Nên đồng tình hay phản đối?

Chúng ta đừng chỉ trích nhau. Đừng phán xét nhau. Hãy bao dung hơn, mở lòng mình nhiều hơn, để thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Với tôi, bạn đúng, không có nghĩa là người khác phải sai. Ai cũng có cái lý của mình cả. 'Mẹ ơi! Đừng giết con' đúng là nặng nề thật đấy. Nhưng những luồng ý kiến chỉ trích, lên án trái chiều cũng đang nặng nề không kém.

Chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang tạo nên tranh cãi trên mạng xã hội.

Chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang tạo nên tranh cãi trên mạng xã hội.

Thời gian vừa qua, chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” của hai chàng trai Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà đã làm mạng xã hội dậy sóng và tốn không ít bút mực. Có người ủng hộ, có người kịch liệt phản đối, và cũng có người giữ thái độ trung lập, không đồng tình cũng chẳng phản đối. Có người thì không quan tâm, coi như vụ việc đó không liên quan gì đến mình, nên tốt nhất là đứng ngoài cuộc cho khỏe.

Cá nhân tôi ban đầu cũng thuộc tuyp người không quan tâm. Thực ra là tôi không biết đang có chiến dịch này diễn ra luôn, bởi vì tôi ít đọc những tin tức mang tính giật gân, bạo lực, nó… làm tôi thấy mệt tâm và mệt tim, và mặt khác, tôi thấy cuộc sống này còn có nhiều điều đẹp đẽ và nhẹ nhàng đáng để quan tâm hơn. Cho đến khi nhận được một lời đề nghị hãy tiếp cận thông tin này, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và hiểu ra vấn đề này đang đi tới đâu.

Tôi luôn ý thức rằng cái gì cũng đều có hai mặt của nó. Và với con người cũng vậy, ai cũng có lý do và lý lẽ của riêng mình. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, mục đích của hai chàng trai khi đưa ra chiến dịch này là gì? Và mục đích của những cuộc tranh cãi, những nguồn thông tin trái chiều kia là gì? Dường như nó đang hoàn toàn khác nhau!

Tôi thiết nghĩ, hai chàng trai cũng xuất phát từ lòng tốt, từ tình cảm nhân văn dành cho con người trong các chuyến thiện nguyện và trong đời sống thường ngày xung quanh họ. Có thể, ý tưởng đó chỉ xuất hiện nhất thời, và họ đề ra chiến dịch ấy, với hi vọng các em bé vô tội – những sinh linh bé nhỏ sẽ được cứu vớt, chứ tôi nghĩ, trong thâm tâm hai chàng trai cũng không có ý lên án phụ nữ.

Và vấn đề ở đây là, hai bạn là đàn ông, và có lẽ cũng chưa có gia đình, nên họ không hiểu được những khổ tâm của người phụ nữ phải đứt ruột phá bỏ đi đứa con - giọt máu của chính mình. Họ không hiểu được nguyên nhân khiến những người phụ nữ ấy phải làm cái điều đau đớn đó. Thực ra, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu và chấp nhận làm cái điều mà có người vẫn cho rằng độc ác, vô nhân đạo đó. Không ai muốn giết hại hay phá bỏ đứa con của chính mình đâu! Ngay cả những con vật cũng vậy, huống chi là con người!

Chúng ta đừng chỉ trích nhau. Đừng phán xét nhau. Hãy bao dung hơn, mở lòng mình nhiều hơn, để thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Với tôi, bạn đúng, không có nghĩa là người khác phải sai. Ai cũng có cái lý của mình cả. “Mẹ ơi! Đừng giết con” đúng là nặng nề thật đấy. Nhưng những luồng ý kiến chỉ trích, lên án trái chiều cũng đang nặng nề không kém. Hai chàng trai muốn bảo vệ các sinh linh bé nhỏ là đúng! Và những người đang lên tiếng để bảo vệ người phụ nữ cũng đúng!

Nhưng không có nghĩa người này đúng thì người kia phải sai. Bản thân tôi cũng là phụ nữ, cũng từng sinh con, từng chứng kiến những người dứt ruột bỏ đi đứa con còn chưa thành hình của mình, để rồi cả đời phải sống trong sự dằn vặt, dày vò và tội lỗi.

Đó là hình phạt, là mức án khủng khiếp nhất mà họ phải chịu rồi, liệu có cần thêm những lời chỉ trích, chê bai và đàm tiếu của người đời nữa không? Nhưng cái quan trọng nhất đó là nguyên nhân sâu xa khiến họ phải làm vậy là gì? Chúng ta có hiểu được nỗi khổ tâm của họ không? Chúng ta có đặt mình vào hoàn cảnh của họ, để nếu mình là họ, mình có làm như họ không?

Nền giáo dục của chúng ta có đủ bản lĩnh đưa chương trình giáo dục giới tính, sinh sản, sex vào chương trình học như một bộ môn quan trọng chính quy không? Các phụ huynh có đủ bình tĩnh và hiểu biết để ủng hộ điều đó không, hay lại dãy nảy lên rằng tại sao lại cho con tôi học những điều đồi trụy đó, trong khi lại vô tình dạy con trẻ sự tò mò về sex ngay trong nhà mình. Có bà mẹ nào đủ tâm lý để bỏ vào túi của con trai/con gái mình ở độ tuổi mới lớn bịch bao cao su mỗi khi con ra ngoài đi chơi không, hay chỉ cần nhìn thấy cái bao cao su trong túi con lại nhảy dựng lên mắng chửi con đồ hư thân?

Những người đàn ông có đủ trách nhiệm và dũng cảm bảo người phụ nữ của mình bằng mọi cách phải giữ lại cái bào thai sau khi ăn trái cấm không, hay mới nghe tin họ có bầu lại chối bỏ trách nhiệm, hoặc bắt họ phá bỏ vì không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại của mình hoặc thậm chí còn mỉa mai người phụ nữ... Đây là vấn đề của cả xã hội, chứ không riêng gì những người phụ nữ phải lâm vào tình trạng phá bỏ thai nhi.

Có ba quy luật của vũ trụ chi phối cuộc sống của con người mà tôi luôn tin, đó là Luật nhân quả, Luật hấp dẫn và Luật lượng đổi - chất đổi. Chúng ta gieo hạt táo thì sẽ có cây táo và gặt quả táo. Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy. Nên đừng chỉ trích và phán xét ai cả. Bản thân mỗi người đều có mặt tốt và mặt xấu, đều đã từng gieo hạt giống tốt và hạt giống xấu, và rồi chúng ta sẽ gặt nó trong tương lai. Hãy để cuộc đời trả lời cho mỗi phận người.

Bản thân tôi luôn ý thức rằng: Muốn thay đổi người khác, hãy thay đổi mình trước. Muốn người khác tốt hơn, mình hãy tốt hơn trước. Không ai muốn vấn đề nạo phá thai diễn ra cả. Và nếu như luật cấm nạo phá thai được Quốc hội ban hành, cũng không có nghĩa vấn đề nạo phá thai sẽ không diễn ra.

Điều kỳ vọng lớn hơn ở đây, có lẽ không chỉ tôi, mà tất cả mọi người là thông qua những cuộc tranh luận và những nguồn thông tin nhiều chiều này, mỗi cá nhân đọc được sẽ tự mình ý thức hơn về trách nhiệm của chính mình, để làm sao tốt hơn, góp phần hạn chế tối đa được vấn đề nhức nhối này.

NGÔ THÚY NGA (Nhà văn, Biên tập viên NXB Hội Nhà văn VN)

Kính mời quý độc giả tham gia diễn đàn "Mẹ ơi! Đừng bỏ con!". Những chia sẻ, trăn trở của quý độc giả liên quan vấn đề trên, xin gửi về địa chỉ email: toasoan@thegioitiepthi.vn.

Thế Giới Tiếp Thị Online

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nen-dong-tinh-hay-phan-doi-20512.html