Điện gió Việt Nam: Chấp nhận mua đắt cũng không xong

Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á, song thị trường điện gió Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu với tổng công suất 197 MW.

Ngày 07/6, Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) đã tổ chức Hội nghị điện gió tại Việt Nam, quy tụ đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế nhằm thảo luận về sự phát triển của ngành điện gió Việt Nam.

Hội nghị điện gió Việt Nam diễn ra vào ngày 7/6

Hội nghị điện gió Việt Nam diễn ra vào ngày 7/6

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030 đạt 6,9% tức là 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030. Với công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW, Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành điện gió và năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như nước láng giềng Thái Lan có khả năng sẽ vượt mức 1000 MW công suất điện gió được lắp đặt vào cuối năm 2018 và Philippines cũng tương tự.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thành cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất lớn. Việt Nam đang dần trở thành nước nhập khẩu thuần về năng lượng, phụ thuộc vào than, khí hóa lỏng của nước ngoài.

Trước biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo môi trường, giảm nhập khẩu năng lượng hóa thạch, tăng sử dụng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trên 10% vào năm 2030, trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển hiện còn chậm. Hiện nay, mới chỉ có 7 dự án điện gió, với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào sử dụng.

Ông thừa nhận, các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do vẫn còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng…Đặc biệt, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận bày tỏ, có hai khó khăn lớn khiến điện gió chưa phát triển đúng với tiềm năng, đó là giá và đấu nối đường lưới điện.

Ông Thịnh cho rằng không thể đổ lỗi cho EVN trong chuyện không mặn mà với năng lượng tái tạo.

“Càng nhiều điện gió, điện mặt trời vào lưới điện càng phập phù, EVN càng phải bù lỗ nhiều. Mấu chốt giá điện bán cho người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chỉ 7,3 cent, trong khi điện gió 7,8 cent và điện mặt trời 9,3 cent chưa kể chi phí truyền tải, đấu nối, như thế thì EVN vì sao mặn mà được. Chúng ta phải hiểu như thế. Là doanh nghiệp và cũng là thành viên Hiệp hội, chúng tôi mong giá điện lên, có cơ chế để bù giá điện. Tôi cho rằng nên thu phí hóa đơn thêm mấy đồng, nó không ảnh hưởng đến người nghèo và có khoản tiền để hỗ trợ cho năng lượng tái tạo”, ông Thịnh kiến nghị.

Ông Bùi Vĩnh Thắng, Quản lý phát triển kinh doanh, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đã trình Chính phủ về giá điện gió mới với 9,97 cent cho điện gió trên biển và 8,97 cent cho điện gió trên đất liền, mức giá đấy đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam. Nhưng hạn chế lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam là hợp đồng mua bán điện vì hợp đồng hiện tại đặt rủi ro cao với nhà đầu tư khi huy động vốn.

“Có 3 điều khoản chính khiến hợp đồng mua bán điện hiện tại chưa huy động vốn được là điều khoản hủy và chấm dứt hợp đồng. Chi phí đầu tư điện gió lớn, nhưng trong điều khoản có nói EVN có thể hủy hợp đồng và chỉ bồi thường tiền điện trong 1 năm đó. Đó là rủi ro quá lớn. Thứ hai là điều khoản giải quyết tranh chấp và quản lý lưới điện”.

Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng năng lượng điện lực, Sở Công Thương Bình Thuận cũng cho biết, 10 năm triển khai điện gió nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhà đầu tư còn phàn nàn về việc thu hồi đất đai, chưa có Luật năng lượng điện tái tạo….

Tại hội nghị, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC cho biết, GWEC mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại.

Song để ngành điện gió Việt Nam có thể phát triển, đại diện các Tổ chức khuyến nghị, hợp đồng mua bán điện (PPA) cần được chuẩn hóa; Quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Đồng thời, cần quy hoạch trước hạ tầng lưới điện, đảm bảo bổ sung nguồn năng lượng điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Mặt khác, cần thành lập Hiệp hội điện gió quốc gia có năng lực và ngành điện gió trong nước đủ mạnh để Việt Nam có thể thu được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên gió dồi dào.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dien-gio-viet-nam-chap-nhan-mua-dat-cung-khong-xong-post264768.info