Diễn biến mới nhất về nghi án đạo thơ: Ai đã đạo của ai?

Liên quan tới vụ lùm xùm 'nghi án đạo thơ' của Nguyễn Thị Thanh Long với hai nhà thơ Lê Huy Mậu và Thy Minh, Ban Kiểm tra của Hội Nhà văn TP.HCM đã đưa ra những ý kiến của mình.

Nhà văn Trần Nhã Thụy và hai bài thơ trong nghi án đạo thơ - Ảnh ghép: T.V

Trước nghi án tác giả Nguyễn Thị Thanh Long (NTTL) người vừa được giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM đạo thơ của 2 nhà thơ Lê Huy Mậu (LHM) và Minh Thy, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có buổi trao đổi với nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP.HCM để làm rõ vấn đề này.

Nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP.HCM

Nhà thơ Trần Nhã Thụy cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, Ban Kiểm tra (BKT) đã vào cuộc: “Chúng tôi chủ động liên hệ với nhà thơ LHM, mong ông trình bày sự việc cụ thể. Qua email, nhà thơ LHM gửi văn bản bài thơ Chiều cuối năm, kèm những dòng bộc bạch: “Anh gửi em (tức nhà văn Trần Nhã Thụy) bài thơ Chiều cuối năm, đã in trong tập thơ Bốn giọt nước của anh, bài mà anh cho là giống bài thơ Những ký âm ngân của NTTL và đây đoạn viết trong FB của anh về trường hợp tập thơ được giải (đính kèm stt trên FB). Chuyện đáng tiếc, nếu như tập thơ không vào giải thì anh cũng quên chuyện này, còn bây giờ thì tùy BCH Hội Nhà văn TP.HCM, anh không có ý kiến gì!”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy nói tiếp: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ nhà thơ LHM, chúng tôi liên lạc với nhà thơ NTTL để yêu cầu trình bày xung quanh chi tiết chị xin lỗi nhà thơ LHM thì chị cho biết: “Buổi chiều hôm đó, tôi đang trong bệnh viện chăm người em thì có một nhà báo gọi điện tới hỏi về chuyện bài thơ của tôi, đặt nghi vấn giống bài thơ của anh LHM. Lúc đó trong bệnh viện quá ồn, tôi nói để khi về nhà sẽ gọi lại. Lúc về nhà, trong tâm trạng lo lắng, tôi có gọi cho anh LHM nói rằng: “Thưa anh, có một nhà báo gọi cho em về “nghi án đạo thơ”. Trước đến nay, em vẫn luôn coi anh là bậc đàn anh đi trước. Nếu như trong một bài nào đó có câu chữ nào của thơ em trùng hợp với thơ anh thì cũng là chuyện ngẫu nhiên, chứ không cố ý! Mong anh thông cảm và cho em xin lỗi”.

Nhà thơ NTTL cũng cho biết lúc gọi cho nhà thơ LHM chị cũng chưa kịp xem lại hai văn bản thơ, nhưng khẳng định mình không cố tình đạo thơ LHM.

“Đối chiếu hai văn bản thơ, theo nhận định của chúng tôi thì hai bài thơ có hai câu chuyện, bối cảnh, tứ thơ… khác nhau. Dấu vết thấy rõ nhất là hai chữ “ký âm” và “cộng sinh”, “liều thuốc nhiệm màu”… Nhiều khả năng tác giả đã đọc bài thơ này, bị lây lan cảm hứng, và sáng tác ra một bài thơ khác, trong đó “vay mượn” rõ nhất là tứ và chữ “những ký âm”. Nhưng thật khó để nói đây là vụ đạo thơ. Hay nói cách khác nói đây là đạo thơ thì quá nặng nề” – nhà văn Trần Nhã Thụy nhận định.

Trong khi “nghi án đạo thơ” chưa được phía Hội Nhà văn TP.HCM giải quyết rốt ráo để đưa ra kết luận cuối cùng thì vào ngày 12.1.2018, nhà thơ Nguyên Hùng (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) đã nhắn tin cho nhà văn Trần Nhã Thụy và cung cấp thông tin về một vụ được cho là đạo thơ. Theo thông tin nhà văn Nguyên Hùng cung cấp thì nhà thơ NTTL từng có hành vi đạo thơ của tác giả Thy Minh. Cụ thể, một bài thơ Khúc dịu buồn – nắng gió cao nguyên của NTTL gần như copy nguyên xi bài thơ Khúc thiếu phụ của Thy Minh.

“Khi nhận được tư liệu của nhà thơ Nguyên Hùng, chúng tôi nhờ anh cung cấp số điện thoại của nhà thơ Thy Minh, nhưng anh cho biết mình không có, chỉ biết tác giả hiện đang sống ở nước ngoài. Qua một ngày tìm hiểu, chúng tôi biết Thy Minh hiện đang sống ở Canada, và là một người đã xuất gia.

Hai bài thơ của Nguyễn Thị Thanh Long và tác giả Thy Minh

Ngày 13.1.2018 nhà văn Trần Nhã Thụy đã liên lạc với nhà thơ Thy Minh để tìm hiểu về nghi án đạo thơ mới này. Đến ngày 15.1, nhà thơ Thy Minh phản hồi qua email và xác nhận rằng bài thơ Khúc thiếu phụ buồn do chính mình sáng tác vào năm 2008 và được đăng trên báo Hạ Long. Cách đây 2 năm nhà thơ Thy Minh đã vô tình đọc được bài thơ của mình đăng trên một trang điện tử với tên gọi Khúc thiếu phụ. Nhận thấy nội dung có nhiều điểm giống bài thơ của mình, nhà thơ Thy Minh đã yêu cầu nhà thơ NTTL xin lỗi và xóa bỏ bài thơ này, nhà thơ NTTL đã thừa nhận và gửi lời xin lỗi đồng thời hứa sẽ xóa bỏ bài thơ khỏi trang. Tuy nhiên nhà thơ NTTL đã…thất hứa".

“Vì tôi đã xuất gia tu hành, không muốn tổn hại danh dự của Thanh Long cho nên không làm lớn chuyện nầy. Nhưng có nói qua câu chuyện nầy với nhà thơ Dung Thi Van làm bằng chứng, ngại ngày sau có hệ lụy đến tôi. Tôi nghĩ tha thứ là cách bố thí lớn nhất của đời người, cho nên tôi đã tha thứ và bỏ qua gần 2 năm… Sau hai năm mọi người phát giác ra bài thơ khác mang tên Khúc dịu buồn” - nhà thơ Thy Minh nói.

Tuy nhiên nghi án đạo thơ không dừng lại ở đây. Ở một diễn biến có liên quan. Một nhà thơ có tên là Nguyễn Vĩnh (Hội VHNT Phú Thọ) xác nhận rằng ông mới chính là tác giả của bài thơ nói trên. Ông Nguyễn Vĩnh khẳng định: “Không có chuyện Thanh Long đạo thơ đâu, vì chính tôi là người tặng bài thơ Người đàn bà thơ cho cả Thanh Long và Thy Minh. Họ là những người đàn bà làm thơ nên tôi viết thơ tặng cho họ. Tôi chưa từng gặp Thy Minh ngoài đời lần nào, chỉ gặp qua điện thoại và nhắn bài thơ qua điện thoại. Còn với Thanh Long thì có gặp ngoài đời, vì Thanh Long vốn quê Phú Thọ. Tôi cũng từng nói nếu cô ấy thích bài thơ ấy thì cứ dùng như của mình…” – nhà thơ Nguyễn Vĩnh khẳng định.

Qua những diễn biến quá phức tạp ở trên thì rõ ràng cho đến nay nghi án đạo thơ vẫn đi vào mịt mùng chưa rõ thực hư như thế nào. Các tác giả vẫn còn sống và có thể lên tiếng để đối chất. Riêng nhà thơ Nguyễn Vĩnh cho biết mình sẵn sàng lên tiếng với bất cứ nhà báo nào, vì đây là bài thơ do chính ông sáng tác, từng có chỉnh sửa đăng trên tờ Văn nghệ Việt Trì số 41. Tuy nhiên về thời gian sáng tác bài thơ, ông Nguyễn Vĩnh không xác nhận được, ông chỉ cho biết là “lâu lắm rồi” (!)

Đối chiếu cả 3 văn bản thơ thì thấy đây quả là “chị em sinh ba”. Vậy có thật ông Nguyễn Vĩnh đã tặng thơ cho NTTL và Thy Minh? Hay còn ẩn khuất nào khác?

Xung quanh nghi án đạo thơ này, vào ngày 17.1.2018, nhà văn Trần Nhã Thụy đã có văn bản trình lên BCH Hội Nhà văn TP.HCM, đồng thời cũng đưa ra những “kết luận” tạm thời như sau:

1/ Dựa trên văn bản hai bài thơ Những ký âm ngânChiều cuối năm, có thể suy đoán nhà thơ NTTL từng đọc và ảnh hưởng thơ Lê Huy Mậu, nhưng để kết luận đạo thơ thì quá nặng nề, chưa thỏa đáng.

2/ Văn bản bài thơ Khúc dịu dàng-nắng gió cao nguyên của NTTL có nhiều câu thơ đoạn thơ giống hệt bài Khúc thiếu phụ của nhà thơ Thy Minh.

Nhưng cũng xin nói rõ bài thơ này chỉ đăng trên mạng TranNhuong.com và trên trang fb cá nhân của NTTL, hoàn toàn chưa đăng trên bất kỳ một ấn phẩm nào, dĩ nhiên là không có trong tập thơ Những ký âm ngân –tập thơ được xét tặng thưởng. Đây không phải là bài thơ do NTTL tự sáng tác mà do ông Nguyễn Vĩnh “tặng bản quyền” (?).

Xét trên văn bản và thời điểm công bố, bài thơ của NTTL có sau bài thơ Thy Minh, nhưng NTTL cho rằng mình không đạo thơ Thy Minh mà sử dụng văn bản thơ của ông Nguyễn Vĩnh.

Đến đây, chúng tôi chưa thể kết luận ai đạo thơ của ai, bởi chưa xác định văn bản nguồn. Có hay không khả năng ông Nguyễn Vĩnh “mượn” bài thơ của Thy Minh tặng cho NTTL??? Chưa có câu trả lời cuối cùng vì tác giả Thy Minh chưa lên tiếng.

3/ Nhà thơ Nguyễn Vĩnh khẳng định bài thơ trên vốn có tựa gốc là Người đàn bà thơ, do ông sáng tác và tặng cho Thy Minh lẫn NTTL. Ông Nguyễn Vĩnh tự chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

Hội Nhà văn TP.HCM kết luận về vụ "đạo thơ" và giải thưởng gây tranh cãi

Vào sáng 18.1.2018, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM đã họp đột xuất để xem xét xử lý vụ việc phát sinh sau khi công bố kết quả Giải thuởng Văn học năm 2017. Sau đây là kết luận chính thức do Chủ tịch Trần Văn Tuấn thay mặt Ban Chấp hành Hội ký cùng ngày.

1. Hội đồng chung khảo đã có sai sót khi thực hiện quy trình xét giải. Tuy đã có khắc phục (họp lại với Hội đồng Thơ để Hội đồng Thơ góp ý và thông qua hai tác phẩm: Thơ trắngNghi lễ của ánh sáng được tặng thưởng, số phiếu 3/5) nhưng sự chậm trễ này đã gây ra hiểu lầm về sự tôn trọng. Hội đồng chung khảo nhận thức sai sót này cần được rút kinh nghiệm để điều chỉnh quy trình chặt chẽ hơn cho việc xét giải thưởng cho năm 2018.

2. Về việc nhà thơ Trần Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng Thơ xin rút khỏi Hội đồng Thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn chưa chấp thuận, đề nghị nhà thơ Trần Hữu Dũng suy nghĩ lại.

3. Về nghi án đạo thơ của tác giả Nguyễn Thị Thanh Long, Ban Chấp hành đồng ý với kết luận của Ban Kiểm tra:

a. 2 bài thơ của Lê Huy Mậu và Nguyễn Thị Thanh Long: Bài thơ Những ký âm ngân của Nguyễn Thị Thanh Long có chịu ảnh hưởng của bài thơ Chiều cuối năm của Lê Huy Mậu.

b. Bài thơ Khúc dịu dàng nắng gió cao nguyên (không có trong tập Những ký âm ngân) của Nguyễn Thị Thanh Long có nhiều câu thơ, đoạn thơ giống hệt bài Khúc thiếu phụ của Thy Minh. Ban Chấp hành kết luận: Đây là việc làm sai trái, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc.

4. Ban Chấp hành chấp thuận đơn xin rút khỏi tặng thưởng của 2 tác giả: La Mai Thi Gia và Nguyễn Thị Thanh Long.

5. Ban Chấp hành đồng ý đơn xin rút khỏi Ban Kiểm tra của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long.

Như vậy, kết quả Giải thưởng Văn học năm 2017 của Hội Nhà văn TP.HCM chỉ còn lại: 1 giải thưởng chính thức và 7 tặng thưởng.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/dien-bien-moi-nhat-ve-nghi-an-dao-tho-ai-da-dao-cua-ai-80438.html