Diễn biến sai phạm vụ đấu giá tại Bình Dương: Nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ

Như Báo PLVN từng phản ánh, trước việc đấu giá dự án KDC Hòa Lân, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương (hơn 1.000 tỉ đồng) để thu hồi vốn mà Agribank chi nhánh Chợ Lớn (TP HCM) cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú vay, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc, có kết luận chính thức, thể hiện có nhiều sai phạm. Tuy nhiên, mức độ sai phạm không chỉ dừng ở việc đấu giá mà còn có dấu hiệu vi phạm ở khâu thu hồi nợ có thể làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Sai phạm đang diễn ra tại vụ đấu giá ở dự án KDC Hòa Lân, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

Sai phạm đang diễn ra tại vụ đấu giá ở dự án KDC Hòa Lân, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

“Nói một đường thực hiện một nẻo”

Theo hồ sơ, trước lúc bán đấu giá dự án, phía Agribank Chợ Lớn cũng như Công ty bán đấu giá đã có thông báo về phương thức thanh toán trong vòng 45 ngày. Nếu không thực hiện đúng thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản. Ngoài ra, người mua tài sản bán đấu giá phải bồi thường thiệt hại cho bên bán đấu giá toàn bộ phí, chi phí bán đấu giá theo quy định…

Đặc biệt, theo Agribank Chợ Lớn, nếu trong thời hạn trả dần, người mua tài sản chậm thanh toán từ 2 lần trở lên thì Agribank Chợ Lớn - nơi cấp tín dụng, xem xét khởi kiện hoặc thu hồi lại tài sản và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng trúng đấu giá, Công ty A Đông Hải (nay đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM) cũng mới chỉ thanh toán được hơn 340 tỷ đồng (chỉ bằng 1/4) so với tổng số tiền trúng đấu giá.

Nếu chiếu theo các cam kết, thỏa thuận và quy định nói trên thì dù trả ngay hay trả dần thì Công ty Kim Oanh TP HCM đã vi phạm (theo kết luận Thanh tra Bộ Tư pháp thì Công ty Kim Oanh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán 4 lần). Thế nhưng suốt thời gian dài, Agribank Chợ Lớn đã thực hiện không đúng với chính những cam kết của mình lẫn quy định của Agiribank Việt Nam, không có bước đi dứt khoát, hữu hiệu nào để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Quá “ưu ái” doanh nghiệp trúng đấu giá?

Tài sản đấu giá trong vụ việc nói trên là tài sản nhà nước, với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Dư luận đặt vấn đề, liệu có “lợi ích nhóm” trong trường hợp này hay không? Vì sao Agribank Chợ Lớn không làm rốt ráo, không nhất quán để tiến hành các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước một cách hiệu quả nhất? Cụ thể, khi quá 45 ngày, phía Công ty Kim Oanh không đóng hết tiền thì buộc phải hủy bán đấu giá để đấu giá lại nhằm tìm được doanh nghiệp đủ năng lực. Hơn nữa, nếu cứ “du di” mãi thì khả năng có tiêu cực, thông đồng, móc ngoặc là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cạnh đó, việc thay đổi từ trả tiền ngay thành trả dần cũng khiến người có tài sản bức xúc. Vì nợ nần mà Thiên Phú đành ngậm ngùi để Agribank Chợ Lớn bán đi dự án của mình mười mấy năm đầu tư. Nhưng dù có “gán” dự án trên thì Thiên Phú cũng chưa hết món nợ khổng lồ với Agribank Chợ Lớn. Bởi theo tài liệu, vào ngày 25/2/2019, Agribank Chợ Lớn thông báo Thiên Phú còn nợ hơn 600 tỷ đồng và giục công ty này phải nhanh chóng trả. Như vậy tổng số tiền mà Thiên Phú nợ Agribank Chợ Lớn (kể cả tài sản đã bán đấu giá) gần 2.000 tỷ đồng. Được biết, hiện nay, Thiên Phú gặp khó khăn, khả năng để Agribank thu hồi tài sản về cho Nhà nước gần như khó có thể nên việc thất thu hơn 600 tỷ đồng hoàn toàn có thể xảy ra.

Dư luận thắc mắc là trong tình huống này, tại sao Agribank Chợ Lớn lại không yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết, tuyên hủy cuộc đấu giá vì thực tế Công ty Kim Oanh đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán? Trong khi đó theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện nếu đem ra bán đấu giá dự án này với số tiền vài ba ngàn tỷ đồng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với Agribank Chợ Lớn để tìm hiểu thông tin nhưng đơn vị cho biết Giám đốc chi nhánh đang chữa bệnh nên không đến làm việc được. Mọi việc đã ủy quyền hết cho cấp phó. Riêng tiếp xúc báo chí thì không ủy quyền nên lúc nào Giám đốc về nếu thấy cần thiết sẽ liên hệ lại với phóng viên. Thế nhưng vừa qua, bà Quách Nguyệt Nga, Giám đốc Agribank Chợ Lớn lại ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương cùng các sở, ngành liên quan đề nghị cho Công ty Kim Oanh làm chủ đầu tư… PV đã liên hệ qua điện thoại với bà Nga thì bà này xác nhận có ký văn bản trên và nói việc ủy quyền theo từng thời điểm rồi tắt máy (!?).

Hoàng Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/dien-bien-sai-pham-vu-dau-gia-tai-binh-duong-nguy-co-that-thoat-hang-tram-ty-444504.html