Điện Biên: Nỗ lực thực hiện Luật Nuôi con nuôi và bảo vệ trẻ em

Qua 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế tại tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em, được sống, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình an vui.

Điện Biên là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ dân trí thấp, hơn nữa một số dân tộc còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu nên việc nhận nuôi con nuôi rất phức tạp. Do đó, việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tư pháp, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn đến UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn triển khai các quy định về thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay; Sở Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai, thực hiện Luật Nuôi con nuôi; Quyết định 367/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Đề án Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế… đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết: tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện, điển hình như: Công tác xác minh nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi hoặc thông báo trẻ có nhu cầu tìm gia đình thay thế; trách nhiệm việc tiếp nhận, chăm sóc, bảo vệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bỏ rơi cũng như phối hợp giải quyết đăng ký nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài cho những trẻ đang sống ở các cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương trong việc thẩm tra, xác minh giải quyết hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi và giám sát, quản lý quan hệ nuôi con nuôi sau khi đăng ký… Qua đó, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về nuôi con nuôi hiệu quả, đúng quy định, giúp mọi trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình và có điều kiện phát triển tốt nhất.

Ông Phạm Đình Quế chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện chúng tôi ưu tiên công tác tuyên truyền, nhất là việc phổ biến giáo dục pháp luật về nuôi con nuôi được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh… triển khai tới các cơ quan, đơn vị, các tổ chức bảo trợ xã hội, làng trẻ SOS trên địa bàn. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền còn được lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của các tổ chức hội, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, đến xã hoặc tuyên truyền thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ... Với cách làm đó, nhận thức về pháp luật của người dân từng bước được nâng lên, ý thức chấp hành tốt, người dân tự giác đến đăng ký với cơ quan nhà nước khi phát sinh quan hệ nuôi con nuôi. Mặt khác, việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động quản lý nhà nước về nuôi con nuôi luôn được quan tâm.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nuôi con nuôi, công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng. Hàng năm, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở Tư pháp đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác tư pháp, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra công tác nuôi con nuôi. Nhờ đó, việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi trên địa bàn được triển khai, thực hiện nghiêm túc, tạo mọi điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh yếu thế được sống trong môi trường gia đình lành mạnh.

Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, công tác nuôi con nuôi tại 130/130 xã, phường, thị trấn ở tỉnh miền núi biên giới Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực và được thực hiện đúng quy định. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân không ngừng được nâng lên, tự giác đến các cơ sở thực hiện các thủ tục đăng ký khi phát sinh quan hệ nuôi con nuôi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc đăng ký nuôi con nuôi tại các địa phương được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, tự nguyện, bảo đảm trẻ em khi nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình và đủ điều kiện phát triển về mọi mặt. Trong đó, trẻ em có quyền được khai sinh, được thay đổi tên, thay đổi cha mẹ, được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, được hòa nhập trong môi trường gia đình mới.

Quốc Định

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/dien-bien-no-luc-thuc-hien-luat-nuoi-con-nuoi-va-bao-ve-tre-em-576533.html