Diễn đàn doanh nghiệp VBF 2019: Tìm giải pháp để phát triển nhanh và bền vững

Sáng 10/1, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 đã được tổ chức với chủ đề 'Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững'.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019. Ảnh: H.Dịu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019. Ảnh: H.Dịu

Chủ động thu hút đầu tư nước ngoài

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Năm nay, 107 vấn đề được lựa chọn gồm cả những vấn đề mới phát sinh trong năm và không ít vấn đề được nhắc lại từ các VBF trước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bất chấp những biến động với nhiều khó khăn, thách thức của năm 2019, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Điều này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng khẳng định, chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” của VBF lần này nhằm nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các bộ, ngành mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư.

“Những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện hơn vai trò “kiến tạo” của mình đồng thời cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính sách cần ổn định hơn

Cũng tại VBF lần này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ qua những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” mà đã trở thành các hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi thời gian qua.

Đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp… Biện pháp đơn giản hóa phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.

Về kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng cần tiếp tục chú trọng giải quyết cấn đề tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra.

Chủ tịch VCCI cũng đề xuất, nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cần được cải thiện trong tiếp cận đất đai bằng cách hiện thực hóa chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất trong Luật Đầu tư. Công tác đấu thầu, đấu giá để phân bổ các nguồn lực như tài nguyên, hợp đồng, cơ hội kinh doanh cần được mở rộng hoặc tiếp tục được thực hiện một cách minh bạch hơn.

Cũng nêu kiến nghị lên Chính phủ, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao.

Ngoài ra, bà Amanda Rasmussen đề xuất, chính sách thuế cần ổn định và công bằng hơn, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch...

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường thu hút các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo nên những bước phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất, cần khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp

Sau khi lắng nghe các ý kiến đề xuất, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu chỉ đạo tại VBF 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, chủ đề phát triển nhanh và bền vững cũng là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam và không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Chính phủ cam kết luôn sát cánh cùng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ có nhiều thách thức trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cải thiện thủ tục hành chính, thuận lợi hóa quan hệ đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho huy động các nguồn đầu tư cho phát triển. Tạo hạ tầng đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh, chú trọng phát triển giáo dục và khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng sẽ triển khai các chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cùng phát triển. Thực hiện Nghị quyết về định hướng phát triển thể chế cho đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Coi môi trường pháp lý, hạ tầng và nhân lực là ba nhân tố cho đầu tư phát triển.

Đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết sẽ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn phát triển với đổi mới khoa học công nghệ. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng đầu tư. Hoàn thiện thể chế cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo lấy doanh nghiệp là trung tâm. “Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ nút thắt liên quan đầu tư, kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài chủ động kết nối doanh nghiệp trong nước để chỉ dẫn doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ, gắn kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để các doanh nghiệp này có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng với doanh nghiệp FDI.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dien-dan-doanh-nghiep-vbf-2019-tim-giai-phap-de-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-118645.html