Diễn biến trái chiều tại thị trường nông sản ngày 28/11

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên tăng 2,5 US cent tương đương 2,3% lên 1,133 USD/lb, sau khi leo lên mức cao nhất 6 ngày hồi đầu phiên là 1,1435 USD/lb.

Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.645 USD/tấn, đầu phiên giao dịch đạt 1.650 USD/tấn, cao nhất 8 ngày.

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm nhẹ, cùng với xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giảm. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM giảm xuống 156 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 16/11/2018 và giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY xuống 143 JPY/kg. Trong khi, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 85 CNY xuống 10.765 CNY (1.549 USD)/tấn.

Trong khi đó, giá đường thô kỳ hạn giảm, chịu áp lực bởi sản lượng đường Brazil cao hơn so với dự kiến, trong khi cà phê arabica tăng hơn 2% do đồng real Brazil tăng mạnh. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,14 US cent tương đương 1,1% xuống 12,34 US cent/lb, gần mức thấp nhất 7 tuần (12,33 US cent/lb) trong ngày thứ sáu (23/11/2018). Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,7% tương đương 0,8% xuống 336,3 USD/tấn, trước đó trong phiên giảm xuống 336,2 USD/tấn, thấp nhất 12 ngày.

Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ tăng trước thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tại cuộc họp G20 sắp tới.Giá đậu tương kỳ hạn giao sau trên sàn Chicago tăng 13-1/4 US cent lên 8,75-1/2 USD/bushel.

Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tuần này, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – lần đầu tiên – kể từ khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Đầu tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ thông qua các kế hoạch về thuế nhập mới đánh lên 267 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông và Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình không thể đạt một thỏa thuận về thương mại.

Tuy nhiên, các thương nhân cũng đang gặp khó khăn với những vấn đề khác ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung cấp, đó là một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc, đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà tiêu thụ đậu tương lớn.

Bột đậu là một trong những nguồn protein rẻ nhất cho chăn nuôi, và nhu cầu đối với loạt hạt chứa dầu đã được củng cố nhờ khẩu vị của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với thịt, đặc biệt là thịt lợn, ngày càng gia tăng.

Trung tâm thông tin hạt và dầu quốc gia của Trung Quốc cho rằng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011 do dịch tả lợn châu Phi, các chuyên gia phân tích tại Rabobank lưu ý trong tuần này. (Thuế quan đối với đậu tương cũng không hỗ trợ nhiều). Trung tâm ước tính tổng khối lượng nhập khẩu sẽ đạt 90 triệu tấn trong năm nay, giảm từ mức 96 triệu tấn trong năm 2017.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dien-bien-trai-chieu-tai-thi-truong-nong-san-ngay-2811-57684.htm