Diễn đàn Mekong Connect 2022 – 'Khơi thông' nhiều điểm nghẽn phát triển ĐBSCL

Chiều 24/11, tại TP. Cần Thơ, Diễn đàn Mekong Connect 2022 khép lại bằng phiên thảo luận về 'Phát triển bền vững'. Qua 2 ngày 23 – 24/11, từng phiên thảo luận tại Diễn đàn đã mang lại nhiều phương pháp, tháo gỡ một số khó khăn tồn đọng 'kìm hãm' phát triển kinh tế ĐBSCL thời gian qua.

Phiên thảo luận “Phát triển bền vững” chia thành 4 chủ đề trao đổi, tham luận. Trong đó, tỉnh Bến Tre chủ trì chủ đề “Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn”. 2 địa phương là chủ nhà TP. Cần Thơ cùng phối hợp với TP.HCM thực hiện chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”, nội dung tập trung vào việc: Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp đối với ĐBSCL; Vai trò của Logistics trong chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế, vai trò và ý nghĩa đối với TP. HCM...

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cùng lãnh đạo các địa phương tham quan gian hàng trưng bày tại Diễn đàn.

Đồng thời, chủ đề “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu” do tỉnh An Giang chủ trì cũng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm trong việc thúc đẩy thích ứng với những thỏa thuận song phương giữa Việt Nam - Campuchia và làm gì để có tiếng nói chung trong việc kết nối hai nền kinh tế giữa ĐBSCL, Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, logistics còn manh mún… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ trình bày ý kiến tại Diễn đàn

Do vậy, với những phiên thảo luận sát thực tiễn, Diễn đàn hôm nay đã tìm ra giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, xử lý được bài toán được mùa mất giá và tạo lợi thế vùng trồng diện tích lớn để nông sản của ĐBSCL hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ thêm: "Qua Hội thảo hôm nay Cần Thơ chia sẻ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là cơ chế thành lập Trung tâm liên kết sản xuất tiêu thụ của vùng, thành phố Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Trung tâm thật nhanh, đặt hiệu quả, đi vào thực chất để hoạt động ngày càng nâng cao hơn. Qua phát biểu của các lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia và các doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng chỉ đạo các sở ngành có liên quan phối hợp với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và TP. HCM tạo ra một liên kết giúp cho chính quyền địa phương liên kết tốt hơn và các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới".

Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia trao đổi, chia sẻ tại các Phiên thảo luận tại Diễn đàn

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, thời gian qua các tỉnh/thành thuộc mạng lưới liên kết vùng ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) và TP. HCM đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và những đặc trưng nổi trội của địa phương và của vùng. Trong quá trình triển khai, nhiều sáng kiến đã được thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực và Diễn đàn Mekong Connect triển khai trong suốt thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Ngoài đẩy mạnh khoa học công nghệ, tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đôi số. Đây là một trong những hoạt động của mô hình liên kết vùng, cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế vùng mà Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai trong thời gian qua.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Áp dụng chuyển đổi số thì hiện nay Đồng Tháp đã bắt đầu từ cơ sở rồi. Chúng tôi đã áp dụng 1/3 vùng sản xuất và đã xác định được mã vùng trồng, có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt nhất chúng tôi đã áp dụng những cánh đồng thông minh, những hội quán thông minh, những hợp tác xã thông minh".

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sản xuất, thương mại Abavina bày tỏ: "Những chia sẻ rất thực tế để những doanh nghiệp mới bắt đầu vào chuyển đổi số như Abavina cũng bắt đầu được từ những công việc rất nhỏ thôi, nhưng mình sẽ từ từ từng bước tạo ra một hệ thống số riêng của doanh nghiệp mình".

Thực tế hiện nay giữa các tỉnh/thành trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong và TP. HCM đã có nhiều liên kết, tích hợp trên các lĩnh vực, từ kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch… Những công trình hợp tác giữa TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL về việc chọn vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị, cũng như sự đóng góp của TP. HCM với các tỉnh đồng bằng thông qua hợp tác về thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt chế biến. Có thể thấy nhu cầu, kỳ vọng của sự liên kết, tích hợp của mỗi tỉnh/thành với nhau là rất lớn.

Diễn đàn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và giới thiệu được sản phẩm một cách trực tiếp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho biết, ông rất ấn tượng các tỉnh/thành đã trưng bày nhiều sản phẩm do địa phương tự sản xuất hoặc liên kết sản xuất, chế biến với nhiều mẫu mã, chất lượng mới. Tin tưởng rằng TP. HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần “Cả nước vì ĐBSCL – ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”: "Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng với việc tham gia của TP. HCM. Trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng, Diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng".

Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ khởi nghiệp Xanh" - Điểm mới thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tại Diễn đàn.

Các tỉnh/thành vùng ĐBSCL ký bản ghi nhớ liên kết hợp tác với TP. HCM và các doanh nghiệp.

Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới với hoạt động liên kết vùng, phát triển kinh tế xã hội vùng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với truyền thống của một vùng kinh tế năng động, sự vào cuộc của các nhà khoa học, các doanh nghiệp với nhiều sáng kiến, nhiều diễn đàn được triển khai trong quá trình thực hiện, tin tưởng rằng hoạt động liên kết vùng của khu vực bốn tỉnh ABCD và TP. HCM trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như của vùng kinh tế./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dien-dan-mekong-connect-2022-khoi-thong-nhieu-diem-nghen-phat-trien-dbscl-post986361.vov