Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 28/6

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 28/6.

Thủ tướng Đức tuyên bố quan hệ với Nga không thể trở lại như trước kia: Chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi tất cả và quan hệ giữa các nước G7 với Nga sẽ không bao giờ quay trở lại như trước kia, đồng thời thông báo G7 sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Ảnh: Fox11.

Ảnh: Fox11.

“Nhóm các nước G7 đã thống nhất với nhận định rằng, sự kiện này sẽ tạo ra rất nhiều biến đổi dài hạn, sẽ tác động đến quan hệ quốc tế trong một thời gian rất dài. Do đó cần phải rõ ràng: quan hệ với Nga sẽ không thể quay trở lại như trước khi nổ ra cuộc chiến. Bởi lẽ khi tình hình thay đổi, chúng tôi cũng cần thay đổi. Tất cả mọi người đều hiểu rõ điều đó”.

Nga cảnh báo cái giá phải trả của Litva vì cấm vận Kaliningrad: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Moscow có thể phản ứng với lệnh cấm vận của Litva áp đặt với Kaliningrad bằng những biện pháp kinh tế có khả năng ngân chặn quốc gia vùng Baltic này hành động như vậy. Ông cũng cho biết các biện pháp đáp trả chủ yếu liên quan đến kinh tế và "có thể ngăn cản các nước láng giềng vùng Baltic dừng cách cư xử thù địch".

Lý do các đòn trừng phạt của phương Tây không thể khiến Nga sụp đổ: Các lệnh trừng phạt của phương Tây từng được dự báo sẽ gây “nỗi đau không thể chống đỡ” đối với Nga. Tuy nhiên sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga đã khiến điều đó không thể xảy ra.

Pháp cho biết Tổng thống Zelensky từ chối đàm phán hòa bình với Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này không sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga, một nguồn tin trong chính phủ Pháp nhận định với hãng thông tấn AFP. Nhà lãnh đạo Ukraine đã bày tỏ lập trường này khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 ngày 27/6.

"Tổng thống Zelensky đã đưa ra phản ứng rất rõ ràng rằng hiện tại không phải thời điểm để đàm phán. Ukraine sẽ đàm phán khi ở trong vị trí cần làm như vậy và đó là khi nước này thiết lập lại một cách cơ bản vị thế sức mạnh của mình", AFP dẫn lời quan chức Pháp cho hay. Tổng thống Ukraine đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi đàm phán với Nga, cho rằng thời điểm cho ngoại giao chỉ diễn ra sau khi quân đội Nga bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine.

Điện Kremlin khẳng định Mỹ không báo Nga về việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine: Washington đã không thông báo cho Moscow về bất kỳ kế hoạch nào nhằm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa cho Ukraine, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay. Trước đó, AP và CNN đưa tin Tổng thống Biden đang có kế hoạch thông báo về việc vận chuyển tên lửa đất đối không cho Ukraine, còn được biết tới là NASAMS cùng với đạn dược đi kèm.

Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: Raytheon

Mỹ có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Ba Lan: Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở Ba Lan trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO trong tuần này. Theo kế hoạch này, thêm hàng trăm binh sỹ Mỹ có thể sẽ đồn trú ở Ba Lan với khoảng thời gian dài hơn.

Hungary không muốn thảo luận về lệnh cấm khí đốt Nga với EU: Hungary không có kế hoạch thảo luận với các quốc gia khác về lệnh cấm khí đốt Nga bởi biện pháp hạn chế này sẽ phá hủy nền kinh tế, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhận định.

Ukraine đau đầu giải bài toán khó trong cuộc chiến với Nga ở Donbass: Trong cuộc chiến ở Donbass, nay gần như trở thành cuộc đọ sức giữa pháo binh của Nga và Ukraine, cho tới gần đây, Ukraine chủ yếu dựa vào đạn pháo thời Liên Xô cho các loại pháo chiếm phần lớn kho vũ khí của họ. Hiện số lượng đạn pháo này đang thiếu hụt nghiêm trọng và Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây thay thế các loại pháo trên bằng những hệ thống sử dụng đạn pháo của NATO. Tuy nhiên, những vũ khí này đang được vận chuyển với tốc độ chậm hơn nhiều so với nhu cầu của Ukraine.

Nga cảnh báo NATO tấn công Crimea sẽ dẫn đến Thế chiến thứ ba: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, bất kỳ sự xâm phạm nào trên bán đảo Crimea của một quốc gia thành viên NATO có thể dẫn đến việc tuyên chiến với Nga và nổ ra Thế chiến thứ ba. Ông cũng nhận định, các đối thủ của Nga cho rằng Moscow phải cúi đầu hoặc nền kinh tế sẽ sụp đổ nhưng điều này không xảy ra.

Khả năng Nga có thể kiện phương Tây vì bị ép vỡ nợ: Điện Kremlin khẳng định bất cứ tuyên bố nào về việc Nga vỡ nợ đều là “bất hợp pháp” vì quốc gia này có đủ ngoại tệ và đang cố gắng thanh toán các khoản nợ.

Nga mở rộng trừng phạt, nhằm vào phu nhân và con gái Tổng thống Mỹ Biden: Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/6 mở rộng danh trách trừng phạt đối với Mỹ, đưa thêm 25 người vào danh sách này trong đó có phu nhân và con gái Tổng thống Joe Biden. “Để đối phó với các lệnh trừng phạt ngày càng mở rộng của Mỹ nhằm vào các nhân vật chính trị và công chúng Nga, 25 công dân Mỹ bị đưa thêm vào danh sách trừng phạt của Nga”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Quân đội Nga lên tiếng về cáo buộc tấn công trung tâm mua sắm ở Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ chỉ không kích kho đạn dược Kremenchug ở Ukraine và vụ tấn công gây ra cháy tại trung tâm thương mại đã đóng cửa nằm gần đó.

Nhà Trắng nghi ngờ khả năng Ukraine giành lại tất cả lãnh thổ từ Nga: Nhà Trắng đang mất niềm tin vào việc Ukraine sẽ giành lại những vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay ngày 28/6. Các cố vấn cho Tổng thống Joe Biden đang bắt đầu tranh luận về việc liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có nên thay đổi định nghĩa về "chiến thắng" cũng như có nhất trí với kịch bản Ukraine sẽ bị thu hẹp hay không và chấp nhận thực tế này như thế nào. Dù vậy, các quan chức này nhấn mạnh với CNN rằng những đánh giá này không có nghĩa là Mỹ sẽ gây sức ép buộc Ukraine phải đưa ra những nhượng bộ chính thức về lãnh thổ.

Báo Mỹ nhận định, Nga đạt vị thế tốt sau 4 tháng xung đột, Ukraine đối mặt kịch bản xấu: CNN nhận định rằng các lực lượng Nga đang có sức chiến đấu mạnh mẽ nhất kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây 4 tháng.

G7 ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc hối thúc Nga rút quân khỏi Ukraine: Các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với Nga để Moscow dừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tuyên bố chung của G7 đưa ra ngày 28/6 tại Đức cho hay. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với Nga để nước này tuân thủ ngay lập tức mệnh lệnh mang tính ràng buộc pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế ngày 16/3/2022 và tuân theo các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để dừng các hành động gây hấn quân sự, đồng thời rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraine", tuyên bố chung cho hay.

Điều kiện của Nga để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine: "Phía Ukraine có thể chấm dứt tất cả điều này trước khi kết thúc ngày hôm nay nếu ra lệnh những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng như các binh lính Ukraine hạ vũ khí và đáp ứng tất cả yêu cầu của Nga. Sau đó mọi thứ sẽ kết thúc trước khi hết ngày", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay ngày 28/6 khi nhận định về bình luận của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng nhà lãnh đạo Ukraine muốn các hành động chiến tranh chấm dứt trước khi mùa đông tới. Khi được hỏi liệu phía Nga có đưa ra bất kỳ khung thời gian nào để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt hay không, ông Peskov đã trả lời rằng: "Không"./.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-286-post953201.vov