Diễn viên Chiều Xuân: Nghệ thuật sống với mẹ chồng là sự chân thành

Chiều Xuân luôn tâm niệm rằng 'nhà chồng đối tốt với mình một, mình phải đối lại gấp ba'.

Chiều Xuân, cái tên nghe mới lãng mạn, dễ thương và quá đỗi quen thuộc với điện ảnh Việt Nam. Chị kể, đó là vì chị sinh vào chiều mồng 5 Tết năm 1967, một buổi chiều mùa xuân nên mẹ chị đặt tên là Chiều Xuân, giản dị vậy thôi. Chiều Xuân là con gái của đạo diễn Nguyễn Đức Đọc, ông là thầy dạy của nhiều diễn viên điện ảnh gạo cội như Phương Thanh, Thanh Quý, Minh Châu, Thanh Hiền, Bùi Cường, Bùi Bài Bình, Nguyễn Đình Thân…

Như bao người phụ nữ khác, Chiều Xuân cũng làm dâu, có một mẹ chồng nghiêm khắc, tinh tế và hết lòng. Từng ấy năm sống chung, để gia đình hòa thuận yên ấm là sự nỗ lực của cả hai người phụ nữ quan trọng trong gia đình.

Kể lại về mẹ chồng quá cố, Chiều Xuân luôn tâm niệm rằng "nhà chồng đối tốt với mình một, mình phải đối lại gấp ba". Khi có những cắc cớ, khúc mắc giữa hai mẹ con, Chiều Xuân lại nghĩ về những điều tốt đẹp bà đã làm cho mình mà tự vấn. "Tôi tự nhủ rằng, có khi mình sai rồi vì đến bố mẹ đẻ mình còn khen bà hết lời, sao tôi lại có ý nghĩ 'xấu' nhỉ. Cứ như thế, mối quan hệ của tôi với mẹ đơn giản hơn rất nhiều, không chấp vặt nhau."

Cứ thế, sau nhiều năm sau khi mẹ chồng mất, nghệ sĩ Chiều Xuân vẫn khóc khi kể chuyện về bà. Với Chiều Xuân khi đem sự hiểu biết và chân thành ra để đối đãi với nhau thì mẹ chồng và nàng dâu cũng chẳng khác nào mẹ đẻ và con gái.

Kể lại về mẹ chồng quá cố của mình, diễn viên Chiều Xuân từng tâm sự: "Ngày tôi mới về làm dâu, cái gì cũng không biết. Bà chỉ dạy từng tí. Tết đầu tiên làm dâu, nấu cỗ ngày Tết bà hướng dẫn tôi tỉ mỉ. Lúc sinh bé Hồng Mi, chúng tôi cũng chưa có điều kiện nhiều, bà sắm hết đồ đạc quần áo cho bé. Tôi chỉ việc mang đi đẻ. Có người nói rằng không có điều kiện bà sắm cho gì mà chả được, nhưng cũng không hẳn thế đâu. Tôi tin tưởng mẹ tôi đi trước, từng nuôi chồng tôi lớn bà có đủ kinh nghiệm hơn tôi.

Cảm động nhất là lúc tôi sinh, nói thật, ngày đó làm gì có băng vệ sinh dành cho phụ nữ sau sinh như bây giờ, toàn dùng vải xô. Thế mà gia đình ngoại tôi bận, mẹ chồng cần mẫn giặt cho tôi hết, rồi bà nấu cháo móng giò, đun nước lá mít tắm cho tôi... Hành động của bà khiến tôi cảm động vô cùng.

Có một lần, trong câu chuyện của mẹ chồng tôi với một người bà con, người đó cứ nói rằng tôi trông rất giống mẹ chồng. Trong câu chuyện vui vui ấy, mẹ tôi bảo có phúc lắm mới có được cô con dâu giống mình. Bất chợt tôi nghe thấy, một cảm xúc khó tả mà một người con gái còn đầy bỡ ngỡ đi làm dâu như tôi nghe được. Tôi bỗng nghĩ rằng cả cuộc đời này tôi biết ơn bà không hết. Tôi biết, tôi đã có một mẹ chồng tử tế và tinh tế.

Trong cuộc sống chung, Chiều Xuân chưa bao giờ để chồng bị lôi vào mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cả. Nêu quan điểm về "nút gỡ" khi căng thẳng leo thang trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, Chiều Xuân cho rằng: "Mẹ chồng nên là người mở lòng trước. Khi một người con dâu bỡ ngỡ mới bước vào gia đình mình người mẹ quan trọng lắm. Người mẹ mở lòng đón nhận một cách chân tình, chỉ bảo một cách thực lòng không con dâu nào lại không cảm động và mở lòng cả. Chỉ một câu thôi cho nút mở này "nghe và hiểu". Trước hết, chúng ta phải biết lắng nghe, nghe xong mới hiểu vấn đề để chúng ta từ từ giải quyết. Còn nếu khi nghe xong vẫn không hiểu nhau, tốt nhất, chúng ta nên tách nhau ra. Có nghĩa là ở riêng, đừng chịu đựng nhau để rồi mối quan hệ rạn nứt đẩy đi xa, cả gia đình đều khổ".

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/dien-vien-chieu-xuan-nghe-thuat-song-voi-me-chong-la-su-chan-thanh-20180321142114195.htm