Diễn biến tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 18/9

Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine trong ngay 18/9.

Phản ứng của Nga sau khi Tổng thống Biden cảnh báo không sử dụng vũ khí hạt nhân: Điện Kremlin đã có phản ứng ngắn gọn khi được hỏi về những cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Nga không nên sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo FH-70 ở khu vực Donbass. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo FH-70 ở khu vực Donbass. Ảnh: Reuters

Trước câu hỏi của CBS News về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Biden đã trả lời rằng "đừng nên làm như vậy" và cho rằng hành động này sẽ "thay đổi bộ mặt chiến tranh không giống bất kỳ điều gì từng xảy ra trong Thế chiến II". Phản ứng trước cảnh báo trên của nhà lãnh đạo Mỹ, người phát ngôn điện Krenlin khẳng định: "Hãy đọc lại học thuyết của Nga. Mọi thứ đều được viết ở đó". Học thuyết hạt nhân của Nga nêu rõ các vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng sau khi có những "hành vi gây hấn tấn công vào nước Nga hoặc đồng minh của Nga bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt" hoặc khi "sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".

Ukraine âm thầm đề nghị Mỹ cung cấp các vũ khí cao cấp: Ukraine đang tiến hành các cuộc đàm phán phía sau hậu trường với Mỹ để yêu cầu Washington cung cấp các vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không Patriot, tiêm kích F-16 và UAV MQ-1C Grey Eagle, Politico đưa tin.

Theo hãng tin này, trong khi Ukraine ngừng đưa ra yêu cầu công khai về việc cung cấp các vũ khí trên thì Kiev vẫn muốn sở hữu chúng để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Các nguồn tin của Politico cho biết, Ukraine và Mỹ "đang thảo luận về việc liệu có cung cấp tất cả 3 loại vũ khí trên hay không khi các thỏa thuận hỗ trợ tài chính dài hạn đang được thông qua" về việc cung cấp các vũ khí mới cho Kiev.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin này, các cuộc thảo luận về việc cung cấp Patriot, F-16, và Gray Eagle chỉ diễn ra ở cấp thấp. Cho tới nay, Mỹ từ chối yêu cầu cung cấp các vũ khí trên, không chỉ vì lo ngại sẽ leo thang căng thẳng với Nga mà còn do những vấn đề bảo trì mà quân đội Ukraine có thể đối mặt khi tiếp nhận chúng.

Các quốc gia Đông Âu ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong EU: Theo công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat), lạm phát ở nhiều quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Hungary... vào tháng 8 năm 2022 tiếp đà tăng và nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong liên minh châu Âu.

Lý do cuộc phản công của Ukraine bứt tốc tại Kharkov nhưng thất bại ở Kherson: Chiến dịch tại Kherson của Ukraine gần như thất bại hoàn toàn vì quân đội nước này bị tổn thất nặng nề do các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo của Nga.

Cựu Ngoại trưởng Romania nói biên giới phi tự nhiên của Ukraine nên được vẽ lại: Các đường biên giới của Ukraine hiện đại là phi tự nhiên và Kiev nên nhượng bộ một số phần lãnh thổ của mình cho các nước láng giềng bởi những vùng lãnh thổ này thuộc về họ một cách hợp pháp, cựu Ngoại trưởng Romania Andrei Marga cho hay.

"Chúng ta đang ở trong một tình huống vô cùng đặc biệt và tôi nghĩ ở Ukraine đang tồn tại những đường biên giới phi tự nhiên. Nước này nên nhượng lại Transcarpathia cho Hungary, Galicia cho Ba Lan, Bukovina cho Romania, cũng như Donbass và Crimea cho Nga".

Quan chức Hungary nói Nga có thể tuyên bố chiến thắng bất kỳ khi nào họ muốn: Chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban - ông Gergely Gulyas nhận định, Nga có ưu thế lớn hơn hẳn so với Ukraine.

Với việc Nga có ưu thế lớn hơn hẳn so với Ukraine, điện Kremlin có thể định nghĩa chiến thắng và tuyên bố các mục tiêu đạt được bất kỳ khi nào họ muốn, ông Gergely Gulyas - Chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary cho hay. Quan chức Hungary cũng nhận định, Ukraine và Nga đều đang ở trong tình thế khó khăn mà cả hai khó có thể thoát ra. Theo ông Gergely Gulyas, "các cơ hội hòa bình hiện nay" đang "ảm đạm" mặc dù Moscow "có ưu thế" trong xung đột và họ có thể định nghĩa chiến thắng cũng như tuyên bố chiến thắng "gần như bất cứ lúc nào".

Nga tuyên bố tấn công quân đội Ukraine ở một số khu vực: Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 17/9 rằng quân đội nước này đã tiến hành một số cuộc tấn công vào các vị trí của lực lượng Ukraine tại một số khu vực, đồng thời cáo buộc Kiev nã pháo gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Các lực lượng của Nga đã tiến hành tấn công vào Kherson, Mykolaiv, Kharkiv và khu vực Donetsk, Bộ Quốc phòng Nga thông báo và cho biết quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công không thành công gần Pravdyne ở Kherson.

Mỹ do dự cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine sau khi Nga cảnh báo lằn ranh đỏ: Các quan chức Lầu Năm Góc đề nghị Nhà Trắng hủy bỏ kế hoạch cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine do lo ngại động thái này có thể leo thang căng thẳng nghiêm trọng với Nga, CNBC News dẫn nguồn tin từ 2 quan chức quân sự cấp cao cho hay.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mối lo ngại về việc cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 như Ukraine yêu cầu. Đây là hệ thống tên lửa có tầm bắn lên tới hơn 300 km và "có thể được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ của Nga".

Tổng thống Belarus nói Mỹ đẩy châu Âu vào cuộc đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine: Mỹ đang đẩy châu Âu vào cuộc đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine với mục đích làm suy yếu Nga và phá hủy Belarus, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhận định ngày 17/9.

"Mỹ đang đẩy châu Âu vào cuộc đối đầu quân sự với Nga trên lãnh thổ Ukraine. Họ không hề che giấu về kế hoạch này. Mục tiêu của họ là làm suy yếu Nga và phá hủy Belarus", ông Lukashenko bình luận, đồng thời cảnh báo "Ukraine sẽ bị san phẳng".

Ấn Độ và Nga sắp sử dụng đồng rupee trong giao dịch thương mại song phương: Ấn Độ và Nga đang gấp rút chuẩn bị để có thể sớm công bố việc sử dụng đồng nội tệ rupee của Ấn Độ trong thanh toán thương mại song phương. Thông tin này do một lãnh đạo của Liên đoàn Các tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) công bố với báo chí tuần vừa qua./.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-189-post956605.vov