Điện Biên Phủ: Kể chuyện ở thời bình

.Câu chuyên được kể ở Hà Nội vào những ngày tháng bình yên sau 65 năm trận chiến 'chấn động địa cầu'. Các diễn giả đều không phải là nhân chứng sống của lịch sử, họ không nhắc lại những điều đã quen thuộc về chiến thắng Điện Biên Phủ. Họ là những người tiếp tục 'chép sử' dưới những góc nhìn riêng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - trận chiến huyền thoại đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc thực dân Pháp đã trở thành đề tài nghiên cứu lịch sử từ những năm 2000 cho rất nhiều học giả Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, “làm thế nào để kể chuyện Điện Biên Phủ cho ngày nay?” là câu hỏi cũng như trăn trở thường trực của nhà thơ-tiểu thuyết gia Pháp gốc Cameroon Marc-Alexandre Oho Bambe, Giáo sư Pierre Journoud giảng dạy lịch sử đương đại tại Trường Đại học Paul- Valéry Montpellier, Giáo sư Laurence Campa tại Trường Đại học Paris Nanterre, hay nhà báo, học giả Đào Thanh Huyền...

Bộ đội Việt Nam vẫy cờ trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp trong chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu)

“Hãy kể giản dị nhất”

Đam mê đề tài lịch sử, nhà báo Đào Thanh Huyền chính là tác giả của cuốn sách Lời bộ đội, Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội 1972-2012, đặc biệt là đồng tác giả của Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009.

Với cuốn sách này, bà đã cùng các tác giả khoác ba lô, lặn lội ngược xuôi khắp Việt Nam để gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện lần đầu tiên được kể của hàng trăm nhân chứng lịch sử là các cán bộ sĩ quan chỉ huy các cấp, những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, y tá, thầy thuốc, nhà văn, nhà báo, văn công, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... Trong những câu chuyện ấy, người ta đều có thể nhìn thấy những hình ảnh sống động của chiến trường xưa nhưng mỗi nhân chứng lại có một cách kể dung dị khác nhau. Họ tái hiện ký ức theo một cách riêng như các nhân xưng “tôi” chứ không phải chúng tôi”…

Đào Thanh Huyền nhớ mãi chia sẻ chân thành của một cựu chiến binh ở Bắc Giang. Khi nói về danh hiệu Anh hùng của mình, ông chỉ khiêm tốn cho rằng động lực khiến ông có thể đào hầm trên đồi A1 chỉ đến một cách tự nhiên bởi ông vốn là nông dân và trong gia đình có rất nhiều người bị thực dân Pháp giết chết, chứ không phải do một nguồn sức mạnh phi thường nào đó. Trong việc nghiên cứu, thực hiện các dự án, bà cũng quan tâm đến cách truyền tải giản dị nhất về lịch sử cho thế hệ ngày nay bằng những cuốn truyện tranh như Đường hầm dưới chân đồi A1, hay giản đơn hơn là xuất bản những cuốn sách giống như từ điển sống có thể giải thích các khái niệm đơn giản như dân công, kéo pháo, xe thồ là gì…

Các diễn giả tại cuộc tọa đàm mới đây tại Hà Nội.

Ký ức vang vọng từ nơi xa

“Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng, nguồn động lực cho các phong trào đòi giải phóng dân tộc ở các quốc gia châu Phi. Có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ lên quyến định của các phong trào giải phóng dân tộc Algeria. Đó thực sự là một tác động quan trọng, to lớn và là khởi đầu cho sự chấm dứt của chế độ thực dân trên toàn thế giới” – Giáo sư Pierre Journoud.

Có thể nhận thấy lịch sử trận chiến Điện Biên Phủ đang được nhiều học giả, tác gia nước ngoài kể lại theo nhiều cách khác nhau. Và nhà thơ, tiểu thuyết gia trẻ Marc-Alexandre Oho Bambe đã tìm thấy sự cuốn hút riêng đó qua hai tác phẩm xuất sắc về Điện Biên Phủ, trong đó có tiểu thuyết mang tên Điện Biên Phủ xuất bản năm 2018 ngay lập tức đoạt giải Louis Guilloux trong năm.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên và không rõ cơ duyên nào khiến một tác giả trẻ, ra đời sau trận chiến và cách xa Việt Nam vạn dặm lại say mê viết về Điện Biên như vậy. Nhưng Marc-Alexandre Oho Bambe tâm sự, chính những câu chuyện từ người ông từng là lính viễn chinh tham chiến tại Việt Nam và một người bạn Senegal từng là lính bắn tỉa ở Đông Dương… đã giúp anh nhận được tiếng vang vượt qua cả biên giới.

"Điện Biên Phủ" kể về một người lính Pháp đã có mặt trong trận chiến Điện Biên Phủ quyết định trở lại nơi này sau 20 năm trận chiến kết thúc để tìm lại người phụ nữ anh yêu và cũng để tìm lại chính mình. Cuốn tiểu thuyết không chỉ mang đến những thông tin của lịch sử mà còn là những câu chuyện của con người, của những người đàn ông, đàn bà và những đứa trẻ trong cuộc chiến. Marc-Alexandre Oho Bambe luôn nhận thấy có sự đồng cảm đặc biệt giữa ký ức chiến tranh của người ông và những nhân chứng lịch sử của Việt Nam mà anh tiếp xúc. Và qua tác phẩm, anh đã giúp truyền tải đến thế hệ sau cái nhìn đầy đủ nhất về cuộc chiến mà cha ông họ đã từng trải qua.

Câu chuyện không thể kể hết?

Nói về cuộc chiến Điện Biên Phủ, Giáo sư Laurence Campa chuyên về văn học Pháp thế kỷ XX thẳng thắn cho rằng, đề tài này chưa được văn học Pháp quan tâm nhiều. Các nhà văn, chính khách... thường tỏ ra kín tiếng khi nói về cuộc chiến này, nhưng qua thời gian, một số tác phẩm đã có cách tiếp cận vấn đề như "La bataille de Dien Bien Phu" của Jules Roy...

Giáo sư Pierre Journoud.

“Thực tế cho thấy nhiều trí thức khác của Pháp cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc chiến của Việt Nam, nhiều tờ báo Pháp cũng đã tiếp nhận những bản dịch thơ, văn xuôi của văn học Việt Nam, thậm chí chiến thắng Điện Biên Phủ còn khiến nhiều người vui mừng vì chấm dứt được những sai lầm trước đó và nỗi đau của lịch sử”, Giáo sư Laurence Campa nói.

Giáo sư Pierre Journoud cũng cho biết, từ năm 1968 cho đến nay, các nhà sử học, nhà nghiên cứu về Đông Dương đã tìm cách tiếp cận theo những hướng mới với Điện Biên Phủ như lịch sử nghệ thuật quân sự của người Việt trong quá khứ để dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ, tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ tới thế giới... Tuy nhiên, theo ông, họ chưa thể nào kể hết được câu chuyện lớn như trận chiến Điện Biên Phủ.

Là một trong những nhà nghiên cứu có tiếng về Việt Nam, Pierre Journoud từng viết các tác phẩm như De Gaulle et le Vietnam (De Gaulle và Việt Nam), La Réconciliation (Hòa giải), Paroles de Dien Bien Phu. Les Survivants Témoignent (Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng) và Dien Bien Phu. La fin d’un monde (Điện Biên Phủ. Nơi tận cùng thế giới) vừa được ấn hành tháng 4/2019.

Pierre Journoud có cha từng đi lính, dù không trực tiếp tham chiến tại Đông Dương nhưng cha ông đã nếm trải những đau đớn của chiến tranh và luôn chỉ trích chính sách của nước Pháp trong cuộc chiến ở Đông Dương và Việt Nam khi đó. Không chỉ hấp dẫn ở đề tài nghiên cứu, Pierre Journoud còn có tình yêu dành cho Việt Nam và từng thực hiện một chuyến đạp xe xuyên Việt cùng người bạn để làm một bộ phim tư liệu về những địa điểm lịch sử đáng nhớ trong mối quan hệ Việt – Pháp, trong đó không thể thiếu Điện Biên Phủ.

“65 năm đã trôi qua nhưng ký ức về đồng chí, đồng đội đã cùng sát cánh trong những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn vẹn nguyên trong tôi. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người để lại phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên này. Với tôi, qua cuộc chiến vẫn còn đến ngày hôm nay là một sự may mắn, nên dù đã tuổi cao, sức yếu, song tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên vẫn luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng xứng đáng với những người đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con” - ông Nguyễn Hữu Chấp, chiến sĩ của Đại đoàn 312, 84 tuổi.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-bien-phu-ke-chuyen-o-thoi-binh-93850.html