Điện lực miền Nam đáp ứng sự kỳ vọng của người dân

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại chuyến công tác phía nam từ ngày 2-17/10, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

 Các ĐBQH đánh giá EVN SPC đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Ảnh: VGP/Minh Thi

Các ĐBQH đánh giá EVN SPC đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Ảnh: VGP/Minh Thi

Luôn bảo đảm đủ điện

Theo báo cáo của Chủ tịch HĐTV EVN SPC Nguyễn Văn Hợp với các ĐBQH, tính đến cuối năm 2018, điện lưới quốc gia đã về đến 100% số xã; số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, trong đó hộ dân nông thôn đạt 99,05%. Những nỗ lực này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Nam cao hơn nhiều năm, tuy nhiên ngành điện đã có nhiều phương án thích hợp và cung cấp đủ điện, không điều hòa tiết giảm phụ tải… để phục vụ cho các hoạt động chính trị, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt. Tại từng địa phương, ngành điện không ngừng đầu tư phát triển lưới điện để bảo đảm cung cấp đủ điện cho người dân.

Ông Đào Hữu Điền, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với 99,98% hộ dân được sử dụng điện lưới, trong đó, tỉ lệ hộ dân khu vực nông thôn có điện là 99,98%.

Đồng Tháp là tỉnh có lưới điện quốc gia phủ khắp toàn tỉnh và tỉ lệ hộ dân có điện gần như cao nhất ở ĐBSCL. Việc cung cấp điện luôn được duy trì ổn định, bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu thiết yếu của người dân, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng.

Tại Vĩnh Long, sản lượng điện thương phẩm 9 tháng năm nay đạt 781 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Năm nay, sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh cao nhất trong 10 năm gần đây. Để bảo đảm cung cấp đủ điện, ngành điện đã đầu tư 397 tỷ đồng triển khai 4 công trình lưới điện 110 kV và 22 công trình lưới điện phân phối 22 kV. Ngoài ra còn phát triển gắn điện kế mới 5.924 khách hàng tại các xã nông thôn mới, đầu tư xóa hộ câu phụ hơn 1.000 hộ.

Tại tỉnh Sóc Trăng, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao sự phát triển, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng nhiều dự án lưới điện, đặc biệt là thực hiện dự án xóa hộ câu phụ, đã cấp điện cho 1.800 hộ dân trong năm 2019.

Công tác vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện được ngành điện phối hợp tốt với các cấp, các ngành thực hiện bằng nhiều hình thức đã có tác động tích cực đến ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội góp phần cải thiện đời sống đối với người có công với cách mạng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đối với Bà Rịa-Vũng Tàu - một tỉnh du lịch đang phát triển, trong 9 tháng qua, ngành điện đã cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh 9 tháng tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,67% kế hoạch được giao. Để đáp ứng nguồn điện cho các khu vực như vùng sâu vùng xa, cảng biển, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp… ngành điện đã chủ động khảo sát, đầu tư hạ tầng lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho từng khu vực.

Bên cạnh đó, công tác phát triển khách hàng, tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng, phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn cũng đạt kết quả khả quan, góp phần giúp việc sản xuất và cung cấp điện ổn định, an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự cố về điện.

Theo ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành điện nói chung và những nỗ lực của EVN SPC nói riêng đã đóng góp lớn tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đề nghị ngành tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện, nhất là ở huyện Côn Đảo nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Các ĐBQH đánh giá cao chương trình tiết kiệm điện mà EVN SPC triển khai đã mang lại hiệu quả lớn cho người dân và xã hội cũng như ngành điện, nhất là trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội hiện nay. ĐBQH cho rằng, con số tiết kiệm 1.066 triệu kWh trong 3 quý năm 2019 (gần gấp đôi với cùng kỳ 2018), đạt 1,98% sản lượng điện thương phẩm thực hiện mà EVN SPC đạt được thực sự ấn tượng với một địa bàn tăng trưởng kinh tế cao và luôn khát điện.

EVN SPC đã đầu tư phát triển lưới điện cao áp để đáp ứng nhu cầu điện cho người dân. Ảnh : VGP/Minh Thi

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện lực

Các đoàn ĐBQH cũng đánh giá cao nỗ lực của EVN SPC và các đơn vị thành viên trong việc đổi mới trong kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, ứng dụng CNTT vào rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện cho khách hàng, đặc biệt là triển khai cấp điện theo phương thức điện tử.

Tuy nhiên, ĐBQH các tỉnh cũng mong muốn EVN SPC cũng như các công ty điện lực 21 tỉnh phía nam không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ ngành điện hơn nữa, nhất là công nghệ hóa việc giao dịch, không dùng tiền mặt trong thanh toán, đồng thời hiện đại hóa ngành điện trong việc sử dụng năng lượng sạch, phát triển điện mặt trời áp mái, công khai giá điện, khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng...

Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị chú trọng việc khai thác các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Đồng thời lưu ý ngành điện cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người nhân hiểu rõ về việc tính giá điện công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận trong xã hội, cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong dân, nhất là đối với các hộ nuôi tôm công nghiệp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Công ty Điện lực Đồng Tháp tiếp tục triển khai xây dựng các công trình về điện, nâng tỷ lệ hộ dân lắp điện mặt trời áp mái, đồng thời giải quyết nhanh các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các ĐBQH cũng lắng nghe, ghi nhận những khó khăn vướng mắc ngành điện đang gặp phải và những đề xuất, kiến nghị của ngành cũng như cử tri nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trở ngại để nâng cao khả năng cung cấp và hiệu quả sử dụng điện cũng như chất lượng dịch vụ điện lực.

Cử tri tại Đồng Tháp kiến nghị ngành ngân hàng nên có giải pháp thông thoáng hơn để tạo điểu kiện cho người dân thuận tiện trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt. Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị các ĐBQH tiếp tục hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm bắt chủ trương không sử dụng tiền mặt trong thanh toán và tích cực thực hiện chủ trương này nhằm nâng cao tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thông tin cho người dân, khách hàng sử dụng điện hiểu rõ về chủ trương triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) và phát triển nguồn điện mặt trời của Chính phủ nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, góp phần bảo đảm môi trường, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/dien-luc-mien-nam-dap-ung-su-ky-vong-cua-nguoi-dan/378019.vgp