Diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn quân

Sáng 4-3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến tại hơn 220 điểm cầu trong toàn quân. Tới dự, có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng; cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ

Sáng 4-3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến tại hơn 220 điểm cầu trong toàn quân. Tới dự, có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng; cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ

Phát biểu khai mạc diễn tập, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, cuộc diễn tập được tổ chức nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng, chống dịch Covid-19 ở các cấp. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình phòng, chống dịch Covid-19 và sẵn sàng đối phó các tình huống phi truyền thống khác.

Phát biểu ý kiến tại buổi diễn tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 biểu dương Bộ Quốc phòng đã tổ chức cuộc diễn tập quan trọng ở quy mô toàn quốc và sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của quân đội ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch. Đồng chí nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch đã được Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đánh giá cao. Điều đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nòng cốt của QĐND Việt Nam, của đội ngũ y bác sĩ, cả quân y, dân y hết lòng vì sức khỏe của nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, trong đó có lực lượng quân đội, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, hướng dẫn phòng, chống dịch; tăng cường dự phòng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực phát hiện ngay tại cơ sở để khoanh vùng điều trị tại chỗ; rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn; tham gia tuyên truyền để nhân dân hiểu biết về dịch, tránh tư tưởng chủ quan, song không hoang mang, lo lắng… Đồng thời lưu ý, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, cần lường trước nhiều khả năng để có các giải pháp ứng phó kịp thời.

* Sáng 4-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Trên cơ sở phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo và chuyên gia y tế tập trung thảo luận về công tác hậu cần, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác sàng lọc, phân loại, cách ly, tầm soát và điều trị dịch bệnh; các giải pháp phòng, chống dịch lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn lây chéo trong các cơ sở điều trị…

Có chuyên gia đề xuất cần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, chúng ta cần làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà.

Nhằm kiểm soát, cách ly các trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam từ những nước có dịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế và các tỉnh lân cận, bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch theo hình thức có trả phí. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch lập và gửi danh sách nơi lưu trú, dịch vụ, giá dịch vụ cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thông báo với hành khách nhập cảnh có nhu cầu đăng ký; đồng thời phối hợp các bộ, ngành và chính quyền địa phương để cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan tình hình học sinh đi học trở lại từ ngày 2-3, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, 60/63 tỉnh, thành phố quyết định, thời gian chính thức học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 2-3 và dự kiến vào ngày 17-3 đối với học sinh các bậc: mầm non, tiểu học, THCS. Đến nay, qua theo dõi và báo cáo của ngành giáo dục, tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học đạt 97% trong ngày 2-3 và 98% trong ngày 3-3. Chiều 4-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “bộ check-list”, thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe tại nhà và trường học cho các học sinh khi đi học trở lại.

* Ngày 4-3, Bộ Công thương tiếp tục cập nhật lượng hàng hóa tồn ở các cửa khẩu từ ngày 2 đến 3-3. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tại Cửa khẩu Hữu Nghị xuất khẩu được 132 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc), nhập khẩu 363 xe và đang tồn 125 xe gồm nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu; tại Cửa khẩu Tân Thanh xuất khẩu 101 xe (dưa hấu, thanh long, chuối, xoài, mít, chôm chôm), nhập khẩu 36 xe (khoai môn, hành, dưa vàng, tỏi, nấm tươi) và tồn 284 xe (chủ yếu là thanh long, dưa hấu, xoài, mít,...); tại Cửa khẩu ga Đồng Đăng (ga đường sắt) xuất khẩu được tám toa và tồn bốn toa (hai toa hóa chất, hai toa vật liệu chịu lửa nhập khẩu). Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tại cửa khẩu chính tồn 10 xe (hai xe hàng thực phẩm đông lạnh, tám xe hàng nông sản xuất khẩu); tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tồn 420 xe (376 xe hàng thực phẩm đông lạnh và 44 xe hàng khô các loại); Cửa khẩu Vạn Gia tồn 12 xe (năm xe hàng thực phẩm đông lạnh và bảy xe hàng khô khác). Tại Cửa khẩu Kim Thành II (tỉnh Lào Cai) tồn 200 xe thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít xuất khẩu,… Tổng cộng, xuất khẩu được 479 xe và tám toa tàu hỏa; nhập khẩu 863 xe; tồn 1.070 xe và bốn toa.

* Từ ngày 7-3, Hãng hàng không Vietjet Air sẽ tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc để phòng, chống dịch Covid-19. Hãng đã và đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tuân thủ quy trình khai thác nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà chức trách hàng không về kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cao nhất cho hành khách, tổ bay và tàu bay. Hiện nay, cả bốn hãng hàng không Việt Nam đều đã quyết định tạm dừng khai thác đi Hàn Quốc do dịch Covid-19.

* Sáng 4-3, TP Hải Phòng tiếp tục cách ly y tế đối với 376 người, trong đó hầu hết đều đến từ Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian từ ngày 29-2 đến ngày 2-3. Số người này sẽ được cách ly y tế tại Khoa Bệnh Nhiệt đới cơ sở 1 và cơ sở 2 (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp); Trường Quân sự Hải Phòng; Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh (Trường đại học Hải Phòng) trong thời gian 14 ngày.

* Ngày 4-3, tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và cách ly 106 công dân của nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam từ Hàn Quốc trở về. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cơ quan y tế, các ngành chức năng đã hoàn tất các thủ tục tiếp nhận, bảo đảm việc cách ly an toàn, đúng quy định. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, trong tổng số người được cách ly, có 16 người trở về từ vùng có dịch. Sau khi tiếp nhận và khám sàng lọc lần cuối ở khu vực được cách ly, có một trường hợp nam giới (sinh năm 1995, quê Đồng Tháp) về từ vùng dịch Đê-gư có biểu hiện ho và đã được nhân viên y tế tỉnh Hòa Bình cách ly riêng để lấy mẫu xét nghiệm, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

* Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4-3, thành phố còn năm trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 đang chờ kết quả xét nghiệm. Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu cách ly tập trung để sẵn sàng khả năng tiếp nhận, tổ chức cách ly cho người đến từ vùng dịch; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và việc cách ly tại nhà.

* Ngày 4-3, có thêm 44 lao động đi từ vùng dịch về tỉnh Thanh Hóa được hướng dẫn cách ly tại gia đình. Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, hiện có 21 người đang được theo dõi, giám sát, điều trị cách ly tại các cơ sở y tế. Hệ thống giám sát trong tỉnh đang theo dõi, hướng dẫn 420 lao động, người nước ngoài từ vùng dịch trở về thực hiện cách ly tại nhà, nơi cư trú. Cùng ngày, Sở Y tế Thanh Hóa cùng các đơn vị trực thuộc tiếp tục giám sát, hỗ trợ hoạt động cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng - Trường đại học Hồng Đức.

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa có công điện về việc cách ly hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thông báo kịp thời số lượng chuyến bay, số lượng và thông tin hành khách, thời gian dự kiến hạ cánh cho các đơn vị để tổ chức tiếp nhận và cách ly; yêu cầu các hãng hàng không thông báo tới hành khách về việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Bộ Quốc phòng bố trí phương tiện vận chuyển để đón hành khách trên các chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam và đưa về khu vực cách ly; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết tại khu vực cách ly. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Quốc phòng tổ chức cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo tiếp nhận, phân loại, sàng lọc và cách ly đối với những trường hợp được đưa về khu vực cách ly của địa phương; chuẩn bị cơ sở điều trị phù hợp, sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 (nếu có).

* Bộ Y tế cho biết, ngày 3-3, trên chuyến bay VN814 từ Xiêm Riệp (Cam-pu-chia) về TP Hồ Chí Minh khai thác bởi Vietnam Airlines có vận chuyển 73 hành khách, trong đó có một hành khách ngồi ghế 33D, chuyển tiếp chuyến bay đi Na-gô-y-a (Nhật Bản) trên chuyến bay VN340, số ghế ngồi 2C, giờ cất cánh 1 giờ 19 phút (giờ Việt Nam), khi đáp xuống tại Nhật Bản, hành khách này có biểu hiện sốt và được cơ quan y tế Nhật Bản kiểm tra sức khỏe, kết quả dương tính với Covid-19. Trong quá trình chuyển tiếp chuyến bay, hành khách nêu trên không ghé quầy chuyển tiếp, nhưng có vào phòng thương gia hạng C. Tổ tiếp viên trên chuyến bay VN340 phải quay về Việt Nam trên chuyến bay VN341 hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ 55 phút ngày 4-3. Trên chuyến bay VN341 có 73 hành khách và 12 thành viên tổ bay. Chuyến bay VN341 từ Na-gô-y-a về Việt Nam đã phải xử lý y tế. Cụ thể: Cách ly tập trung 51 khách nhập cảnh vào Việt Nam và toàn bộ tổ bay. 22 khách nối chuyến được cách ly và đang thực hiện các thủ tục để nối chuyến. Khử trùng máy bay thực hiện chuyến bay VN341. Vietnam Airlines đã rà soát và tổng hợp thông tin của các hành khách ngồi gần hoặc có tiếp xúc với người bệnh trên toàn bộ hành trình, các hành khách đi trên chuyến bay từ Na-gô-y-a trở về TP Hồ Chí Minh trên cùng tàu bay để cung cấp cho các nhà chức trách nhằm có phương án khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời.

* Ngày 4-3, UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang cách ly tập trung 2.234 người đến từ Hàn Quốc, cách ly tại cộng đồng 2.037 người đi về từ vùng dịch, cách ly tại bệnh viện 79 trường hợp. Thành phố sẽ xét nghiệm 100% các ca nghi nhiễm Covid-19 đang được cách ly. Đối với các trường hợp âm tính, sẽ chuyển về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay, thành phố đã lấy, xét nghiệm được 328 mẫu, kết quả đều âm tính. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khử khuẩn lần thứ 5 tại các trường học.

Ngày 4-3, Bộ Y tế cấp số đăng ký tạm thời cho hai sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi-rút corona (SARS-CoV-2) để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc. Đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của vi-rút corona 2019” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Đề tài giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện. Trong quá trình sử dụng để xét nghiệm sàng lọc, cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất sinh phẩm chẩn đoán in vitro tiếp tục phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá hiệu quả chẩn đoán của sản phẩm trên lâm sàng và kiểm tra với sản phẩm đối chứng, đồng thời tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ để được xét cấp số đăng ký lưu hành theo quy định.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43489802-dien-tap-phong-chong-dich-covid-19-trong-toan-quan.html