Điện mặt trời chưa hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ví chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như 'cây gậy và củ cà rốt', trong đó 'cây gậy' là quy định chặt chẽ về pháp luật và 'củ cà rốt' là cơ chế ưu đãi Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, “củ cà rốt” vẫn chưa đủ sức hấp dẫn NĐTNN, trong khi “cây gậy” còn quá yếu, khiến họ tỏ ra dè dặt do e ngại rủi ro về chính sách.

Cơ quan quản lý còn dè dặt

Mới đây, tại cuộc họp với các tổng công ty điện lực, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định quan điểm tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các NĐT để khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Cụ thể, thời gian tới, EVN tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ĐMTMN, tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển, mang lại hiệu quả cho NĐT, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện.

Đồng thời, các ban chuyên môn và các tổng công ty điện nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn ĐMTMN tại các khu vực, để NĐT xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống phù hợp. EVN cũng đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ NĐT lựa chọn công nghệ phù hợp. Theo thống kê, tính đến đầu tháng 6-2020, cả nước có hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt hơn 640 MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh, tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng hơn 300 tỷ đồng.

Do ngại ô nhiễm môi trường nên cơ quan quản lý còn dè dặt về cơ chế, do vậy nhiều nhà đầu tư ngoại ngại đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

Do ngại ô nhiễm môi trường nên cơ quan quản lý còn dè dặt về cơ chế, do vậy nhiều nhà đầu tư ngoại ngại đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

Tuy nhiên, EVN vẫn khá dè dặt đối với loại hình ĐMTMN có quy mô và công suất nhỏ lẻ (chủ yếu là hộ gia đình). Còn đối với các dự án ĐMT có quy mô hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó nổi cộm là vấn đề hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho truyền tải điện. Đặc biệt, thỏa thuận về hợp đồng mua bán điện giữa NĐT khai thác dự án với EVN sau nhiều năm vẫn chưa đạt được kết quả. Đơn cử, tại một số địa phương Nam Trung bộ, nhiều dự án ĐMT vẫn đang bị kẹt ở thế “đi mắc núi, về mắc sông”, nếu rút đi doanh nghiệp sẽ mất vốn, nếu đầu tư truyền tải sẽ tốn kém, trong khi chờ cơ chế… chưa biết đến bao giờ.

Theo ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng Việt Nam, hiện trạng nói trên cho thấy đang có sự phát triển nóng của các dự án năng lượng mặt trời. Trong khi 1 dự án ĐMT chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng để thực hiện 1 dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV mất khoảng 3-5 năm. Điều này dẫn đến hạ tầng truyền tải không theo kịp. Ngoài ra, khách quan nhìn nhận, các rủi ro của dự án ĐMT hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

“Những tấm năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng xử lý ra sao, đến nay trên thế giới vẫn chưa có quốc gia nào có công nghệ xử lý tối ưu, nghĩa là vẫn gây ra ô nhiễm. Tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời khoảng 20-25 năm. Trong hợp đồng đầu tư dự án, các công ty nước ngoài bán pin cam kết sau khi hết hạn sử dụng, các tấm pin sẽ được chuyển về nơi sản xuất. Song, trong 25 năm đó có rất nhiều rủi ro, thí dụ các công ty bán pin bị phá sản, trách nhiệm thực thi hợp đồng không còn nữa” - ông Thắng nói.

Cần cơ chế rõ ràng

Trong bản công bố “Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0)” của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ có cơ chế cụ thể để khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng Sơ đồ Điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển NLTT, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích NĐT tư nhân phát triển các dự án NLTT có quy mô lớn và nhỏ, như ĐMTMN, pin lưu trữ, trang trại ĐMT, ĐMT nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối…

NĐTNN cũng kiến nghị đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án. Bởi khi hành lang pháp lý hoàn thiện, cơ chế rõ ràng sẽ thu hút được nhiều NĐT tham gia lĩnh vực này, chia sẻ bớt gánh nặng về đầu tư công cho Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Đáng chú ý, theo các NĐTNN, vấn đề vướng mắc về vốn đầu tư, về xây dựng hệ thống truyền tải điện, các công nghệ dành cho phát triển các dự án NLTT… họ có thể khắc phục được khi quyết định đầu tư.

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Bjorn Salvid, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết hiện NĐT Thụy Điển rất chú ý đến lĩnh vực NLTT ở Việt Nam và đang đợi cơ chế hoàn thiện. Ông Bjorn Salvid nhận xét: “Khi Việt Nam tập trung nhiều vào phát triển NLTT, chúng tôi rất vui vì đây sẽ là cơ hội để đầu tư. Song có vẻ như đường truyền tải chưa đáp ứng được và cần phải nâng cấp, đặc biệt là kết nối giữa các trạm với nhau. Những công ty có thế mạnh của Thụy Điển như ABB, Ericsson có thế mạnh để đầu tư các lĩnh vực này”.

Ông Bjorn Salvid nói tiếp: “Điều tôi cảm thấy tích cực là gần đây các công ty tư nhân đã được tham gia xây dựng các đường truyền tải điện. Việc này kỳ vọng mở ra hướng đi về sau khi tư nhân được tham gia khâu vận hành. Khi tôi tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp Thụy Điển về thị trường Việt Nam, hầu hết cho biết họ rất quan tâm đến lĩnh vực này và đưa ra những ý kiến tích cực.

Họ muốn biết các chính sách của Chính phủ Việt Nam như ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về lĩnh vực này như thế nào, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân ra sao, hợp đồng mua bán điện sau này, vấn đề ưu đãi thuế… Tuy nhiên, Việt Nam thời gian qua đang quá tập trung phát triển ĐMT, trong khi những loại hình khác như điện gió, điện từ xử lý rác thải chưa được quan tâm đầu tư tương xứng”.

Chúng tôi coi chính sách dành cho phát triển NLTT như cặp song hành cây gậy và củ cà rốt. Vì thế kỳ vọng Việt Nam sớm có quy định chặt chẽ về pháp luật, cũng như sự rõ ràng về cơ chế ưu đãi trong phát triển nguồn năng lượng này.
Ông Bjorn Salvid

SƠN THỦY

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/dien-mat-troi-chua-hap-dan-nha-dau-tu-ngoai-81429.html