Diện mạo mới ở vùng ATK

Tỉnh Thái Nguyên có 85 xã, thị trấn thuộc vùng ATK và dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện chương trình 'Phát triển KT-XH vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020', diện mạo vùng ATK đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…

Những nương chè xanh mát mắt ở vùng Định Hóa (Thái Nguyên).

2 năm, với nguồn vốn huy động hơn 2.200 tỷ đồng tỉnh đã đầu tư xây dựng 142 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 364 km đường trục xóm và liên xóm, 151 km đường ngõ xóm, 89 km kênh mương nội đồng; xóa 35 xóm, bản “trắng điện” tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ; kiên cố hóa được trên 70% chiều dài số kênh mương nội đồng để đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm...

Từ chỗ nghèo khó đeo đẳng, nhiều xã “ba không” thì nay, ôtô đã có thể vào đến xã, thôn, điện lưới phủ khắp các thôn, bản. Tỉnh cũng triển khai Dự án cấp bách xóa phòng học tạm, xây mới 33 phòng học với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng ở hai huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, đảm bảo 100% các xã có trường học kiên cố. Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở đối với các học sinh đang theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao thể trạng học sinh vùng khó khăn.

Cùng với cơ sở điện, đường, trường trạm khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, tỉnh còn triển khai hàng loạt các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các xã trong vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Điển hình như chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dự án hỗ trợ phát triển diện tích trồng cây ăn quả; hỗ trợ phát triển trang trại, chăn nuôi;...Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh cây lúa truyền thống, hiện nay bà con đã phát triển thêm các giống cây trồng mới như: Ngô, lạc, khoai tây, bí đỏ khoai lang… địa phương cũng chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng vùng chăn nuôi, vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung.

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ và kịp thời như: hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ về nhà ở; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ tiền điện; bảo trợ xã hội… góp phần ổn định cuộc sống các hộ nghèo, hộ cận nghèo và từng bước vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững ở vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện các chương trình đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi nói chung, vùng ATK, đặc biệt khó khăn nói riêng cải thiện cuộc sống, ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn ở Thái Nguyên đã giảm 4,3% trong khi mức giảm chung bình quân của toàn tỉnh là 2%. Số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh so với thời điểm trước 2017 đã giảm từ 48 xã xuống còn 36 xã, trở thành một trong những tỉnh giảm nhanh trong toàn quốc...

Về các địa phương vùng ATK hôm nay, dẫu vẫn còn đó không ít khó khăn nhưng nhìn ngắm những con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn quanh các đồi cọ, nương chè xanh mát mắt, những nương lúa chín vàng rực dưới nắng thu mới thấy được sự đổi thay rõ rệt nơi vùng quê cách mạng...

T. Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/dien-mao-moi-o-vung-atk-tintuc418638