Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội

Ngày 30-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội, Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS đã khai mạc nhằm tạo cơ hội cho lãnh đạo các nước GMS, các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và nhà nghiên cứu chia sẻ quan điểm về những vấn đề phát triển then chốt của khu vực cũng như thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS-6), đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của Chương trình hợp tác GMS.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cộng đồng các quốc gia tiểu vùng Mê Công đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan. Đây là một thị trường của hơn 340 triệu dân với nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và tập quán. Thị trường này có nhiều tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; với nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, mạnh về các sản phẩm nông sản, với vị trí chiến lược kết nối các khu vực Đông - Nam Á, Đông - Bắc Á, Nam Á.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý, khối GMS đang phải đối mặt không ít thách thức. Sự hội nhập kinh tế sâu rộng của các quốc gia trên thế giới, các nước thành viên GMS sẽ tạo áp lực lên cơ chế hợp tác chung của khối, đem đến những thách thức trực tiếp cho những cam kết và khả năng cân đối lợi ích. Mặt khác, sự phát triển của những công nghệ mang tính nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực phải thật sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới. Ngoài ra, các nước GMS đang đứng trước áp lực lớn không tránh khỏi là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS thời gian tới sẽ là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...

Trước những thách thức nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi cộng đồng GMS quyết tâm và nỗ lực để cùng nhau khắc phục, khai thác những lợi thế phát triển để bù đắp cho những hạn chế còn tồn tại.

Chương trình nghị sự của Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS gồm hai phần chính. Sáng 30-3, phiên họp mở của Hội đồng Kinh doanh GMS về triển vọng kinh tế và các động lực kinh tế mới có hai nội dung trọng tâm: Phiên 1 - Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Phiên 2 - Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, tại phiên làm việc sáng nay, ông Sok Phiset, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Campuchia đã giới thiệu ứng dụng kết nối doanh nghiệp GMS. Đây là kênh cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kết nối các doanh nghiệp GMS một cách linh hoạt, nhanh chóng.

Theo kế hoạch, chiều cùng ngày, Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao sẽ diễn ra với ba phiên thảo luận chuyên đề song song. Cụ thể: Phiên 1 - Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng; Phiên 2 - Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS; Phiên 3 - GMS và thương mại toàn cầu.

Các diễn giả thảo luận tại phiên họp.

* Khai mạc cuộc họp quan chức cao cấp Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng

* Hơn 2.000 đại biểu tham dự Hội nghị GMS6 và CLV10 tại Hà Nội

Tin: HOÀNG HÀ - Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/35938902-dien-dan-thuong-dinh-kinh-doanh-gms-lan-dau-tien-duoc-to-chuc-tai-ha-noi.html