Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 11/3

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 11/3/2024.

Quân đội Nga phá hủy hệ thống S-300 của Ukraine bằng tên lửa Iskander: Trong một tuyên bố ngày 9/3, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, hệ thống phòng không S-300 của Ukraine bị phá hủy gần thị trấn Pokrovsk, cách Donetsk khoảng 67 km về phía Tây Bắc. Cuộc tấn công nhằm vào hệ thống S-300 được thực hiện bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 500km.

Binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Wall Street Journal

Iskander là một trong những hệ thống tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Nga, có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân. Hệ thống tên lửa này có khả năng cơ động cao và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến nó trở thành vũ khí tấn công rất hiệu quả.

Trong khi đó, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không do Liên Xô thiết kế, với radar tiên tiến, cho phép theo dõi và tấn công các mục tiêu với độ chính xác, hiệu quả cao. Hệ thống có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 mục tiêu trong số đó.

Anh gây sức ép cho Đức về cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine: Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức rằng các quốc gia phương Tây nên tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và “đầu tư” nhiều hơn vào NATO đồng thời sẵn sàng hợp tác với Berlin để “giải quyết các vấn đề” ngăn cản Đức cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa Taurus.

Khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất, có tầm bắn khoảng 500 km, tới Ukraine đã thu hút thêm sự chú ý gần đây trong bối cảnh một đoạn ghi âm giữa các quan chức quân sự hàng đầu của Đức nói về sử dụng tên lửa để đánh phá cầu Crimea của Nga.

Trong bản ghi âm và bản ghi lại cuộc trò chuyện do hãng RT của Nga công bố, các sĩ quan quân đội cấp cao của Đức, bao gồm cả tư lệnh Lực lượng Không quân quốc gia, đã rất nhấn mạnh việc duy trì khả năng phủ nhận hợp lý trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công như vậy.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ hoài nghi về ý tưởng đưa tên lửa Taurus tới Ukraine. Ông lập luận rằng việc sử dụng những loại vũ khí như vậy sẽ đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ Berlin và sự hiện diện của các chuyên gia Đức trên thực địa. Ông Scholz cũng khẳng định rằng ông sẽ không cho phép quân đội quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine.

"Nếu Ukraine gia nhập NATO thì Mỹ nên đứng ngoài": Ông Mike Lee, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Utah, đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Nếu Ukraine gia nhập NATO thì Mỹ nên đứng ngoài. Đây là điều rõ ràng và đơn giản. Chúng ta phải vạch ra một lằn ranh đỏ đối với NATO. NATO chỉ có thể có Ukraine hoặc Mỹ”, ông Lee cho hay.

Bình luận của thượng nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau những tuyên bố gần đây của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sau khi tròn 2 năm xung đột Nga – Ukraine bùng phát.

“Ukraine hiện đang tiến gần đến NATO hơn bao giờ hết. Chúng tôi hỗ trợ cải thiện khả năng tương thích của lực lượng vũ trang Ukraine với các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi đang cùng nhau mở một trung tâm phân tích, huấn luyện và giáo dục chung mới ở Ba Lan. Chúng tôi cũng đang tăng cường mối quan hệ chính trị thông qua Hội đồng NATO - Ukraine, nơi chúng tôi cùng nhau tham khảo ý kiến và đưa ra quyết định. Việc Ukraine gia nhập NATO không phải là vấn đề có hay không mà là khi nào”, ông Stoltenberg nói.

Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường tiếp xúc và đối thoại trực tiếp: Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Cảnh Sảng mới đây kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường tiếp tục, đối thoại trực tiếp và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp khả thi cho cuộc xung đột hiện nay.

Phát biểu khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét khẩn cấp vấn đề Ukraine, ông Cảnh Sảng “kêu gọi các bên đương sự bình tĩnh và kiềm chế, tăng cường tiếp xúc và đối thoại trực tiếp, từng bước tích lũy đồng thuận và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp khả thi”.

Ông Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc ủng hộ việc triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận vào thời điểm thích hợp, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.

Nga - Ukraine chuẩn bị và chấp nhận cho cái giá của xung đột kéo dài ra sao?: Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba, Kiev và phương Tây đang đứng trước thời điểm quyết định quan trọng và đối mặt với một câu hỏi căn bản. Đó là làm thế nào có thể ngăn chặn các cuộc tiến công xa hơn của Nga và đảo ngược tình thế hiện nay.

Sau khi giành được thị trấn Avdiivka, các lực lượng của Nga đang tiến lên từng đợt trong các khu vực khác dọc tiền tuyến. Lợi thế của Nga về lực lượng, trang thiết bị và sản xuất quốc phòng đã gia tăng trong năm qua, trong khi việc cung cấp đạn dược của Mỹ cho Ukraine bị hạn chế và có nguy cơ bị cắt giảm gần như hoàn toàn do những bế tắc trong hỗ trợ ngân sách ở Quốc hội Mỹ.

Mai Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-113-post1081697.vov