Điện đàm Trump - Putin lọt vào tầm ngắm điều tra luận tội

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đề cập khả năng mở rộng điều tra luận tội Tổng thống Trump, có thể yêu cầu xem nội dung các cuộc gọi giữa ông và người đồng cấp Nga.

Lấy lý do quan ngại khả năng Tổng thống Donald Trump gây nguy hại cho an ninh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff ngày 29/9 cho biết cơ quan này có thể yêu cầu chính phủ cung cấp nội dung những cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như lãnh đạo nhiều nước khác, theo Reuters.

"Tôi thấy nhu cầu cấp bách vào lúc này là bảo vệ an ninh quốc gia và xem xét liệu khi đối thoại với những nhà lãnh đạo khác, cụ thể là ông Putin, tổng thống có làm suy yếu an ninh đất nước nhằm làm lợi cho chiến dịch tranh cử của cá nhân hay không", ông Schiff trả lời trên NBC.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff ngày 25/9 trả lời họp báo về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Nghi vấn còn nhiều cuộc điện đàm bí mật

Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số tuần qua chính thức khởi động điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump. Trước đó, một nhân vật trong cộng đồng tình báo Mỹ tố giác ông Trump có hành vi khuyến khích chính phủ Ukraine can thiệp vào bầu cử năm 2020.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 7, ông Trump đề nghị Ukraine điều tra tham nhũng đối với Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Joe Biden, liên quan đến vai trò lãnh đạo trong công ty khí đốt Burisma.

Tổng thống Mỹ cũng đề nghị chính quyền Kiev xem xét mối liên hệ giữa nghi án và các hoạt động ngoại giao trong thời gian đương chức của ứng viên đảng Dân chủ.

Theo bản cáo buộc của "người thổi còi", những luật sư Nhà Trắng đã yêu cầu rút nội dung cuộc điện đàm khỏi hệ thống lưu trữ thông thường. Bản ghi điện tử được lưu vào một hệ thống tách biệt, vốn dành cho nội dung mật và đặc biệt nhạy cảm. Những nghị sĩ đảng Dân chủ xem hành động này nhằm mục đích che đậy sai phạm.

"Nếu đối thoại với ông Putin hoặc những lãnh đạo khác trên thế giới cũng được ém nhẹm trong cùng tập tin điện tử dành cho các hoạt động bí mật... nếu có nỗ lực che giấu các cuộc đối thoại đó, chúng tôi quyết tâm phải tìm cho ra", Hạ nghị sĩ Adam Schiff nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tháng 6. Ảnh: Reuters.

Ông Adam Schiff không tiết lộ liệu ủy ban đã có kế hoạch đệ đơn lên tòa án yêu cầu Nhà Trắng cung cấp nội dung những cuộc điện đàm khác hay chưa. Nội dung cuộc điện đàm tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Zelensky được Nhà Trắng chủ động công bố vào tuần qua.

Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng để ngỏ khả năng triệu tập luật sư Rudy Giuliani trình diện trả lời điều trần. Luật sư của ông Trump được cho là nhân vật dẫn đầu nỗ lực vận động chính phủ Ukraine mở lại điều tra tham nhũng nhắm vào cựu phó tổng thống Mỹ và con trai.

Công kích uy tín của "người thổi còi"

Ông Trump ngày 29/9 tiếp tục lên mạng xã hội công kích nỗ lực điều tra luận tội. Tổng thống Mỹ khẳng định ông xứng đáng gặp tận mặt người tố giác mình, cũng như "người cung cấp thông tin trái phép" cho người tố giác.

"Liệu người đó đã DO THÁM tổng thống Mỹ? Hậu họa rất lớn", Tổng thống Trump còn viết trên tài khoản Twitter đòi chất vấn ông Adam Schiff về tội danh "Gian dối và Phản quốc" ở cấp độ cao nhất.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi gọi vụ tố giác là một âm mưu chính trị. Trong khi đó, Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller cáo buộc cuộc điều tra luận tội là một phần âm mưu của "chính phủ ngầm" chống lại tổng thống.

"Tôi biết rõ sự khác biệt giữa một người thổi còi và một điệp viên 'chính phủ ngầm'. Đây là một điệp viên của 'chính phủ ngầm', rõ ràng và đơn giản là vậy", cố vấn Miller khẳng định trên Fox News ông Trump mới là "người thổi còi chân chính" khi yêu cầu Ukraine mở lại điều tra cha con ông Joe Biden.

Cựu cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng Tom Bessert. Ảnh: Getty.

Cuộc điện đàm vào tháng 7 của ông Trump còn khía cạnh khác gây tranh cãi ngoài nội dung về ông Joe Biden và con trai.

Cựu cố vấn an ninh nội địa Tom Bossert, vừa từ chức năm 2018, nói ông "quan ngại sâu sắc" khi tổng thống Mỹ yêu cầu Ukraine điều tra hãng an ninh mạng CrowdStrike. Đây là đơn vị nghiên cứu vụ tấn công hộp thư điện tử của đảng Dân chủ năm 2016, giúp cộng đồng tình báo Mỹ tìm ra mối liên hệ của vụ việc với tin tặc Nga.

Theo nhận định của Bossert, ông Trump có thể đang muốn đề cập lại thuyết âm mưu cho rằng tin tặc Ukraine chứ không phải tin tặc Nga tấn công hộp thư điện tử đảng Dân chủ.

Bê bối của Tổng thống Trump về cuộc điện đàm với lãnh đạo Ukraine được tiết lộ chỉ vài tháng sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hoàn tất điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Ông Mueller kết luận Moscow thực hiện chiến dịch tấn công mạng và tuyên truyền để làm lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng không đưa ra cáo buộc nào nhắm vào tổng thống. Theo Reuters, báo cáo điều tra được công bố vào tháng 4 cho biết không tìm thấy bằng chứng cho thấy có sai phạm hình sự.

Lê Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dien-dam-trump-putin-lot-vao-tam-ngam-dieu-tra-luan-toi-post995916.html