'Diên hi công lược': Vì sao Ngụy Anh Lạc không thể tham dự tuyển tú nữ vào hậu cung Càn Long?

Trong 'Diên Hi công lược', tất cả mọi thứ đều không phải ngẫu nhiên!

Trong Diên Hi công lược, Ngụy Anh Lạc lần đầu nhập cung, bị gọi là Bao y (包衣) cùng với các cung tỳ khác, và theo như lời của Nạp Lan Thuần Tuyết, “sinh ra là để hầu hạ Bát kỳ nữ tử”. Vì sao lại có định kiến như thế? Vì sao một cô nàng bản lĩnh, thông minh, cơ trí như Ngụy Anh Lạc lại không được trực tiếp tham gia kì điện tuyển, tuyển chọn tú nữ vào hậu cung Hoàng đế?

Cung nữ nhà Thanh, chủ yếu đến từ đợt xét tuyển của Nội Vụ phủ mà vào, gọi là Nội Vụ phủ tuyển Tú nữ (內務府選秀女). Tất cả bọn họ, đều xuất thân từ “Bao y”. Cái gọi là “Bao y”, là gọi tắt của cụm từ Bao y tá lĩnh quản lĩnh hạ nhân (包衣佐领管领下人), chỉ giai cấp chuyên hầu hạ các Hoàng đế, tôn thất vương công, chủ yếu đảm nhiệm phủ viên, hộ vệ, tùy hầu, trang đầu, lăng tẩm viên tẩm bảo hộ, làm quản gia, tùy hầu, sai vặt… nên còn có danh xưng Nội Bát kỳ (内八旗).

Trực thuộc Hoàng đế, là xuất thân Thượng tam kỳ Bao y, gọi là Nội Vụ phủ thuộc (内务府属), còn trực thuộc Vương công gọi là Hạ Ngũ kỳ Bao y, hay Vương công phủ thuộc (王公府属). Các cung nữ ở hoàng cung đều là Thượng tam kỳ Bao y xuất thân (Thượng tam kỳ là kỳ tịch thuộc 3 loại quân kỳ cao nhất: Tương hoàng kỳ, Chính hoàng kỳ và Chính bạch kỳ).

Về cơ bản, so với tiện dân thì Bao y cũng cao hơn, tuy là hầu cận, song chính ra trong Bát kỳ vẫn có vai vế, lại cũng có kẻ hầu người hạ, vì giai cấp Bao y là một cộng đồng quan viên có nhiệm vụ hầu hạ Hoàng thất, nên gia đình cũng có gốc gác truyền đời. Nói cách khác, thân phận Bao y cũng có sự “kế tục”, vì đời đời làm hầu hạ hoàng tộc. Do là thân phận Bao y, các thục nữ ở tầng lớp này vĩnh viễn không có tư cách Bát Kỳ tuyển tú, mà chỉ có thể vào cung làm cung nữ, nếu may mắn thì được sủng hạnh mà thôi.

Theo đó, Nội Vụ phủ mỗi năm sẽ xét tuyển 1 lần, đối tượng là Bao y trong Thượng Tam kỳ (Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ, Chính Bạch kỳ), độ tuổi từ 12 đến 15, yêu cầu ngũ quan đoan chính, hành động nhanh nhẹn, ăn nói rõ ràng. Tất cả đều phỏng vấn ở Ngự Hoa viên trong Tử Cấm Thành, mỗi lượt chọn 5-6 người, sau đó trở thành Cung nữ, phân phối đến các cung điện phục vụ, ai không được chọn thì có thể về nhà kết hôn. Do đợt xét tuyển này khác với Bát Kỳ tuyển tú, nên sẽ không thể có trường hợp Tú nữ Bát Kỳ thành Cung nữ, trừ phi cá nhân người đó muốn thành cung nữ.

Nếu là những người tuyển chọn thì sẽ có bổng lộc cao hơn vì được chọn lọc kỹ lưỡng để hầu hạ Hoàng đế, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu và các chủ tử khác trong cung. Nếu những người vì hoàn cảnh mà bán vào trong cung thì sẽ làm việc tại các phòng, các ti trong Tử Cấm Thành. Dưới thời Ung Chính, cung nữ hầu hạ cho Quý nhân trở lên, tắc phải được tuyển từ con nhà thế gia trong tầng lớp Bao y, còn những người Thường tại, Đáp ứng thì mới tuyển cung tì xuất thân thấp kém.

Gia đình Ngụy thị, trong lịch sử là một gia tộc cao trong tầng lớp Bao y. Đến thời trung kì Ung Chính, gia tộc Ngụy thị đã đạt đến hàng giai cấp tầm trung đẳng trong nhóm quan lại Bao y thuộc Nội Vụ phủ. Cha bà là Ngụy Thanh Thái, người Giang Tô, giữ chức Nội quản lĩnh, mẹ là Dương Giai thị, từng cùng tổ mẫu của Ngụy thị là Niên thị đảm nhiệm tuyên sách bảo văn nữ quan. Bên cạnh đó, chú bác trong họ nhà bà, thời kì Ung-Càn đều là quan viên trung cấp của Nội Vụ phủ, bà còn có người anh em trai tên Ngụy Đức Hinh.

Ngụy thị xuất thân Bao y, nhờ lệ thuộc Nội vụ phủ nên có thể đã lấy thân phận cung nữ nhập cung, với đợt Nội Vụ phủ Tuyển tú. Cũng là do Bát Kỳ tuyển tú là lựa chọn con nhà quan chức, xuất thân từ Bát Kỳ cao quý, nên với thân phận là Nội vụ phủ Bao y nữ tử, Ngụy thị không được lấy thân phận tú nữ tham gia ứng tuyển phi tần.Thế mới thấy được, con đường mà Ngụy Anh Lạc sẽ phải đi để đến ngôi vị Hoàng Quý phi chông gai và gần như “bất khả thi” đến mức nào…

Đăng Thiên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/dien-hi-cong-luoc-vi-sao-nguy-anh-lac-khong-the-tham-du-tuyen-tu-nu-vao-hau-cung-can-long-3276490.html