Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Gợi mở nhiều định hướng chính sách quan trọng

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị LÊ QUANG CHIẾNDiễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề 'Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững' đã thành công tốt đẹp. Bước đột phá lớn nhất của Diễn đàn là nội dung thực chất, bám sát thực tiễn hơn… Thông qua Diễn đàn đã gợi mở được nhiều định hướng chính sách quan trọng cho những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đưa ra các giải pháp đúng, trúng, sát thực tiễn

Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân về kết quả của Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến bày tỏ: Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế, tránh bị lỡ nhịp tăng trưởng; đồng thời, Quốc hội cũng đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến

Diễn đàn “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức để bổ sung luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với việc bám sát diễn biến tình hình, từ đó có sự phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách… Qua diễn đàn cho thấy, tinh thần đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tìm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế ở đây không phải là phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững.

Đáng chú ý, diễn đàn đã ghi nhận được nhiều thông tin rất đa chiều; nhiều ý kiến quý báu, thẳng thắn, sát thực tiễn của các đại biểu tham dự, góp phần hoạch định chính sách, đường hướng phát triển, thay đổi về thể chế, thu hút đầu tư… giúp cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững… Đặc biệt, nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đã chia sẻ và thảo luận các vấn đề thực tiễn, đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cũng nhìn nhận: Bước đột phá lớn nhất của Diễn đàn là về nội dung đã thực chất, bám sát thực tiễn hơn, đặt ra nhiều vấn đề nóng cần bàn luận và giải quyết ngay. Đối với những vấn đề chưa làm được, cũng lý giải được các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, từ đó đề xuất các giải pháp đúng, trúng và sát với thực tế… Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Một trong những kết quả của Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất về việc ngoài tập trung cho các mục tiêu trước mắt thì không được quên mục tiêu dài hạn, cụ thể là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Kỳ vọng những chuyển biến về chính sách

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến cho rằng: để kết quả diễn đàn kinh tế- xã hội Việt Nam 2022 thực sự là bàn đạp cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, các chính sách sau đây cần sát thực tiễn, cụ thể các chính sách cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể, đối với Quảng Trị, Trung ương cần ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi số; thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, như: Cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, đường cao tốc kết nối ASEAN ra biển Đông, Thái Bình Dương; tiếp tục kêu, thu hút đầu tư, ích cực triển khai các dự án đã được cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư tại Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị, Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị, các Khu công nghiệp Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, Nam Đông Hà; khơi thông hoạt động tại Khu kinh tế -thương mại đặc biệt Lao Bảo; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) - Đensavan (Sê Pôn, Savanakhet, Lào)... Bên cạnh đó, Chính phủ cần chú trọng hơn nữa tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng, như: An ninh năng lượng, an ninh lương thực…; đồng thời, tháo gỡ nút thắt về giải ngân đầu tư công.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến nghe báo cáo công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh

Bày tỏ sự tin tưởng cũng như kỳ vọng về hiệu ứng từ diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến cũng nhấn mạnh: Trải qua 3 năm đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người lao động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, các giải pháp hỗ trợ Quốc hội và Chính phủ đưa ra cần được thực hiện hiệu quả, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà để người lao động, doanh nghiệp dễ tiếp cận và gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ có thể cân nhắc giảm thêm thuế, phí cho doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình phục hồi hậu dịch bệnh…

"Tin rằng, sau Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Năm 2022, những chuyển biến về chính sách sẽ rõ ràng hơn, phải tiếp tục giữ vững quan điểm phát triển kinh tế. Ở tầm vĩ mô, trong giai đoạn 2022 - 2023 Việt Nam phải tiếp tục ổn định lạm phát, giữ vững tiền tệ và tập trung vào đầu tư công, bởi nếu làm tốt những chính sách liên quan đến vấn đề này chắc chắn kinh tế cũng sẽ tăng trưởng theo" - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Quang Chiến.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dien-dan-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2022-goi-mo-nhieu-dinh-huong-chinh-sach-quan-trong-i301154/