Điện Biên: Có hay không việc trâu thành nghé, bò hóa bê?

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành tại Quyết định 1722/QĐ - TTg ngày 2/9/2016 được coi là một quốc sách đầy nhân văn. Mục đích của chương trình nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo. Tuy nhiên quá trình trình triển khai CTMTQG này tại Điện Biên thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong mảng mục cung cấp trâu, bò giống cho dân.

Dân kêu!

 Ông Lò Văn Dưỡng với con “bò” được cấp phát theo CTMTQG. (Ảnh Đơn Thương)

Ông Lò Văn Dưỡng với con “bò” được cấp phát theo CTMTQG. (Ảnh Đơn Thương)

Hiện việc cung cấp con giống thuộc hạng mục gia súc trong đó có trâu, bò thuộc CTMTQG của tỉnh Điện Biên đang được thực hiện tại các huyện như Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên…Theo quy định, các hộ thuộc diện nghèo sẽ được hỗ trợ 12 triệu đồng/1 con giống; hộ cận nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 con giống, hộ xóa nghèo được hỗ trợ 8 triệu đồng/1 con giống.

Trước đây, để người dân thuộc diện trên chủ động, các hộ được bình xét và xếp loại sẽ trực tiếp nhận tiền sau đó đi tìm con giống để mua cho gia đình. Sau, do nguồn giống cạn kiệt và do sự phân cấp trực tiếp về địa bàn nên các xã, huyện thuộc diện hưởng lợi của CTMTQG đã liên kết với các doanh nghiệp có khả năng khai thác con giống để kết hợp mua trâu, bò về cho các hộ dân.

Và kể từ khi có sự liên kết này, nhiều bất cập đã nảy sinh, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề con giống không đảm bảo trọng lượng và chất lượng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có 4 doanh nghiệp liên kết với các xã để khai thác con giống cho dân. Trong 4 doanh nghiệp này thì doanh nghiệp có tên Ngọc Sơn đang trở thành nhà cung cấp con giống với phạm vi khá rộng và đây cũng là doanh nghiệp đang mang lại sự kêu ca cho dân nhiều nhất.

Tính đến thời điểm này, huyện Mường Ảng đã hỗ trợ 472 con trâu, bò cái sinh sản cho 472 hộ. Trong đó, hộ nghèo 348 hộ; hộ cận nghèo 80 hộ; hộ mới thoát nghèo là 44 hộ.

Cũng theo lãnh đạo huyện, hiện nay đã tiến hành cấp hỗ trợ xong, kinh phí thực hiện 5.312,6 triệu đồng, đang tiến hành giải ngân. Xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) là một trong những xã đang được hưởng thụ CTMTQG. Ẳng Cang là xã có nhiều đồng bào Thái sinh sống và hiện tại xã còn 51% hộ nghèo.

Trong năm 2018 này, xã được hỗ trợ 841 triệu đồng để mua 72 bò cái sinh sản cấp theo CTMTQG cho 64 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo và 5 hộ thoát nghèo. Thời gian trao bò cho dân chưa lâu nhưng hiện nay đã có nhiều bức xúc đang được mang đến.

Gia đình ông Lò Văn Dưỡng, bản Huổi Sữa Cuông, xã Ẳng Cang hiện có 3 nhân khẩu vốn là hộ nghèo của xã. Ông Dưỡng cũng vừa nhận 1 bò sinh sản từ CTMTQG nhưng ông không được vui lắm.

Theo ông Dưỡng, bò cái sinh sản nhà ông nhận từ CTMTQG do công ty Ngọc Sơn cung cấp thực ra không phải là bò mà phải gọi nó là bê mới đúng.

Cũng theo ông Dưỡng, bò nhận từ CTMTQG sau khi đem về nuôi thì theo quy định chỉ khoảng 3 - 6 tháng sau phải sinh sản được.

Tuy nhiên con “bò” ông nhận đợt này phải nuôi nó thêm 3 năm nữa mới có khả năng làm mẹ. Ngoài trọng lượng nhỏ hơn so với quy định, ông Dưỡng còn bức xúc thêm về tình trạng về bệnh tật từ con giống được trao.

Ông Dưỡng cho biết, con giống được nhận về, mất nhiều thời gian đã không ăn cỏ, kết hợp với đó là xuất hiện tiêu chảy. Để cứu con giống, ông đã phải nhờ đến cán bộ thú y tiêm và chăm sóc mãi mới khỏi.

Cũng giống như tình cảnh ông Lò Văn Dưỡng, gia đình ông Lò Văn Ninh cũng thuộc gia đình nghèo và nhận bò từ CTMTQG trong năm 2018 do công ty Ngọc Sơn cung cấp. Nhưng theo ông Ninh, bò nhận từ CTMTQG của Ngọc Sơn trọng lượng chỉ bằng khoảng 60% -70% so với con giống cùng loại trên thị trường.

Tương tự Mường Ảng, huyện Điện Biên cũng là nơi có nhiều hộ gia đình nghèo sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện Điện Biên thống kê năm 2018 còn có tới 21,25%. Năm 2018, trong 22 xã hiện có của huyện Điện Biên đã có 267 trâu bò sinh sản được cấp phát cho dân.

Tại huyện Điện Biên, tính đến thời điểm này, ngoài các doanh nghiệp cung cấp trâu, bò thì Doanh nghiệp Ngọc Sơn đang có địa hạt “phủ sóng” mạnh nhất. Nhưng việc mang và cung cấp con giống cho dân tại đây cũng đang nổi lên rất nhiều vấn đề mà trong đó tựu chung lại vẫn là bức xúc của dân về chất lượng con giống.

Là 1 trong các gia đình nhận giống từ CTMTQG đợt này, tuy đã sau gần 3 tháng nhận trâu sinh sản nhưng hộ gia đình ông Lò Văn Tranh, bản Lán Yên, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên vẫn chưa hết bức xúc.

Theo gia đình ông Tranh, trâu, bò các hộ dân nhận từ Doanh nghiệp Ngọc Sơn cũng không thể gọi là trâu mà phải gọi nó là nghé. “Trâu” do doanh nghiệp này cung cấp cho các hộ dân ở đây cũng bé hơn một cách bất thường.

Theo ông Lò Văn Tranh, cách bàn giao trâu bò ở đây cũng hết sức đặc biệt, gây nên sự không công bằng. Ở nhiều nơi khác, trâu bò do doanh nghiệp chở về có đánh số thứ tự và tiến hành bốc thăm. Tuy to nhỏ không đồng đều nhau nhưng như thế dân cũng cảm thấy bằng lòng.

Tuy nhiên, đợt bàn giao trâu cho các hộ dân ở đây lại được Doanh nghiệp Ngọc Sơn tiến hành bằng cách chở đến, rồi gọi dân ra nhận. Vì cách phân chia con giống hết sức đặc biệt này nên mạnh ai người nấy nhảy vào nhận phần của mình.

Người khỏe thì nhận được con to, người yếu thì nhận được con nhỏ. Ngay như gia đình ông Lò Văn Tranh, vì già yếu nên chỉ nhận được con bé nhất đàn, đem về nuôi mãi mới lớn.

Cũng với bức xúc như gia đình nhà ông Tranh, gia đình nhà ông Lò Văn Khụt cũng không bằng lòng với cách cung cấp con giống của Doanh nghiệp Ngọc Sơn.

Theo ông Khụt, trâu giống do doanh nghiệp này cung cấp chỉ gọi là nghé vì nó bé hơn rất nhiều với các con cùng giá trên thị trường.

Lãnh đạo nói gì?

Hộ gia đình ông Lò Văn Tranh bức xúc sau khi nhận trâu giống do công ty Ngọc Sơn cung cấp (Ảnh Đơn Thương)

Trao đổi về tình trạng con giống có dấu hiệu không đạt chất lượng và trọng lượng trên địa bàn, một cán bộ Phòng Nông nghiệp (xin được giấu tên) huyện Mường Ảng cũng tỏ ra bức xúc.

Vị cán bộ này cho biết, trong các doanh nghiệp hiện đang cung ứng giống gia súc trong đó cụ thể là trâu, bò thì Doanh nghiệp Ngọc Sơn đang có nhiều vấn đề nhất.

Ngoài các xã mà doanh nghiệp này cung cấp thì ngay tại xã Mường Lạn, mới đây Doanh nghiệp Ngọc Sơn đã phải chở cả xe trâu, bò về do chất lượng thấp, không đạt quy định và bị dân phản đối.

“Do phân cấp, phân quyền và phân sự chủ động về cho xã nên Phòng Nông nghiệp chỉ là người liên quan hỗ trợ dân, xã mà không có chức năng gì trong việc mua bán cũng như chất lượng của con giống.

Nhiều lần cán bộ, nhân viên chúng tôi bức xúc, có ý kiến với doanh nghiệp này thì bị doanh nghiệp mang lãnh đạo cấp trên ra dọa…” - vị cán bộ này cho biết thêm.

Trao đổi thêm về bức xúc của dân cũng như chất lượng con giống thuộc CTMTQG, ông Đỗ Thái Mỹ - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Vì phân cấp phân quyền cho xã nên việc xã hợp tác với doanh nghiệp thế nào chúng tôi cũng không nắm được vì không được tham gia. Nhưng theo dư luận của dân về chất lượng con giống, đặc biệt tình hình quản lý bệnh tật cũng như nguồn gốc của con giống là có thật.

Cũng theo ông Mỹ, nguyên tắc khi khai thác và vận chuyển con giống thì phải đảm bảo về hồ sơ con giống như nguồn khai thác, đã tiêm phòng các loại bệnh tật gì… Tuy nhiên vì sự phân cấp trên nên hiện tại Chi cục thú y cũng là người ngoài cuộc.

Để chủ động ứng phó với bệnh tật lây lan từ nơi khác chuyển đến, Chi cục thú y cũng chỉ biết làm văn bản gửi đến các địa phương trong tỉnh để phối hợp xử lý.

Gần đây nhất, trước bất cập về việc cung cấp giống trâu bò theo CTMTQG, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đã có Văn bản mang số 2850/SNN -TY ngày 18/10/2018.

Văn bản này đã nêu rõ: Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định hiện hành như: Thu gom, nhập giống vật nuôi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác vào địa bàn và hợp thức hóa con giống tại địa phương để bỏ qua các thủ tục kiểm dịch cấp cho dự án, mô hình…

Để rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã đem những bất cập trên tới trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên. Ông Đô cho biết: Hiện UBND tỉnh đang giao cho một phó chủ tịch phụ trách vấn đề này đi khảo sát đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong đó có CTMTQG, gồm cả cây con giống.

“Hiện đồng chí ấy đã đi được các huyện như Tuần Giáo, Tủa Chùa và tới là các huyện khác. Sau đợt đi này, chúng tôi sẽ có báo cáo đánh giá cụ thể về vấn đề này” - ông Đô nhấn mạnh.

Việc doanh nghiệp cung cấp con giống thuộc CTMTQG có dấu hiệu không đạt chất lượng trên địa bàn tỉnh Điện Biên như kiến nghị của người dân sẽ thế nào? Rất mong các cơ quan ban ngành tỉnh Điện Biên sớm có câu trả lời để giải tỏa bức xúc cho dân và đưa CTMTQG - Một chương trình có ý nghĩa với dân nghèo đạt hiệu quả tốt nhất.

Đơn Thương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/dien-bien-co-hay-khong-viec-trau-thanh-nghe-bo-hoa-be-47789