Điện Kremlin nhắc Ukraine biết dùng luật ở biển Azov

Xung quanh vụ việc ở eo biển Kerch được Tòa án ITLOS xử lý, Điện Kremlin nhắc Ukraine quy trình dùng luật ở biển Azov.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov mới đây đã tuyên bố lập trường của Điện Kremlin khi Ukraine mang vụ xung đột ở biển Azov ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov.

Theo đó, ông Peskov tuyên bố lập trường của Moscow không thay đổi đối với sự kiện xảy ra hồi tháng 11/2018.

Ông Peskov khẳng định, cuộc điều tra và số phận của các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ sẽ do cơ quan điều tra và tòa án Nga quyết định.

"Lập trường không thể thay đổi. Cần hoàn tất cuộc điều tra liên quan đến việc vi phạm luật pháp ở biên giới và sẽ có phiên xử tại tòa án" - ông Peskov nói với tờ báo Vedomosti.

Nga lâu nay khẳng định biển Azov là vùng biển do cả Nga và Ukraine cùng sở hữu và khai thác.

Liên quan đến việc đi lại của tàu thuyền ở vùng eo biển Kerch mà Nga đóng cửa và vùng biển Azov, giữa Nga và Ukraine đã tồn tại “Thỏa thuận về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch”, ký tháng 12/2003 giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kuchma.

Theo thỏa thuận, “tàu thuyền Nga và Ukraine vì mục đích phi thương mại được tự do thông thương”, “tàu chiến và tàu thuyền các nước thứ ba được đi vào biển Azov và eo Kerch nếu được một trong hai nước kia mời, được nước còn lại đồng thuận”; “những bất đồng phải được giải quyết bằng tư vấn và thương lượng, và các phương tiện hòa bình khác”.

Thỏa thuận hiện đã được cho là lạc hậu với tình hình thực tế khi Nga chấp nhận đơn xin sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014 song chưa có tuyên bố từ bỏ hợp tác giữa Nga và Ukraine về thỏa thuận này.

Như vậy, các xung đột ở biển Azov mà Nga tố cáo rằng Ukraine đã vi phạm lãnh hải Nga phải được giải quyết theo các thủ tục theo thỏa thuận chứ không phải theo thẩm quyền của một tòa án quốc tế nào.

Tuy nhiên, Ukraine đã cố gắng đưa vấn đề lên trầm trọng hơn khi buộc xử lý vụ việc theo luật pháp quốc tế.

Hôm 25/5 vừa qua, ITLOS yêu cầu Nga phải thả thủy thủ và tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ ở eo biển Kerch từ cuối tháng 11/2018.

Người đứng đầu tòa án có trụ sở tại Hamburg, ông Paik Jin-Hyun đưa ra thông báo này. Đồng thời nhấn mạnh việc yêu cầu Nga thả người là phán quyết cuối cùng và ràng buộc trách nhiệm với cả hai bên tranh chấp.

Đáng chú ý, ITLOS đưa ra phán quyết này chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần kể từ khi phía Kiev đệ đơn yêu cầu trọng tài lên tòa quốc tế và chưa có một phiên điều trần nào có đủ đại diện của Kiev và Moscow.

Moscow đã từ chối tham gia các phiên tòa của Tòa án ITLOS bởi cho rằng Tòa này không có thẩm quyền đối với "các hoạt động quân sự".

Trước phiên điều trần ngày 25/5, phía Ukraine đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho Nga trả lại các tàu Ukraine, thả ngay 24 thủy thủ bị giam giữ và cho phép họ quay trở lại Ukraine, và ngăn chặn việc truy tố hình sự các thủy thủ và kiềm chế các cuộc điều tra mới.

Tại phiên tòa, ITLOS cho thấy hai yêu cầu đầu tiên của Kiev là hợp lý, nhưng phán quyết rằng không cần thiết phải yêu cầu Moscow ngừng truy tố hình sự và kiềm chế khởi xướng các vụ án mới, mặc dù tin rằng điều đó là hợp lý.

Các phán quyết của tòa án có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng họ không có quyền để thi hành chúng.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dien-kremlin-nhac-ukraine-biet-dung-luat-o-bien-azov-3380857/