Điện hạt nhân và những sự đối nghịch ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang là chủ đề gây tranh cãi khắp lục địa châu Âu, khi một số cường quốc cho rằng, cần phải chấm dứt kỷ nguyên điện hạt nhân vì an toàn nhân loại. Ngược lại, tái khởi động các dự án điện hạt nhân đang dần trở thành phương cách duy nhất để cứu nguy.

Toàn cảnh khu vực nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim của Đức hoạt động trước thời điểm đóng cửa vào ngày 15/4/2023. Ảnh: Reuters

Toàn cảnh khu vực nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim của Đức hoạt động trước thời điểm đóng cửa vào ngày 15/4/2023. Ảnh: Reuters

hế giới xuất hiện những biến động khó lường, làm thay đổi đường hướng phát triển của toàn cầu. Đặc biệt trong đó là cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài từ năm 2022 đến nay. Thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng buộc một số quốc gia tái khởi động các dự án điện hạt nhân dù gặp nhiều tranh cãi gay gắt. Trong bối cảnh đó, Đức vừa tuyên bố đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này, trong khi Phần Lan lại kích hoạt lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu sau 18 năm, cho thấy những quan điểm đối lập của các nước châu Âu.

Những người ủng hộ điện hạt nhân cho rằng, hành động của chính quyền Đức là phi logic trong bối cảnh an ninh năng lượng ở tình trạng “mong manh”. Đồng thời khẳng định, năng lượng hạt nhân là đáng tin cậy, ổn định và ít ô nhiễm môi trường nên động thái của chính quyền Đức không phải là một thông điệp tích cực đối với các tham vọng trung hòa carbon của châu Âu.

Ngược lại, luồng quan điểm ủng hộ Chính phủ Đức đánh giá đây là một thành công to lớn sau cuộc đấu tranh dai dẳng nhằm loại bỏ mối nguy hại về an ninh thường trực đối với các sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, cũng như hiểm họa môi trường từ rác thải hạt nhân. Giới chuyên gia chỉ rõ, để có thể quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân cuối cùng, chính quyền Đức đã trải qua một hành trình dài. Lưu ý rằng, Đức từng xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên trong những năm 60 của thế kỷ 20, sau đó trở thành cường quốc điện hạt nhân. Thời kỳ cao điểm, 19 nhà máy điện hạt nhân của Đức đã cung cấp 1/3 sản lượng điện toàn nước Đức.

Chính quyền Đức qua các thời kỳ trong nhiều năm qua đã dành nhiều tâm sức định hình rõ những mối nguy hại từ loại hình năng lượng này. Các sự cố liên quan đến nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã trở thành những bài học nhãn tiền, khởi đầu cho phong trào bài trừ điện hạt nhân tại Đức.

Từ đó, ngay từ năm 1993, Đức đã đóng cửa tới 16 nhà máy điện hạt nhân và chỉ còn 3 nhà máy. Năm 2010, chính quyền Đức cũng quyết định sẽ đóng cửa 3 nhà máy điện này muộn nhất vào năm 2038. Sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản năm 2011 đã khiến Đức đẩy nhanh kế hoạch này sớm 14 năm, tức đóng cửa 3 nhà máy này vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu thời gian qua đã khiến Đức trì hoãn quyết định này đến tháng 4/2023.

Giới chuyên gia khẳng định, lộ trình đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân không phải quyết định vô lý, mà đã được thực hiện một cách kiên định trong hơn 2 thập kỷ qua. Mặt khác, thực tế cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung hiện nay không có nhiều liên quan tới năng lượng hạt nhân của Đức. Bởi, Đức ít có nguy cơ rơi vào cảnh thiếu hụt lớn năng lượng khi 3 nhà máy cuối cùng này chỉ đóng góp 6,5% tổng lượng điện cho Đức trong năm 2022.

Đây là con số rất nhỏ so với các loại điện than (30%), điện gió (22%), điện quang (10%). Mặt khác, nguồn dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức cao, nguồn cung mới thay cho khí đốt của Nga được dự báo sẽ ổn định và đáp ứng được nhu cầu, nên việc cắt bỏ 6,5% điện hạt nhân không đem tới thách thức đáng kể cho Đức.

Chính phủ Đức và một bộ phận lớn giới chuyên gia năng lượng nước này cùng cho rằng, giải pháp căn cơ để thích ứng với cuộc khủng hoảng năng lượng có thể còn kéo dài trong tương lai là phải đẩy nhanh sử dụng năng lượng khí tự nhiên hóa lỏng, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhiều quốc gia sẽ khó đồng tình, thậm chí là phản đối cách làm của chính quyền Đức, bởi họ không có những điều kiện thuận lợi như Đức để có thể dễ dàng từ bỏ loại hình năng lượng được đánh giá là thân thiện này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dien-hat-nhan-va-nhung-su-doi-nghich-o-chau-au-post460743.html