Diễn đàn châu Á Bác Ngao thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực

Các báo cáo tiến hành đánh giá về các nền kinh tế châu Á và hợp tác khu vực, phân tích cải cách mở cửa của Trung Quốc đem lại động lực, sự thay đổi cho châu Á, dự báo triển vọng phát triển của châu Á.

Toàn cảnh một phiên thảo luận của Hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 tại Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Với chủ đề “Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển”, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 diễn ra tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc từ 26-29/3 tập trung xoay quanh 5 nội dung chính gồm: Kinh tế thế giới mang tính mở; Chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực và quản trị thế giới; Động lực của sáng tạo; Phát triển chất lượng cao và Tuyến đầu của điểm nóng. Xoay quanh các nội dung này có hơn 60 hoạt động như đối thoại, hội nghị bàn tròn, đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO).

Diễn đàn đã công bố 4 báo cáo gồm “Báo cáo về sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi năm 2019”, “Báo cáo về tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Á năm 2019”, “Báo cáo về sức cạnh tranh của châu Á năm 2019” và “Báo cáo phát triển tài chính châu Á”.

*Trung Quốc góp phần tạo sự ổn định cho kinh tế châu Á

GDP của Trung Quốc trong năm 2018 tăng 6,6% so với năm 2017, tổng mức tăng này khoảng 8.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1/3 tổng mức tăng trưởng GDP toàn cầu. Báo cáo liên quan cho biết mặc dù áp lực giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc gia tăng nhưng xét về tổng thể nền kinh tế vẫn vận hành ổn định.

Xem xét các tiêu chí tổng hợp như mức tăng trưởng kinh tế, vấn đề việc làm, vật giá, thu nhập, có thể thấy kinh tế Trung Quốc hiện nay đang vận hành ở mức hợp lý, cấu trúc nền kinh tế được điều chỉnh phù hợp hơn, chất lượng phát triển không ngừng được cải thiện.

Các báo cáo đánh giá sức cạnh tranh tổng hợp của 37 nền kinh tế châu Á xoay quanh 5 tiêu chí như hiệu quả hoạt động của khối hành chính và doanh nghiệp, tình trạng cơ sở hạ tầng, sức sống của nền kinh tế, mức độ phát triển của xã hội, nguồn nhân lực và sức sáng tạo. Trong đó, Trung Quốc liên tục giữ vị trí thứ 9 trong suốt 6 năm gần đây.

Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Trương Hoán Ba đánh giá trong bối cảnh sức cạnh tranh của các nước châu Á tương đối mạnh, việc Trung Quốc duy trì được vị trí này là khá tốt, bởi cả 5 tiêu chí nêu trên của Trung Quốc đều gia tăng.

Trước diễn biến bất ổn của sự tăng trưởng kinh tế thế giới và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc kiên trì cải cách mở cửa, dùng hàng loạt biện pháp để ủng hộ thương mại tự do và toàn cầu hóa kinh tế. Những lợi ích từ cải cách mở cửa của Trung Quốc đã và sẽ lan tỏa đến các nước châu Á cũng như kinh tế thế giới.

* Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Á

Việc xây dựng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" đang tạo tác dụng tích cực cho kinh tế châu Á, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực Á-Âu, có lợi cho việc làm giảm thiểu rối loạn trong hợp tác kinh tế quốc tế bị gây ra bởi cọ sát, xung đột thương mại, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của châu

Trong 5 năm qua đã có hơn 130 nước và tổ chức quốc tế ký kết văn kiện hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến này. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước nằm trong hành lang “Vành đai và Con đường” đã lên đến 5.000 tỷ USD; Số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (của Trung Quốc) trong khuôn khổ này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, tạo ra hơn 200.000 việc làm cho người dân bản địa.

Kể từ khi Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đi vào hoạt động đến nay đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư liên quan đến các nước, khu vực nằm trong hành lang này với giá trị hơn 5,3 tỷ USD,

* Thúc đẩy hợp tác khu vực để phát triển cùng thắng

Những nhân tố như tình hình thế giới bất ổn, rủi ro địa chính trị gia tăng, việc đòi tái cấu trúc hệ thống thương mại đa phương… đều đe dọa đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống còn 3,7%.

Tuy nhiên, do thực trạng của các nền kinh tế châu Á, báo cáo vẫn tỏ ra tin tưởng vào triển vọng kinh tế châu Á và hợp tác khu vực. Năm 2018, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tăng trưởng 6,5%, đứng đầu thế giới. Trong các tiêu chí lượng hóa, số điểm của 37 nền kinh tế châu Á cũng cao hơn năm 2017 một chút, sự chênh lệch giữa các nước cũng đang được thu hẹp, qua đó phản ánh tình trạng cân bằng, lành mạnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Trương Hoán Ba nhận định các nền kinh tế châu Á tăng trưởng dựa vào động lực nội tại và đứng trước cơ hội thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển. Ông cho rằng cùng với việc các nền kinh tế châu Á tiếp tục hội nhập, châu Á có thể sớm thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng kinh tế, và cải thiện môi trường an ninh.

Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, ở cấp độ song phương, các nền kinh tế châu Á cần nâng tầm các Hiệp định thương mại tự do hiện hành, ủng hộ sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các lĩnh vực như đầu tư, kinh tế số. Ở cấp độ khu vực, cần tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đôi tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy Sáng kiến "Vành đai và Con đường" phát triển sang giai đoạn mới.

Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao Lý Bảo Đông khẳng định mong muốn chung của các nước là cùng phát triển trong thời đại toàn cầu hóa. Theo ông, việc xây dựng toàn cầu hóa lành mạnh, cân bằng hơn mới đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân thế giới. Do vậy, các nền kinh tế châu Á cần tiếp tục đẩy mạnh, thắt chặt hợp tác.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao do 25 nước châu Á thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á. Đến nay diễn đàn này đã trở thành một kênh quan trọng để thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực./.

Vĩnh Hà (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dien-dan-chau-a-bac-ngao-thuc-day-nhat-the-hoa-kinh-te-khu-vuc/117550.html