Diễn đàn chủ nhật: Tự chủ không phải là 'tự bơi'

Khi gõ cụm từ 'bác sĩ bị nợ lương' trên các trình duyệt tìm kiếm trực tuyến, hàng loạt bệnh viện, cơ sở y tế công xuất hiện ở phần kết quả tìm kiếm, với cơ số nợ lương từ vài tháng tới vài năm. Có bệnh viện phải đóng cửa cách đây vài ngày. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề không hề nhỏ.

Mục tiêu của việc thực hiện cơ chế tự chủ cho các bệnh viện, cơ sở y tế công là nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời cải thiện thu nhập cho bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và người lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tình hình tài chính của không ít bệnh viện, cơ sở y tế công ngày càng khó khăn, thậm chí không còn nguồn tiền để chi trả lương. Ngay cả một số bệnh viện lớn, có danh tiếng, thường xuyên quá tải bệnh nhân như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng đã đề nghị xin dừng thí điểm tự chủ.

Ảnh minh họa. TTXVN

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các bệnh viện, cơ sở y tế công không thể gồng mình tự chủ, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thu không đủ chi. Ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công lập tuyến dưới, do tâm lý người dân nên số lượng người đến khám, chữa bệnh không lớn, các khoản thu từ dịch vụ rất nhỏ. Ở những bệnh viện, cơ sở y tế lớn, có uy tín, thương hiệu, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ đã dẫn tới nghịch lý càng nhiều người đến khám, chữa bệnh, bệnh viện lại càng khó khăn. Nguồn thu tài chính khó khăn thì khó có thể phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế; cải thiện thu nhập để thu hút và giữ gìn đội ngũ nhân lực tay nghề cao; việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Trong các lần tới thăm, làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế công, mới đây nhất là khi đến thăm, làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2024), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh hình ảnh ví von: "Y tế và giáo dục nhất quyết không thể đưa lên hàng tiền đạo", ý nói rằng đây là hai lĩnh vực an sinh xã hội rất quan trọng, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm ngân sách để việc triển khai được thông suốt, bảo đảm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, quyền được học hành của người dân. Với ý nghĩa như vậy, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó nêu rõ nguyên tắc: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao" ngay trong phần đầu tiên của khoản 1, Điều 108 quy định về tự chủ.

Hy vọng rằng với quy định rất rõ ràng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, các bệnh viện, cơ sở y tế công không còn phải "đau đầu" với câu hỏi "tiền đâu" vì tự chủ; bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và người lao động của các bệnh viện, cơ sở y tế công không còn bị nợ lương vì tự chủ; người bệnh không còn phải rơi vào cảnh "khóc dở, mếu dở" do thiếu máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ việc khám, chữa bệnh.

Luật đã quy định rõ ràng, giờ là lúc các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng vào cuộc triển khai thực hiện, trước mắt là khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành để luật sớm đi vào cuộc sống. Bệnh viện, cơ sở y tế công thực hiện cơ chế tự chủ, không có nghĩa là phải "tự bơi".

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dien-dan-chu-nhat-tu-chu-khong-phai-la-tu-boi-766225