả hai mặt thích và ghét.

Lật mặt 6 của Lý Hải tiếp tục cho thấy anh là một đạo diễn “mát tay” và làm phim chưa bao giờ thua lỗ, nếu không nói phim sau vượt phim trước. Loạt phim này dù có hơi hướng “bình dân” và vẫn bộc lộ khá nhiều hạn chế về kịch bản, về tay nghề, nhưng lại hấp dẫn khán giả đại chúng nhờ tính giải trí của chúng.

Mới đây nhất là Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng, một bộ phim có tầm vóc của dòng phim “bom tấn” Việt, khai thác chất liệu văn hóa Việt (từ các chất liệu gốc đã thành công đi trước) nhưng lại được làm theo công thức phim bom tấn của Hollywood. Bộ phim này đã nổ ra một cuộc “bút chiến” dữ dội trên mạng xã hội, nhưng nhìn ở mặt tích cực, nó cho thấy điện ảnh Việt đang được công chúng quan tâm. Thành công tại phòng vé của bộ phim cũng tạo cú hích để các phần tiếp theo được tiếp tục. Công thức phim “franchise” (thương hiệu) được sản xuất theo kiểu “blockbuster” có thể được nhìn thấy từ bộ phim này và mở ra triển vọng tiếp diễn trong tương lai.

Kết

Như vậy, cả hai dòng phim độc lập/nghệ thuật và thương mại/giải trí của điện ảnh Việt đều có một vài hiện tượng nổi bật, cho thấy có nhiều tiềm năng để ngành công nghiệp điện ảnh Việt thức giấc và cất cánh.

Đây là thời cơ vàng của điện ảnh Việt, một mặt bước ra thế giới với các giải thưởng quốc tế được ghi nhận, một mặt chinh phục khán giả nội địa với những bộ phim ăn khách. Đó cũng là cách mà điện ảnh Hàn thức giấc và cất cánh cách đây hơn 2 thập niên (bắt đầu vào cuối những năm 90 thế kỷ XX).

Vậy thì còn chờ gì nữa mà điện ảnh Việt không thức giấc?

Lâm Lê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dien-anh-viet-dang-thuc-giac-41525.html