Diễn đàn MEMS 2018 'Nắm bắt xu hướng- Nuôi dưỡng sáng tạo'

Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn MEMS - Micro Electro Mechanical Systems (vi cơ điện tử) 2018, chính thức khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh, sáng ngày 28/9.

Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc diễn đàn

Diễn đàn thu hút dự tham gia của các chuyên gia uy tín về lĩnh vực MEMS trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… cùng với các nhà khoa học, kỹ sư chuyên ngành, doanh nghiệp (DN) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và ứng dụng công nghệ MEMS cũng như tăng cường hợp tác khoa học và xúc tiến thương mại đầu tư cho ngành công nghiệp công nghệ cao này tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành vi cơ điện tử là ngành công nghiệp công nghệ cao mà Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng ưu tiên phát triển. Đây cũng là một trong 8 trụ cột của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017- 2020, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Đại biểu tham dự diễn đàn sẽ cùng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, DN để phát triển ngành công nghiệp vi cơ điện tử, thúc đẩy hợp tác, kết nối các nhà khoa học với DN, góp phần đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, thực hiện hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ của TP. Hồ Chí Minh.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) - chương trình MEMS hiện đã xây dựng mạng lưới, kết nối nguồn lực ở nước ngoài để phổ biến các chính sách thu hút đầu tư công nghệ MEMS; đồng thời liên kết nguồn lực trong và ngoài nước để cùng TP. Hồ Chí Minh phát triển một số sản phẩm chiến lược ứng dụng công nghệ MEMS. Đến nay công nghệ MEMS cũng đã góp phần quan trọng trong việc chế tạo ra các bộ cảm biến, là phần tử quan trọng của Internet vạn vật (IoT) qua đó tạo nền tảng cho các sản phẩm thông minh với nhiều ưu điểm như có thể sản xuất hàng loạt, kích thước nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng, độ tin cậy cao. Công nghệ MEMS và IoT còn góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể trong các giải pháp xây dựng đô thị thông minh gắn kết sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Giới thiệu các sản phẩm thương mại hóa liên quan đến MEMS tại diễn đàn

Tại diễn diễn đàn MEMS 2018, các diễn giả cũng sẽ trình bày các tham luận, thảo luận bàn tròn xung quanh những chủ đề: Hướng đến thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển; chính sách thu hút và phát triển ngành công nghiệp MEMS; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp MEMS; vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong phát triển hệ sinh thái MEMS.

Song song với diễn đàn còn diễn ra hoạt động triển lãm giới thiệu những thành tựu nghiên cứu ứng dụng công nghệ MEMS của các tổ chức nghiên cứu, DN Việt Nam với các sản phẩm thương mại hóa liên quan đến MEMS.

Ngọc Thảo - Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dien-dan-mems-2018-nam-bat-xu-huong-nuoi-duong-sang-tao-109465.html