Điện Hải cổ thành - Chuyện chưa kể: Trận thắng vẻ vang nhất thời nhà Nguyễn

Ít ai biết rằng, trong 87 năm chống thực dân, trận chiến đầu tiên nhằm ngăn bước chân đổ bộ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào năm 1858 - 1860 cũng chính là trận thắng oanh liệt nhất, vẻ vang nhất của triều Nguyễn.

Hình ảnh mô phỏng liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ vào thành Điện Hải - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu

“Lá chắn” của Kinh Đô Huế

PGS-TS Ngô Văn Minh, Ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đã có những phân tích sâu sắc về thành Điện Hải khi đề cập hệ thống phòng thủ ven biển Đà Nẵng thời triều Nguyễn. Theo ông Minh, thành giữ vai trò là cơ sở phòng thủ kiên cố nhất với các đồn, đài... được xây dựng liên hoàn. Dù có sự phòng bị tốt như vậy, nhưng khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược vào ngày 1.9.1858, mặt trận Đà Nẵng nhanh chóng bị vỡ. Chỉ đến khi Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức sung chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam, trực tiếp vào điều khiển chiến trường, tình hình mới có sự chuyển biến. “Với tư duy quân sự thực tiễn, ông đã cho đắp một lũy cát từ ngoài biển, vòng vào bao quanh các đồn Phước Ninh, Thạc Gián... đến sát thành Điện Hải. Ông lại chia vùng chiến sự ra làm các khu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Liên Trì đưa quân đến đóng…”, PGS Minh phân tích.

Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú trong bộ phim tài liệu Sóng cửa Hàn (dài 30 phút do Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng đạo diễn) có nhắc lại chuyện ngày 15.9.1859 quân Pháp tịch thu tấm bản đồ của một vị quan tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Tấm bản đồ này mô tả rất kỹ cảnh chiến sự giữa Pháp và VN vào năm 1858. “Phòng tuyến của VN giăng khắp nơi, quân VN cũng thả những lồng tre chứa đá để cản tàu Pháp vào. Quân triều Nguyễn cũng làm nhiều hàng chông tre tại cửa sông và dày đặc phòng tuyến khắp Đà Nẵng. Trong suốt 18 tháng, cuộc chiến đấu diễn ra giằng co. Nhiều lần quân Pháp đã chọc thủng phòng tuyến nhưng cuối cùng phải rút về vì nơi nơi đều giăng đầy lũy”, ông Tú nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế), bộ binh Pháp khi vào được đất liền cũng vấp phải những lũy phòng ngự hàng hàng lớp lớp của triều Nguyễn. “Vì phong thổ không phù hợp dẫn đến bị tiêu hao lực lượng, nên tháng 3.1860 thực dân Pháp phải chấp nhận thất bại và rút khỏi Đà Nẵng”, ông Tiến dẫn sử liệu và phân tích thêm: Quân số của tướng Nguyễn Tri Phương có tại Đà Nẵng không nhiều hơn quân Pháp, nên nhà Nguyễn tìm cách chế ngự sở trường của quân Pháp và buộc phía địch phải dùng sở đoản.

Thắng lợi vang dội về chiến lược

Tại hội thảo về thành Điện Hải diễn ra cuối năm 2017, nhiều nhà sử học đã khẳng định đây là trận đầu chiến thắng vẻ vang nhất của triều Nguyễn trong lịch sử kháng Pháp. “Có thể nói những chiến lũy trong cuộc chiến xuất phát từ chiến thuật lấy phòng thủ để tiến công mà Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ đạo tại mặt trận Đà Nẵng lúc bấy giờ”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đánh giá.

Cuộc chiến tại Đà Nẵng diễn ra trên “diện rộng”, từ cửa sông đến đất liền nhưng tập trung nhất vẫn là khu vực trong và ngoài thành Điện Hải. Ý nghĩa cuộc chiến, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, vì thế cũng rất đặc biệt: “Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là trận thắng đầu tiên kể từ khi Pháp nổ súng đến lúc VN giành độc lập vào năm 1945. Trong quá trình này, chúng ta liên tục khởi nghĩa, hết sĩ phu này đến sĩ phu khác nổi dậy chống Pháp nhưng bị thất bại, nhiều lãnh tụ đã hy sinh, cũng có những trận thắng nhưng mang tính nhỏ lẻ”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, về tầm chiến dịch, trận thắng ở Đà Nẵng oai hùng nhất bởi Pháp đánh 18 tháng nhưng không chiếm được, buộc phải rút quân đánh ở phía bắc và phía nam. “Pháp cũng không bao giờ trở lại Đà Nẵng bằng giải pháp quân sự. Khi ký được hòa ước năm 1884, Pháp trở lại bình định mà thôi. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đây là trận thắng về mặt chiến lược duy nhất trong thời kỳ Pháp thuộc và là câu chuyện rất ít người biết”, ông Hùng phân tích thêm. Câu chuyện Pháp tấn công Đà Nẵng và thành Điện Hải cũng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử VN từ cổ - trung đại sang cận hiện đại với dấu mốc 1858. “Khi làm hồ sơ xin công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, chúng tôi đã đưa ra quan điểm này và nhanh chóng thuyết phục được Bộ VH-TT-DL”, ông Hùng tiết lộ.

Tiếc rằng, đây là thắng lợi đầu tiên và... duy nhất của nhà Nguyễn, bởi sau này quân Pháp tiến quân vào miền Nam hay đưa quân ra miền Bắc đều đánh thắng rất nhanh, buộc vua Tự Đức phải ký hòa ước.

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/dien-hai-co-thanh-chuyen-chua-ke-tran-thang-ve-vang-nhat-thoi-nha-nguyen-943641.html