Diễn đàn Mekong Startup: Tiên phong dấn bước, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới sáng tạo

Trong hai ngày (19 - 20.12), UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Mekong Startup – Lần I năm 2022, với chủ đề 'Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp'.

Đến dự có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp cùng hơn 500 Startup trong cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn

Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức diễn đàn quy mô cấp vùng về khởi nghiệp hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long về biến đổi khí hậu, giảm phát thải, xanh hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đồng thời tạo lập các chương trình nghị sự gắn với các chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực như lúa gạo, trái cây, thủy hải sản, giúp các bên chia sẻ và có chung nhận định về bối cảnh, thách thức, cơ hội cũng như xác lập một số giải pháp bước đầu và hành động ưu tiên nhằm nhanh chóng đưa các cam kết vào thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các địa phương tham quan các gian hàng Startup

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, từ năm 2016, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương khởi nghiệp như tập trung cho công tác giáo dục, đào tạo nghề, để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động địa phương, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với nhiều nội dung thiết thực nhằm tiếp tục hỗ trợ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, lao động nông thôn, tổ chức các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các cấp, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp

Giai đoạn 2021 – 2025, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp được xác định là 1 trong 5 đột phá chiến lược phát triển của tỉnh. Trong đó ưu tiên, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường phù hợp với địa phương; chú trọng phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; hướng doanh nghiệp tiếp cận chương trình chuyển đổi số, đổi mới, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước, tuy nhiên, nơi này cũng cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu và các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế vùng. Trong bối cảnh đó, việc “liên kết” là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công và là một xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như: Diễn đàn Mekong Connect, Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và hiện là Diễn đàn Mekong Startup.

Nội dung trọng tâm của Diễn đàn Mekong Startup còn tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng, hướng tới mục tiêu tập hợp, thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng. Sự kiện cũng là cơ hội nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh ngnghiệp trong vùng về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đầu tiên trong cả nước có các tỉnh đã ký cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp lớn, đơn vị startup, lãnh đạo địa phương chia sẻ các góc nhìn xoay quanh bài toán phát triển chuỗi ngành hàng trọng điểm dưới thách thức của biến đổi khí hậu. Một số vấn đề như bức tranh toàn cảnh về sự phát triển chuỗi lúa gạo, trái cây, thảo luận về các đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp tham dự diễn đàn còn được nghe các chuyên gia nước ngoài từ tổ chức Oxfam, GIZ, IDH... đưa ra góc nhìn theo hướng vĩ mô và vi mô, "hiến kế" cho việc thích ứng và tận dụng tốt các thuận lợi đổi mới sáng tạo đem lại.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nông nghiệp nước ta có giai đoạn sử dụng nhiều phân thuốc, giờ đây, chúng ta phải thay đổi, giảm phân thuốc, hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại, tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường. Để làm được các mục tiêu đó, các bộ ngành phải có những kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, đồng bộ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cần tiếp tục tổ chức các diễn đàn như MeKong Startup để các doanh nghiệp lớn, đi trước dìu dắt các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp phát triển, thể hiện khát vọng vươn lên của vùng đất này, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp cũng như các bạn trẻ ở lĩnh vực nông nghiệp để đạt kết quả tốt hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải đi cùng nhau, không chỉ nhà khoa học, nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, giữa các địa phương mà xa hơn là giữa Việt Nam và thế giới”

Diễn đàn lần này cũng diễn ra các hoạt động trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu; giới thiệu, trình diễn công nghệ; kết nối thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư; các phiên thảo luận chuyên đề. Đặc biệt, điểm nhấn của Diễn đàn là nội dung trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi và phát triển phù hợp với xu thế của thế giới.

Lễ công bố nội dung cam kết Xây dựng Đồng Tháp thành“Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”

Tại diễn đàn cũng đã diễn ra Lễ công bố nội dung cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL; Lễ công bố nội dung cam kết Xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”; Lễ ký kết hợp tác Chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tin và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dien-dan-mekong-startup-tien-phong-dan-buoc-manh-dan-di-dau-trong-doi-moi-sang-tao-i311880/