Diễn đàn Doanh nghiệp Nông nghiệp năm 2012: Gỡ khó cho doanh nghiệp

Sáng nay, 27-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN) năm 2012 khu vực phía Bắc. Hội nghị thảo luận những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến cơ chế, chính sách của Nhà nước, đề xuất cơ chế chính sách mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

Cả nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong mở rộng thị trường do thiếu vốn. (Trong ảnh: Hàng nông sản bày bán tại chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang).

Ông Phạm Xuân Hoàn, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng bản Đổi mới doanh nghiệp cho biết: Tính đến ngày 31-9-2009, nước ta có 8.749 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm trên 3,5% tổng số doanh nghiệp của tất cả các ngành kinh tế của cả nước. Thực hiện chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp giữa khu vực quốc doanh và dân doanh đang có sự thay đổi. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ngày càng giảm, số lượng doanh nghiệp dân doanh ngày càng tăng. Trên 98% số doanh nghiệp nông nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát biểu tại hội nghị của đại diện các DNNN đã nêu bật những khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh hiện nay cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Các đại biểu đều cho rằng, việc tiếp cận vốn hiện tại rất khó khăn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước đối với DNNN chưa đi vào cuộc sống… Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu bức xúc về việc doanh nghiệp đang gặp những khó khăn mà bản thân doanh nghiệp không tự giải quyết được. Ông nói: “Những chính sách của nhà nước đều đúng nhưng chưa vào cuộc sống. Năm 2011 chúng tôi đề nghị nếu qui hoạch khu công nghiệp thì phải dành quỹ đất cho chăn nuôi nhưng đến giờ vẫn không được. Nông nghiệp nông thôn là một trong 4 mặt hàng được ưu tiên nhưng hiện không tiếp cận được vốn của ngân hàng hoặc được nhưng lãi xuất cao nên sản xuất đình đốn, nợ động thuế lớn. Trong 4 năm qua, chỉ có năm 2009, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 4% lãi xuất, còn lại là 2%. Một bất công nữa là Nhà nước chỉ qui định trần huy động không qui định trần cho vay, nên mức lãi suất có lúc lên tới 25%”. Do đó, ông đề nghị, Chính phủ cần hỗ trợ cho DN còn đang kinh doanh bằng cách khoanh nợ, dãn nợ”.

Ông Trần Mạnh Báo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng: “Đa số là DNNN qui mô nhỏ, trình độ nhân sự, maketing rất yếu, do đó rất cần có chương trình đào tạo cán bộ quản lý cao cấp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban ngành luật giống cây trồng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học – công nghệ”. Ông phân tích: “Hiện tại Nhà nước chỉ hỗ trợ các viện nghiên cứu thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, nhưng các đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu xong đều cất vào ngăn kéo tủ mà không ứng dụng vào cuộc sống. Việc giao cho doanh nghiệp nghiên cứu sẽ buộc họ phải làm tốt bởi có làm tốt thì mới bán được ra thị trường được, mới có lãi”.

Trước tình trạng 1/3 doanh nghiệp trong ngành mía đường có nguy cơ thua lỗ trong năm nay do lượng đường sản xuất đã vượt quá nhu cầu, ông Phạm Ngọc Thao, Hiệp hội mía đường Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty mía đường Sơn La kiến nghị Chính phủ cho vay vốn để tạm trữ 200.000 tấn đường như tạm trữ gạo và cà phê. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có cơ chế xuất khẩu đường linh động, không cứng nhắc như hiện tại.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị chuyển đổi các trung tâm nghiên cứu thành công ty kinh doanh và thí điểm cổ phần hóa công ty TNHH một thành viên để có cơ chế kinh doanh “thông thoáng” hơn, không bị ràng buộc nhiều bởi quản lý hành chính nhà nước.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dien-dan-doanh-nghiep-nong-nghiep-nam-2012-go-kho-cho-doanh-nghiep/