Điện ảnh Việt nhìn từ mùa phim Tết 2024: Liệu đã rộng đường cho phim Nhà nước?

Phim Việt Tết Giáp Thìn 2024 đã chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của các tác phẩm điện ảnh mới, khi 2 trong số 6 tác phẩm phải 'tháo chạy'. Nhìn vào doanh thu của 'Mai' và những phản ứng tích cực từ 'Đào, phở và piano', giới chuyên môn cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng và khả quan của điện ảnh Việt.

Điện ảnh Việt đang ở thời điểm vàng?

Mùa phim Tết 2024 chứng kiến sự cạnh tranh của 4 phim Việt: “Mai” (Trấn Thành), “Gặp lại chị bầu” (Nhất Trung), “Sáng đèn” (Hoàng Tuấn Cường) và “Trà” (Lê Hoàng) cùng 4 bộ phim ngoại gồm: “Madame web” (ra rạp 14/2), phim hoạt hình “Đấu trường muôn thú”, hoạt hình Nhật “Gia đình x Điệp viên Mã Trắng” và “Argylle: Siêu điệp viên”.

Tuy nhiên, “Sáng đèn” và “Trà” đều rút khỏi rạp sau vài ngày công chiếu và đạt doanh thu khiêm tốn. Các phim này thay đổi lịch chiếu, dời sang thời điểm khác để tránh đối đầu với phim của Trấn Thành. Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập, sau 10 ngày trình chiếu, doanh thu phim Tết Giáp Thìn ước tính đạt 479 tỷ đồng, trong đó tác phẩm “Mai” của đạo diễn Trấn Thành đứng đầu suốt 10 ngày qua.

Đến hết ngày 19/2, “Mai” cán mốc hơn 362 tỷ đồng. Số lượng vé bán ra mỗi ngày hơn 167.000, suất chiếu tăng lên mỗi ngày, trung bình khoảng 4.500 suất. Tỷ lệ lấp đầy rạp chiếu chạm mức 72% - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phim Việt. Trước đó, phim liên tục xác lập nhiều kỷ lục ấn tượng khi có 225.000 vé bán ra, đạt doanh thu 23,3 tỷ đồng ở ngày đầu công chiếu (10/2, tức mùng 1 Tết).

Ngày 13/2, phim xác lập kỷ lục doanh thu 100 tỷ đồng được bán ra nhanh nhất trong lịch sử (chỉ sau 3 ngày công chiếu), vượt qua thành tích trước đó của “Nhà bà Nữ” (đạt 100 tỷ đồng sau 3,5 ngày công chiếu). “Mai” cũng cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp và chỉ sau 8 ngày đã thu về 300 tỷ đồng (vượt kỷ lục đạt 300 tỷ đồng trong 11 ngày của “Nhà bà Nữ”). Trấn Thành cũng trở thành đạo diễn Việt đầu tiên có tổng doanh thu 3 phim đạt 1.000 tỷ đồng.

Với thành tích đáng nể trên, “Mai” được dự đoán tiếp tục xác lập kỷ lục mới, giới chuyên môn, chuyên gia đều nhận định, phim sẽ đạt doanh thu 500 tỷ đồng thậm chí là 600 tỷ đồng khi rời rạp.

Doanh thu mùa phim Tết Giáp Thìn cũng ghi nhận “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung có số lượng suất chiếu và tổng vé bán ra tương đối ổn định. Đến hết ngày 19/2, phim cán mốc doanh thu 63 tỷ đồng - được cho là tỷ thuận với chất lượng tác phẩm.

Đặc biệt, bất ngờ lớn nhất trong đường đua phim Tết năm nay thuộc về phim Nhà nước “Đào, phở và piano”. Hiện, “Đào, phở và piano” ghi nhận mức doanh thu 505 triệu đồng. Bộ phim do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và chiếu ở một rạp duy nhất là Trung tâm Chiếu phim quốc gia.

“Đào, phở và piano” tạo nên “cơn sốt” phòng vé khi lượng khán giả truy cập mua vé xem phim tăng đột biến khiến web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập. Nói như ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, đây là “hiện tượng trước nay chưa từng có”.

Nhìn vào thành tích doanh thu của “Mai” và những phản ứng tích cực từ “Đào, phở và piano”, giới chuyên môn cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng và khả quan của điện ảnh Việt.

Theo bà Mai Hoa - Tổng Giám đốc Galaxy Studio, tín hiệu lạc quan nhất hiện nay là sự ủng hộ của khán giả Việt với phim nội địa. Bằng chứng là dù năm 2023, kinh tế khá ảm đạm, số lượng và chất lượng phim Việt không đột phá nhưng tổng doanh thu phòng vé tăng trưởng mạnh, đặc biệt vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Nhiều phim thiết lập những cột mốc doanh thu khả quan. Trong bối cảnh nền tảng xem phim trực tuyến ngày càng trở nên đa dạng, có thể thấy khán giả vẫn sẵn sàng chi tiền cho phim Việt.

Chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhìn nhận thời điểm vàng cho điện ảnh Việt ở góc độ thị trường chúng ta đang rất phát triển và rộng mở. Theo ông Việt, năm 2023, trong khi các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã đến điểm bão hòa và đi xuống thì điện ảnh Việt Nam là “của hiếm” khi có sự tăng trưởng đột phá về doanh thu. “Đừng đổ thừa cho khán giả Việt Nam không mặn mà và không ưu ái với phim Việt. Thị trường phim Việt rất tiềm năng, quan trọng là chúng ta có những bộ phim hay, chất lượng, đáp ứng thị hiếu khán giả khiến họ kéo ra rạp hay không”.

Cảnh phim “Đào, phở và piano”.

Đã rộng đường cho phim Nhà nước?

Theo ông Vi Kiến Thành, năm 2023 có thể nói là năm ngành điện ảnh tạo được nhiều dấu ấn. Sản xuất 40 phim truyện, doanh thu 1.700 tỷ, nhiều tên phim “gây sốt” phòng vé là những minh chứng cho thấy sự phục hồi đầy ấn tượng sau 3 năm ngành điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những quy định thúc đẩy từ Luật Điện ảnh 2022 cũng như tinh thần cởi mở, đổi mới đối với việc đặt hàng sản xuất phim Nhà nước, để có nhiều tác phẩm phim đặt hàng chất lượng, được sản xuất từ hình thức hợp tác công - tư, thì điện ảnh Việt Nam đang gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách.

“Hiện nay Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất được 3 phim truyện/năm. Trong số 40 phim truyện sản xuất năm 2023, chỉ có 3 phim Nhà nước đặt hàng, còn lại 37 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất. Tuy nhiên, phim Nhà nước đặt hàng đang được xếp là dịch vụ công thiết yếu, sử dụng 100% kinh phí nhà nước. Quy định này gây khó cho việc sản xuất các dự án phim truyện kết hợp công - tư” - Cục trưởng cho biết. Cũng theo ông Thành, bất cập này khiến một số kịch bản phim, dù được Cục Điện ảnh đánh giá cao và mong muốn đầu tư sản xuất, nhưng không áp dụng được phương pháp kết hợp, do vậy không thể triển khai.

Dư luận nhiều năm qua còn đề cập đến thực tế, những phim sản xuất từ kinh phí Nhà nước khá chênh vênh về đầu ra, lặng lẽ sau những suất chiếu ra mắt. Từ sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gặt hái nhiều thành công, điện ảnh Việt chưa có được tác phẩm phim sản xuất từ nguồn kinh phí công - tư hoặc sử dụng ngân sách nhà nước được phát hành rộng rãi, đạt doanh thu cao từ các rạp chiếu. “Đưa phim ra rạp vì vậy cũng đang là vấn đề của phim Nhà nước đặt hàng, bởi hiện chỉ có kinh phí để sản xuất phim, chứ không có kinh phí để phát hành, phổ biến” - Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.

Thực trạng này đã được nhìn nhận, và mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tài chính để tìm cách tháo gỡ. Ông Vi Kiến Thành thông tin: “Cục Điện ảnh đã xây dựng một đề án thí điểm, dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm 2024 - 2025. Nếu được phê duyệt, sẽ cố gắng triển khai ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, sẽ giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức phát hành, phổ biến, doanh thu nộp 100% cho Nhà nước. Đề án thực thi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn do không có kinh phí phát hành cho phim sử dụng ngân sách Nhà nước”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh nói thêm, lâu nay, Cục vẫn đưa các tác phẩm phim đặt hàng vào chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm trong và ngoài nước; hoặc gửi về các tỉnh, thành để phát hành, phổ biến. Tuy nhiên, việc phát hành, phổ biến tại hệ thống rạp chiếu nhằm phục vụ đông đảo khán giả, tạo doanh thu đóng góp cho công nghiệp điện ảnh thì… vẫn đang là khoảng trống.

Vẫn còn quá sớm để nói về đường đi đến rạp của các phim Nhà nước. “Đào, phở và piano” là hiện tượng, là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu các phim Nhà nước vẫn giữ cách làm phim cũ, tư duy cũ thì liệu hiện tượng mãi chỉ là hiện tượng?

Để phim Nhà nước cạnh tranh với phim thương mại và xác lập vị thế ở phòng vé, có lẽ vẫn cần một sự thay đổi toàn diện, không chỉ tư duy làm phim mà cả cách “bán” và quảng bá sản phẩm.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-anh-vietnhin-tu-mua-phim-tet-2024-lieu-da-rong-duong-cho-phim-nha-nuoc-post285357.html